Rồi bà lại kể tiếp: “Sau khi gia chủ sắp xếp xong, lễ cũng chỉ đơn giản là hoa quả, nải chuối thôi, tôi liền rút 3 nén hương ra châm và cúng lễ như bình thường. Cúng xong tôi về lại bàn đón tiếp cách đấy không xa ngồi nghỉ ngơi. Nhưng tự nhiên, như có một linh tính nào đấy thúc đẩy, tôi rời khỏi ghế ra khu vực hành lễ. Lúc này gia chủ của khóa lễ vẫn đang mải mê chiêm ngưỡng những dấu ấn của Tháp Tổ quanh đấy. Tôi bàng hoàng khi tự nhiên thấy ánh mắt của tượng Phật Hoàng tỏa sáng". Tôi hét rất to: “Phật Hoàng hiển linh, Phật Hoàng hiển linh. Người về với chúng ta rồi”. Mọi người quanh khu vực nghe tiếng hô lớn liền đổ xô về xem rất đông. Ai cũng ngỡ ngàng trước hình ảnh đang hiện rõ mồn một trước mắt. Cùng lúc đó, tôi thấy khói hương nghi ngút trên bàn thờ tỏa thành hình thù rất đặc biệt như hình con rồng. Hình ảnh rất rõ nét, nhìn là thấy ngay chứ không cần tưởng tượng gì hết”.
|
Anh Nguyễn Đức Thanh, tác giả bức ảnh lạ. |
Khói hình rồng là khoảng khắc ngẫu nhiên Ông Trần Mạnh Thường (phó trưởng ban Lý luận phê bình nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) nhận xét: Về hình ảnh khói hương tỏa hình rồng, tôi có thể lý giải rằng, bức tượng nằm trong một cái tháp, đằng sau tượng là vòm, khói hương gặp gió thì quần hội chứ không bay thẳng ra ngoài trời. Đây chỉ là một sự tự nhiên, ngẫu nhiên mà có. Bức ảnh chụp đúng lúc có khói hương tạo hình rồng, cho chúng ta cảm giác như rồng đang bay, lại thêm đôi mắt tượng Phật phát sáng nên có thể coi đây là một “khoảnh khắc nhiếp ảnh”. Hình ảnh rồng thì hoàn toàn có thể coi là ngẫu nhiên vì nhiều đám mây trên trời cũng tích tụ thành các hình ảnh gần gũi với đời sống. Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng, khi hơi nước bốc hơi, gặp những cơn gió, chúng sẽ tự tập hợp lại thành các hình thù khác nhau. Ở đây, khói hương hình rồng này cũng vậy, hoàn toàn có thể tự nhiên mà tạo thành. |
Sau nhiều kênh tìm kiếm, chúng tôi cũng đã tìm ra tác giả bức ảnh chụp mắt Phật Hoàng tỏa sáng và khói hương hình rồng. Anh là Nguyễn Đức Thanh, từng là chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Phúc Thanh. Anh Thanh bảo, cuộc đời anh, kể từ ngày chụp được hình ảnh này đã hoàn toàn bước sang một hướng khác. Anh Thanh nhớ lại, vốn đam mê chụp ảnh nên tối trước ngày giỗ Phật Hoàng, anh đã tìm mua được chiếc máy ảnh ưng ý nhãn hiệu Leica M6 của Đức, chụp bằng phim nhựa. Tuy nhiên, anh Thanh không phải là người duy nhất chụp được khoảnh khắc kỳ diệu này bởi hôm xảy ra hiện tượng mắt Phật Hoàng phát sáng và khói hương hình rồng, khu Tháp Tổ có khoảng 20 người chứng kiến.
Sáng ngày giỗ Phật Hoàng, được một vị sư ở Yên Tử nhờ trang hoàng Tháp Tổ chuẩn bị cho lễ giỗ, anh Thanh trực chỉ đến thẳng tháp Huệ Quang. Ngay khi đến nơi, gần như ngay lập tức, anh lạnh sống lưng vì thấy mắt Phật hoàng phát sáng. Vội vàng lôi chiếc máy ảnh Leica M6 vẫn đang đeo trên cổ, anh chụp liên tục 4 bức hình. Không yên tâm với chiếc máy ảnh mới, anh Thanh lấy chiếc máy ảnh kỹ thuật số mang theo dự phòng ra chụp liên tục thêm hàng chục bức ảnh nữa. Khi thầy Thích Thanh Quyết thấy được hình ảnh tượng Phật Hoàng phát sáng trong máy ảnh kỹ thuật số của anh Thanh đã đề nghị anh rửa 500 bức ảnh để tặng cho nhân dân vào ngày mai, ngày khai hội Đại lễ Phật Đản.
Xem lại các bức ảnh, anh Thanh ngạc nhiên khi các đốm sáng đổi chỗ vài lần trong Tháp Tổ. Ban đầu, 2 đốm sáng xuất hiện ở 2 mắt tượng và 1 đốm sáng trên tường. Sau đó, chỉ còn 1 đốm sáng ở giữa trán (huệ nhãn) tượng, còn 2 đốm trên tường. Ở bức ảnh khác lại thấy 2 đốm sáng ra tận gần cuối chân mày, 1 đốm sáng vẫn ở trên tường. Thấy hiện tượng lạ, anh Thanh bắt đầu đi tìm lời giải thích khoa học cho các bức ảnh. Nhìn bàn thờ của Tổ Phật, anh ngạc nhiên vì khi thấy có 3 chén nước dâng lên Ngài (bình thường không thấy có). Đúng 11h, khi mặt trời xuất hiện thì phương vị mặt trời chiếu thẳng vào chén nước đã phản chiếu lên tượng Phật Hoàng làm ra những đốm sáng kia. Vì mặt trời liên tục chiếu theo các phương khác nhau nên đốm sáng có những thay đổi nhất định như hình ảnh anh Thanh đã chụp được.
Còn về 4 tấm ảnh được chụp bằng máy Leika, sau khi rửa ra có thể nhìn rất rõ hình ảnh khói hương cuộn lại thành hình rồng. Không thể giải thích được hiện tượng này nên anh Thanh chỉ có thể cho rằng “đây là một sự hòa hợp hoàn toàn ngẫu nhiên”. Kể từ khi chụp được khoảnh khắc này, anh Thanh đã rửa cả ngàn bức ảnh để tặng cho những người có duyên và muốn có linh ảnh này. Cũng từ thời điểm đó, Đức Thanh đã trở thành một con người khác khi quyết định rút ra khỏi công việc kinh doanh để tìm hiểu và tu luyện Phật pháp bởi anh cho rằng, việc chụp được những bức ảnh quý trên là “duyên lành” của anh với cửa Phật từ bi.
Trao đổi với PV, sư thầy Thích Khai Bi (Yên Tử) cho biết: “Tôi không được tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ này nên ban đầu, khi nhìn thấy bức ảnh, tôi nghĩ có thể bức ảnh đã được photoshop. Nhưng một thời gian sau, khi nhiều người khác chụp thêm những hình ảnh ở suối Giải Oan, người ta cũng nhìn thấy nhiều đốm sáng bảng lảng bay quanh suối như ánh mắt tượng Phật Hoàng phát sáng thì tôi tin chắc chắn bức ảnh kia là có thật. Còn hình ảnh khói hương tỏa hình rồng có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên bởi vẫn có rất nhiều hình ảnh tự nhiên rất giống một hình thù nào đó trong cuộc sống này”.
Mắt tượng phát sáng không phải sản phẩm photoshop Một giảng viên của khoa nhiếp ảnh (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh) bình luận: Nếu tác giả chụp được bức ảnh ngẫu nhiên này thì quá tuyệt vời. Để ý kỹ một chút, ta sẽ thấy tượng được làm bằng xi măng, không thể có sự phản xạ ánh sáng. Kể cả nếu chũng ta cố tình chiếu đèn vào thì cũng không thể sáng như thế này được. Bởi nếu có sự phản xạ ánh sáng ở đây thì sẽ phải sáng cả khuôn mặt, không thể chỉ sáng 2 con mắt được. Hơn nữa, cái sân ở trên Tháp Tổ cũng không thể hắt sáng được. Không cần quan sát kỹ thì ta cũng thấy góc ảnh này nhìn rất thẳng, chưa bao giờ ánh sáng hắt lại trực diện như thế. Do vậy, đốm sáng này không thể do sự phản xạ ánh sáng mà cấu thành nên. Hoặc giả như có sự phản xạ ánh sáng thì ở đây, khi ánh sáng hắt từ dưới lên, đốm sáng sẽ phải nằm ngay dưới đường lông mày, không thể nằm ở đôi mắt được. |
Theo Gia đình & Xã hội