Quyền lực nằm trong tay ai?
Mới đây, sở Kế hoạch & đầu tư Hà Nội vừa có thông báo gửi công ty TNHH Cica Việt Nam trả lời về việc hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh cho công ty này nhập khẩu ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi. Điều này đồng nghĩa với việc, những chiếc xe BMW mới sẽ tiếp tục thiếu vắng trên thị trường Việt Nam thời gian tới.
Trước đó, từ cuối năm 2016, mọi hoạt động nhập khẩu ô tô BMW vào Việt Nam (trừ diện ngoại giao) đã bị đóng băng khi đơn vị được cho là “nhà phân phối độc quyền”, công ty TNHH ô tô Âu Châu (Euro Auto) vướng vào scandal pháp lý, Tổng giám đốc bị bắt, bị khởi tố vì có liên quan đến hành vi buôn lậu ô tô, làm giả các hóa đơn, chứng từ nhập khẩu…
Không ít người sẽ phải ngạc nhiên khi Cica Việt Nam và Euro Auto lại là “gà cùng một mẹ” khi chủ sở hữu 100% vốn của công ty này là Sime Darby Industrial Sdn.Bhd- một thành viên của tập đoàn Sime Darby Group (Malaysia) lại chiếm tới hơn 90% cổ phần tại Euro Auto.
Mặc dù Cica Việt Nam được cấp phép hoạt động 10 năm tại Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ đơn thuần, không gắn với đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật nhưng trong 2 năm gần đây lại không hề phát sinh lợi nhuận, chưa đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Điều này dấy lên nghi ngại về việc “ve sầu thoát xác” của chủ sở hữu Euro Auto nhằm tiếp tục phân phối BMW ra thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, hàng trăm xe BMW vẫn đang bị ách lại tại các cảng của Việt Nam.
Ở một câu chuyện khác về việc phân phối xe Land Rovel và Jaguar cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm mới đây. Theo đó, công ty TNHH thương mại nhập khẩu Đại Á (trụ sở tại quận 3, TP.HCM) giành được quyền trở thành nhà nhập khẩu độc quyền hai thương hiệu kể trên thay thế cho công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô. Đại Á đã mua lại hệ thống đại lý của Tân Thành Đô để khai thác kinh doanh, chăm sóc khách hàng theo quy chế của Jaguar và Land Rover toàn cầu.
Trước đó, công ty Tân Thành Đô cũng vướng vào những lùm xùm liên quan đến thuế và bị truy thu lên tới 719,5 tỷ đồng. Công ty này đã nộp được 50 tỷ đồng cho cơ quan chức năng và vẫn đang tiếp tục khiếu nại về việc bị truy thu theo quy định của pháp luật. Trong suốt thời gian này, việc phân phối hai thương hiệu xe sang kể trên cũng bị ảnh hưởng nhiều tại Việt Nam.
Câu chuyện của Cica Việt Nam và Đại Á trong việc giành quyền phân phối xe sang, thay thế cho những đơn vị phân phối trước đó đang loay hoay với các vấn đề pháp lý có lẽ cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vấn đề mà nhiều chuyên gia quan tâm vẫn là việc độc quyền trong lĩnh vực này. “Độc quyền không mất đi, nó chỉ chuyển từ tay doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác và lợi nhuận lớn nhất vẫn thuộc về công ty mẹ, nhà nhập khẩu cấp 1 nước ngoài mà thôi”, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Thiên An Phúc, một đơn vị nhập khẩu ô tô cho hay.
Ông này phân tích, như trường hợp của công ty Cica Việt Nam, rõ ràng đây là một cách lách luật hợp pháp của công ty mẹ ở Malaysia nhằm tái hoạt động trở lại tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xe BMW. Nếu chiểu theo luật thì suy cho cùng ai sai người đó chịu. Euro Auto sai phạm thì công ty này đang bị xử lý nhưng Cica thì không, vì vậy họ có quyền xin được nhập và bán xe. Đương nhiên, trong số các ứng viên tiềm năng, bao giờ công ty mẹ vẫn ưu tiên công ty con trước nhất. Cuối cùng, sân chơi độc quyền vẫn hoàn độc quyền. Hơn hết là giá thành sản phẩm vẫn do doanh nghiệp nước ngoài quyết định, người tiêu dùng Việt Nam chỉ còn mỗi cửa bắt buộc phải theo.
Tiền lặng lẽ chảy ra nước ngoài
Ngay tại thời điểm Euro Auto bị vướng vòng pháp lý, nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam, bao gồm cả những doanh nghiệp “siêu khủng”, thừa điều kiện để có thể nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu trong khâu hậu mãi cũng muốn nhảy vào sân chơi BMW, nhưng rút cuộc cho đến hiện tại vẫn chưa được công ty mẹ ở Malaysia chấp nhận không rõ lý do.
Theo lý giải của nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính là do bị chi phối bởi thỏa thuận tỷ lệ ăn chia lợi nhuận giữa các bên. “Nếu công ty mẹ chỉ định quyền phân phối độc quyền và bảo hành, sửa chữa cho công ty con hoặc đối tác chiến lược của họ thì lợi nhuận lớn nhất vẫn chuyển về túi họ. Trong khi đó, nếu mở ra cho những doanh nghiệp khác, chắc chắn phần lợi nhuận của họ sẽ không được như trước”, một chuyên gia khác cho hay.
Cũng chia sẻ với PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Trương Thanh Đức cho hay, hiện nay thị trường xe sang Việt Nam đang mất đi sự cạnh tranh khi bị độc quyền chi phối. “Thị trường nào cũng thế, cần phải có sự cạnh tranh về chuyên môn kỹ thuật, về thuế, về chủng loại giá cả… Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam muốn giành quyền nhập khẩu và phân phối xe nhưng chỉ số ít các ông lớn, có đầu tư “khủng” nước ngoài mới được lựa chọn, mới đáp ứng được. Các tiêu chí đưa ra, cụ thể trong Thông tư 20 của bộ Công Thương đã vô hình chung “bóp chẹt” các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ trong nước. Cuối cùng, người tiêu dùng vẫn là thiệt hại nhất. Nếu như có đến 2-3 doanh nghiệp cùng bán, có sự cạnh tranh về giá, đương nhiên người tiêu dùng sẽ được lợi hơn. Không những thế, như trường hợp của Euro Auto, khi công ty này vướng các vấn đề pháp lý, đột nhiên nguồn phân phối BMW trên thị trường cũng sẽ bị gián đoạn. Đồng nghĩa với việc thời gian này, người tiêu dùng thậm chí còn không được quyền lựa chọn, buộc phải chuyển hướng sang một dòng xe khác. Điều này ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường, làm nó chệch đi so với trước”.
Ông Đức phân tích thêm, câu chuyện ở đây sẽ có hai khía cạnh. Ngoài ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng, hạn chế sự cạnh tranh phát triển của các doanh nghiệp khác thì việc độc quyền kể trên cũng không làm cho doanh nghiệp xe ô tô nội địa phát triển được. Khi đã giành được độc quyền, họ hoàn toàn có thể bắt tay với hãng, thỏa thuận về ghi chép hóa đơn, chứng từ, giá… không thiếu những chiêu bài để biến, chuyển giá, lách thuế… khiến cho Nhà nước bị thất thu một khoản không hề nhỏ về ngân sách. Thực tế, câu chuyện của Euro Auto và Tân Thành Đô cũng đã ít nhiều chứng minh được điều đó.
Người tiêu dùng thiệt thòi, Nhà nước thất thu thuế, doanh nghiệp nội địa bị chèn ép không phát triển… câu chuyện về độc quyền ô tô chắc chắn chưa dừng lại ở đây.
Đỗ Huệ