"Hoàn Châu Cách Cách" là bộ phim đã đi vào tiềm thức của thế hệ nhiều người. Có một thời người hâm mộ từng cùng thức cùng ngủ với nhân vật.
Không biết bao nhiêu cô gái đã đem lòng yêu mến chàng Ngũ A Ca điển trai và si tình do Tô Hữu Bằng thủ vai.
Tuy nhiên, trên thực tế, Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ là một nhân vật lịch sử có thật, chỉ có điều cuộc đời vị A Ca này lại đoản mệnh hơn trong phim rất nhiều.
Sinh thời, Càn Long Hoàng đế có 17 người con trai, trong số đó chỉ có 10 người sống đến tuổi trưởng thành. Trong số đó, chỉ có 3 người con nhận được sự quan tâm và tình yêu thật sự của vị vua xuất chúng này.
Đó là Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ, Thập Nhất A Ca Vĩnh Tinh và Thập Ngũ A Ca Vĩnh Diễm (sau thành Gia Khánh Đế).
Vĩnh Kỳ sinh năm 1746, năm Càn Long thứ 6, ông là vị Hoàng tử thứ năm của Thanh Cao Tông Càn Long Hoàng đế.
Hoàng tử Vĩnh Kỳ do Du Quý phi Kha Lý Diệp Đặc - con gái viên ngoại lang Ngạch Nhĩ Cát Đồ. thị sinh ra.
Ngũ A Ca có tướng mạo thư sinh, hiền lành không thích tranh đấu.
Hoàng tử Vĩnh Kỳ là một người hết sức đa tài đa nghệ, trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Vĩnh Kỳ có thể sử dụng thông thạo ba ngôn ngữ Hán, Mãn, Mông Cổ, giỏi lịch pháp, toán học; có tài thi ca, thư pháp, cưỡi ngựa bắn tên, và là một tác giả rất nổi tiếng thời đó.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Vĩnh Kỳ là "Tiêu thông đằng cảo".
Nhưng điều khiến Càn Long hài lòng ở Vĩnh Kỳ nhất trong số các người con của ông chính là tài năng và sự hiếu thuận.
Ngày 5/5,năm Càn Long thứ 28 ( 1763 ), điện Thanh Yến ở Viên Minh Viên xảy ra hỏa hoạn.
Đương lúc hỗn loạn, hai vị thân vương có mặt tại đại điện lúc đó đều vội chạy ra ngoài mà chẳng màng tới an nguy của Càn Long.
Giữa thế dầu sôi lửa bỏng, chỉ có duy nhất Ngũ A Ca liều mình nhảy vào biển lửa, cứu vua cha ra ngoài an toàn.
Hành động ấy đã khiến Hoàng đế vô cùng cảm động. Ông đối với Vĩnh Kỳ càng thêm tín nhiệm, yêu mến đứa con trai xuất chúng ấy.
Từ nhiều dẫn chứng lịch sử, không khó để nhận thấy Vĩnh Kỳ là người từng được Càn Long coi là người kế vị của mình.
Năm Càn Long thứ 30 (1765), Vĩnh Kỳ là hoàng tử đầu tiên được phong hàm Vương với tước hiệu Hoà Thạc Vinh Thân Vương.
Vì hầu hết con vua chỉ được phong Vương khi đã qua đời nên việc Ngũ A Ca được Càn Long phong tước khi còn sống đủ để thấy rằng Vĩnh Kỳ được Càn Long đặt nhiều kỳ vọng cho ngôi vua sau này.
Ngoài ra, vào thời nhà Thanh, chữ "Vinh" trong tước hiệu chỉ chuyên dùng cho con trai trưởng, là một chữ thập phần tôn quý, nếu khi phong hiệu được tặng chữ này thể hiện nhà vua rất xem trọng và hết mực yêu quý người được phong hiệu.
Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp nhận "quyền lực" của con trưởng, Vĩnh Kỳ đã trợ giúp Hoàng đế xử lý hầu hết các chuyện quốc gia đại sự.
Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau đó, Vĩnh Kỳ vì bị bệnh lao mà qua đời, năm ấy hoàng tử mới 24 tuổi.
Sự ra đi của vị hoàng tử mà mình đặt nhiều kỳ vọng nhất đã khiến Càn Long thương tiếc và đau xót không lời nào kể xiết.
Càn Long Đế rất đau buồn, truy thụy Vĩnh Kỳ là Vinh Thuần Thân vương.
Ngũ A Ca qua đời đột ngột đã đem đến cho Càn Long cú sốc lớn về tinh thần và làm thay đổi quyết định chọn người kế vị của vị Hoàng đế này.
Càn Long đã chọn một Hoàng tử với tính cách hướng nội, trầm lặng không có gì nổi bật là Vĩnh Diễm làm người nối ngôi (hoàng đế Gia Khánh sau này).
Vào năm Càn Long thứ 58 (1793), hoàng cung nhà Thanh có cuộc tiếp đón với vị sứ thần George Macartney đến từ Anh quốc.
Trong cuộc gặp gỡ này, mặc dù đau thương nhưng vua Càn Long vẫn không ngớt lời khen ngợi và bày tỏ sự tự hào tột độ về Ngũ A Ca trước mặt sứ thần như một lời khẳng định rằng ngôi vị hoàng đế tương lai không có một ai đủ hoàn hảo để gánh nhận như Vĩnh Kỳ.
Quả đúng như vậy, đến mãi về sau này, chính Càn Long cũng đã tự thừa nhận về việc trong đầu vốn đã có sẵn tính toán để đưa Vĩnh Kỳ lên kế vị.
Về đời tư, Ngũ A Ca thật sự trong lịch sử cả đời chỉ có 3 vị nữ nhân, 1 vị phúc tấn, 1 vị trắc phúc tấn và 1 tiểu thiếp.
3 người phụ nữ kể trên đã hạ sinh cho Vĩnh Kỳ tất cả 6 người con, nhưng chỉ có một người con sống sót, nguyên danh Miên Ức với nghĩa tự đứa con ấy là miền nhung nhớ không nguôi và day dứt đối với Vĩnh Kỳ. Về sau Miên Ức được phong là Vinh Khác Quận Vương.
Sử sách khẳng định, nếu Ngũ A Ca không qua đời sớm như vậy, với sự sủng ái mà Càn Long dành cho vị A Ca này, chắc chắn Vĩnh Kỳ sẽ đứng trong hàng ngũ của một trong những vị hoàng đế thời Thanh.
Minh Anh(tổng hợp)