Bí mật bị che giấu trong vụ thảm sát tại Thế vận hội 1972

Bí mật bị che giấu trong vụ thảm sát tại Thế vận hội 1972

Thứ 2, 25/02/2013 09:30

Vụ thảm sát kinh hoàng khiến cả thế giới bàng hoàng và oán trách cơ quan an ninh Đức đã quá thờ ơ trước sự an toàn của vận động viên (VĐV) và người dân.

Vụ thảm sát kinh hoàng nhất lịch sử Olympic

Đã 40 năm trôi qua, những hình ảnh kinh hoàng của vụ khủng bố tại Thế vận hội mùa hè lần thứ 20 tổ chức ở thành phố Munich, thủ phủ bang Bavaria (Đức) vẫn còn đọng lại trong tâm trí của những người chứng kiến năm đó. Vào đầu tháng 9/1972, mọi người đang háo hức chờ đón một Thế vận hội mùa hè hoành tráng và tràn đầy không khí của thể thao thì một nhóm khủng bố đã tấn công và bắt giữ VĐV làm con tin.

Trong khi đó, các cơ quan mật vụ Đức từng được cảnh báo rằng sự việc tương tự nhất định sẽ xảy ra, nhưng họ vẫn án binh bất động để rồi nước đến chân mới nhảy. Sự thờ ơ từ giới có trách nhiệm bảo đảm an ninh của nước đăng cai đã gây chấn động phong trào Olympic quốc tế, khiến dư luận thế giới hết sức bất bình.

Tiêu điểm - Bí mật bị che giấu trong vụ thảm sát tại Thế vận hội 1972

Đoàn vận động viên Israel tại Thế vận hội mùa hè 1972.

Hai ngày diễn ra Vụ thảm sát Munich năm 1972 là hai ngày đen tối nhất trong lịch sử Olympic. 8 tên khủng bố người Palestine thuộc tổ chức quá khích Tháng 9 đen đã đột nhập vào nơi ở của đoàn VĐV Israel, bắt giữ họ làm con tin rồi đòi thả 234 tù nhân Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù Israel, cũng như phóng thích hai phần tử cộm cán thuộc nhóm Đạo quân đỏ (RAF) bị phía Đức giam cầm.

Sau những cuộc thương thuyết bất thành, kết cục 11 thành viên Đội tuyển Olympic Israel gồm cả huấn luyện viên và VĐV đã bị sát hại dã man, ngoài ra có một sĩ quan cảnh sát Đức và 5 tên khủng bố thiệt mạng trong các vụ đọ súng.

Do được quyền tiếp xúc với hồ sơ lưu trữ của Văn phòng Thủ tướng, Bộ Ngoại giao và một loạt các cơ quan nhà nước cấp liên bang khác, nhóm ký giả thuộc tờ tuần báo Der Spiegel phát hành ở Hambourg (Đức), một trong những ấn phẩm hàng đầu châu Âu đã vén bức màn bao phủ tấn bi kịch lớn nhất trong lịch sử Olympic hiện đại.

Qua các tài liệu mật cũng như kết quả điều tra, tin điện ngoại giao và biên bản các cuộc họp nội các đã bóc trần những nỗ lực nhằm bưng bít sự thật đáng chê trách: Mật vụ Đức tuy đã biết trước nguy cơ khủng bố trong dịp Thế vận hội sắp diễn ra ở Munich, nhưng vẫn cố tình làm ngơ như không có chuyện gì.

Bí mật bị phanh phui

Ngay trước thời điểm khai mạc Olympic Munich 1972,  cơ quan mật vụ Đức đã nhận được những cảnh báo về một cuộc tấn công nhắm vào các VĐV. Cụ thể vào ngày 14/8/1972, một nhân viên Sứ quán Tây Đức tại Beirut (Liban) tình cờ nghe được nguồn tin với nội dung sắp có sự cố lớn trong kỳ Olympic Munich sắp tới. Đến ngày 22/8/1972, Bộ Ngoại giao Đức tức tốc báo động cho Cơ quan Phản gián bang Bavaria cùng lời đề nghị có biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn mối nguy cận kề.

Thậm chí tạp chí Gente xuất bản ở Milan (Italy) trong số ra ngày 2/9/1972, ba ngày trước thời điểm xảy ra bi kịch tồi tệ này, đã chỉ đích danh các thành viên thuộc nhóm Tháng 9 đen đang lên kế hoạch hành động trong thời gian diễn ra Thế vận hội tại Đức. Tuy nhiên, đến tận hai ngày sau khi vụ thảm sát xảy ra, giới chức phụ trách an ninh Munich mới có được thông tin này qua công văn cảnh báo từ đồng nghiệp ở Hambourg.

Rồi những dấu hiệu khả nghi khác cũng không được phát hiện kịp thời, như bọn khủng bố đã đột nhập vào làng Olympic làm loạn trước khi ra tay hành động, hay chúng từng gặp trở ngại trong việc tìm thuê phòng khách sạn do không đặt chỗ trước như đa phần du khách ngoại quốc.

Nhưng điều gây phẫn nộ hơn cả là chỉ một ngày sau lễ tưởng niệm vụ thảm sát Munich được tổ chức tại sân vận động Olympic trước 80.000 khán giả và 3.000 VĐV vào ngày 7/9/1972 nhằm tưởng nhớ các nạn nhân, trong cuộc họp đặc biệt do Chính phủ Liên bang triệu tập nhân sự kiện bi thảm chưa từng có, một viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao Đức đã lên tiếng phát biểu rằng: "Những lời buộc tội lẫn nhau cần phải tuyệt đối tránh, cũng như không để xảy ra những sự chỉ trích công khai. Rõ ràng câu nói này nhằm che giấu đi sự thật đang phơi bày trước mắt và lấp liếm đi sự vô trách nhiệm của giới chức có liên quan.

Ngay cả thông tin Viện Công tố Bavaria quyết định tiến hành điều tra tội ngộ sát đối với Manfred Schreiber, người phụ trách nhóm hành động của Cảnh sát Munich tấn công vào nơi giam giữ con tin Israel nhằm khống chế bọn khủng bố, cũng không được công khai ra bên ngoài.

Các cơ quan có trách nhiệm đã nỗ lực xóa bỏ mọi bằng chứng thất bại trong cuộc tấn công giải cứu con tin. Còn tài liệu bảo vệ an ninh Thế vận hội do Sở Cảnh sát Munich soạn thảo dự kiến tới 26 tình huống, trong đó có cả phương thức bắt giữ con tin đã không cánh mà bay".

Tiêu điểm - Bí mật bị che giấu trong vụ thảm sát tại Thế vận hội 1972 (Hình 2).

Kẻ chủ mưu vụ thảm sát Munich Mohammed Oudeh.

Tháng 9 đen không hành động một mình

Theo hồ sơ tình báo Đức, một số phần tử tân phát xít Đức đã bí mật giúp đỡ những phần tử khủng bố Tháng 9 đen chuẩn bị và tiến hành vụ bắt cóc các vận động viên Israel ở Olympic Munich 1972. Hồ sơ tình báo Đức cho biết, Abu Daud, tên khủng bố cầm đầu vụ bắt cóc, đã đến Đức vào tháng 7/1972 để chuẩn bị cho vụ bắt cóc này.

Theo tờ Spiegel, hồ sơ tình báo và hồ sơ cảnh sát được công bố có đề cập đến việc cảnh sát Đức đã theo dõi sát sao Daud khi hắn đến Đức. Tuy nhiên, vẫn chưa có chứng cứ nào trong hồ sơ tình báo cho thấy lực lượng tình báo và cảnh sát Đức tiến hành các chiến dịch truy lùng hoặc bắt Daud. Daud đã thực hiện kế hoạch tấn công vào làng Olympic Munich, bắt cóc 11 vận động viên Israel thành công mà không hề bị phát hiện.

Hồ sơ tình báo Đức cho hay, một phần tử khủng bố Willi Pohl đã dẫn Daud đến gặp một chuyên gia để làm giả passport (hộ chiếu) cùng các giấy tờ cho đồng bọn. Pohl đã tham gia vào hàng loạt những vụ bắt cóc tại nhà thờ Cologne và các hội trường thành phố ở khắp nước Đức, nhằm trả đũa cho những tay khủng bố Palestine bị bắn chết trong vụ thảm sát Olympic Munich hồi tháng 9/1972.

Đến tháng 10/1972, Pohl bị bắt. Pohl khai: "Tôi đã chở Abu Daud đi khắp nước Đức. Ông ta đã tổ chức nhiều buổi họp mặt với những người Palestine tại nhiều thành phố ở Đức. Cảnh sát còn phát hiện Pohl tàng trữ lựu đạn, súng ống và một lá thư đe dọa của nhóm khủng bố Tháng 9 đen định gửi cho một vị thẩm phán đảm nhận vụ xét xử những người Palestine khác có dính líu đến vụ thảm sát Olympic Munich”.

Theo tờ Spiegel, Pohl thản nhiên khai nhận hắn đã dính líu đến vụ thảm sát Olympic Munich mà không hề hay biết. Pohl sau đó gác kiếm, từ bỏ chủ nghĩa khủng bố và các hoạt động của nhóm theo chủ nghĩa tân phát xít. Hiện Pohl là một tác giả viết sách về tội phạm với một cái tên hoàn toàn mới.        

Bài học xương máu

Bài học rút ra từ vụ thảm sát Munich là chính quyền các cấp thiếu sự chuẩn bị cho một kịch bản tấn công khủng bố từ bên ngoài, trong khi cơ quan mật vụ lại lơ là với trọng trách tham mưu của mình. Đúng ra với một vụ khủng bố tương tự thì Bộ Quốc phòng thừa sức xử trí linh hoạt, nhưng do bị ràng buộc bởi quy định quốc tế sau Thế chiến II, quân đội Đức không được can dự vào các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân khiến lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố GSG 9 trực thuộc Bộ Nội vụ được thành lập chưa đầy 2 tháng sau đó, chuyên nhiệm công tác chống khủng bố cả trên đất Đức cũng như ở nước ngoài.

 Chân dung kẻ chủ mưu

Theo báo The Age, kẻ chủ mưu vụ tấn công kinh hoàng là Mohammed Oudeh, bí danh Abu Daud. Daud đã chỉ huy vụ khủng bố từ một quán cà phê ở nhà ga trung tâm của thành phố Munich. Sau vụ thảm sát Munich, Daud sang Đông Âu một thời gian trước khi đến Li Băng để tham gia cuộc nội chiến tại nước này. Đến năm 1999, ông ta trốn sang Syria và xuất bản cuốn hồi ký Palestine: Từ Jerusalem đến Munich. Trong đó, Daud bày tỏ sự hối tiếc về vụ thảm sát đã gây tác dụng ngược khi dư luận thế giới đã phẫn nộ hơn là đồng cảm với cuộc đấu tranh của người Palestine. Daud còn viết rằng, ý định ban đầu là dùng các vận động viên Israel để mặc cả và quy trách nhiệm những gì đã xảy ra cho sự cứng đầu của bà Golda Meir, Thủ tướng Israel khi đó. Daud qua đời do suy thận tại Damascus vào tháng 7/2010 ở tuổi 73.   

A.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.