Mới đây công ty khởi nghiệp có tên Loop gây chú ý khi cho ra mắt loại quan tài thân thiện với môi trường được làm từ mạng lưới sợi cấu thành nên thân nấm tên gọi là Living Cocoon.
Sau nhiều tháng thử nghiệm, loại “quan tài sống” này đã được sử dụng để chôn cất một phụ nữ tại Hà Lan. Bob Hendrikx, nhà sáng lập của Loop, tiết lộ chiếc quan tài đầu tiên làm từ sợi nấm được dùng cho tang lễ một người họ hàng của ông.
Theo các chuyên gia, chiếc quan tài đặc biệt này có thể "giúp" một thi thể phân hủy sinh học nhanh hơn, tự nhiên hơn. Cụ thể chúng có thể giảm thời gian phân hủy thi thể người đã khuất từ 10 năm trở lên (bên trong quan tài bằng kim loại và gỗ) xuống chỉ còn 2 hoặc 3 năm.
Được biết tại Mỹ, việc xử lý thi thể người chết thường được thực hiện theo 2 cách phổ biến là chôn xuống đất hoặc hỏa táng.
Những người ủng hộ việc chôn cất tự nhiên đã tranh luận hàng chục năm rằng việc để thi thể con người phân hủy tự nhiên có ý nghĩa sinh thái. Do đó, ngày càng nhiều bang tại Mỹ cho phép chôn cất hài cốt người ở dạng tự nhiên nhằm mục đích phân hủy.
Tuy nhiên theo số liệu thống kê của bang Minnesota (Mỹ) việc chôn cất truyền thống thải ra môi trường các hóa chất ướp xác, kim loại và ván gỗ cứng (của quan tài), bê tông cốt thép,… Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ đang "chôn cất" rất nhiều vật liệu cứng và dung dịch gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Trong khi đó việc hỏa táng dù vừa tiết kiệm, vừa giải quyết được bài toán "đất chật người đông" nhưng vẫn có thể gây hại cho môi trường nếu các hạt thải siêu mịn và khói tràn ra ngoài không khí khi quy trình hỏa táng không được thực hiện đúng chuẩn mực.
Trước thực tế này, sản phẩm quan tài làm từ nấm có tên gọi Living Cocoon (tạm dịch: kén sống) lại cho phép “con người hòa mình với thiên nhiên”. Thay vì làm ô nhiễm, chúng ta có thể bồi đắp cho môi trường đất.
Living Cocoon cấu tạo chủ yếu từ mycelium, thành phần có trong thân nấm. Nhà thiết kế Bob Hendrikx cho biết mycelium không chỉ vô hiệu hóa độc tố tiết ra từ xác động vật phân hủy mà còn cung cấp chất dinh dưỡng cho các loài thực vật lân cận.
Khác với các loại quan tài thông thường vốn làm chậm quá trình phân hủy của cơ thể người chết, Living Cocoon sẽ được hấp thụ vào lòng đất trong khoảng 4 đến 6 tuần sau khi chôn xuống. Quan tài làm từ nấm được cho là sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy xác người và nạp lượng chất tiết ra vào môi trường đất xung quanh.
Mỗi chiếc Living Cocoon hiện có giá khoảng 1.485 USD (khoảng 34 triệu đồng). Đơn vị phát triển đang cố gắng giảm đáng kể giá thành bằng cách tăng cường sản xuất hàng loạt, đồng thời nhắm đến mục tiêu cung cấp sản phẩm của mình ở nhiều nơi hơn nữa trên toàn thế giới.
Minh Hoa (t/h)