Bí mật "Đại bàng Đỏ": Vì sao có "phi đội máy bay Nga" trong quân Mỹ?

Bí mật "Đại bàng Đỏ": Vì sao có "phi đội máy bay Nga" trong quân Mỹ?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 4, 20/01/2021 10:00

Không ai biết rằng, có hàng chục máy bay chiến đấu MiG danh tiếng của Nga từng phục vụ trong quân đội Mỹ. Phi đội này có tên "Đại bàng Đỏ".

Hồ sơ - Bí mật 'Đại bàng Đỏ': Vì sao có 'phi đội máy bay Nga' trong quân Mỹ?

Phi đội Đại bàng Đỏ vào những năm 1980.

Huấn luyện chiến đấu trên không là một yếu tố cần thiết trong quá trình đào tạo phi công quân sự. Chính vì mục đích này mà lực lượng không quân của nhiều quốc gia đã thành lập các phi đội chuyên dụng mô phỏng "kẻ xâm lược", có nhiệm vụ bắt chước kẻ thù trong các cuộc tập trận.

Thông thường, vai trò máy bay chiến đấu đối phương sẽ sử dụng chính các máy bay sản xuất trong nước mang đặc tính kỹ thuật tương tự. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ đối với quy tắc này. Ví dụ, trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ đã bí mật tạo ra một phi đội máy bay sử dụng những chiếc MiG thực sự của Liên Xô.

Đại bàng Đỏ

Năm 1977, như một phần của chương trình “Constant Peg”, Đại tá Gail Peck và Tướng Hoyt S. Vandenberg Jr. đã thành lập Phi đội Kiểm tra và Đánh giá số 4477, còn được biết đến với cái tên Đại bàng Đỏ.

Không hài lòng với cách mà không quân Mỹ tác chiến trong các cuộc chiến trước đó, hai vị chỉ huy tin rằng các phi công Mỹ phải được “huấn luyện thực tế”, tức là thực hành không chiến với máy bay thực sự của kẻ thù tiềm năng.

Vấn đề duy nhất là việc sở hữu được máy bay địch không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Chính vì vậy, các máy bay chiến đấu của Liên Xô đã được thu thập từ khắp nơi trên thế giới theo đúng nghĩa đen. Chúng được mua hoặc trao đổi từ Nam Tư, Israel, Ai Cập và các nước khác. Trong những năm 1980, một số máy bay Chengdu J-7, một bản sao MiG-21 của Trung Quốc, đã được mua từ Bắc Kinh.

Indonesia và Somalia đã giúp đỡ rất nhiều cho nỗ lực huấn luyện của Mỹ. Trong những năm 1970, hai quốc gia chuyển sang quan hệ thân Mỹ và cung cấp cho nước này vài chục máy bay mà họ đã nhận từ Liên Xô trước đó. Tuy nhiên, số máy bay này cũng không hoàn hảo. Ví dụ, Indonesia đã cung cấp 4 chiếc MiG bị lỗi, trong đó chỉ có một chiếc có thể sử dụng được.

Cuối cùng, các máy bay chính được phi đội Đại bàng Đỏ sử dụng là MiG-17 (Fresco), MiG-21 (Fishbed) và MiG-23 (Flogger). Tổng số máy bay không được tiết lộ. Thông tin duy nhất được biết là vào năm 1985, phi đội này có 26 người.

“Quý như vàng”

Hồ sơ - Bí mật 'Đại bàng Đỏ': Vì sao có 'phi đội máy bay Nga' trong quân Mỹ? (Hình 2).

Máy bay F-5E của Mỹ bay cùng với các mẫu MiG-17 và MiG-21 thuộc phi đội Đại bàng Đỏ.

Người Mỹ gặp khó khăn không chỉ trong việc tìm kiếm và mua máy bay Liên Xô mà còn trong cả việc bảo trì chúng. Rốt cuộc, Mỹ không thể cứ thế mà đi mua động cơ và phụ tùng thay thế cho những chiếc máy bay Liên Xô. Việc bảo trì các máy bay MiG do các chuyên gia của General Electric thực hiện, trong khi các phụ tùng thay thế vừa quý vừa hiếm do các nhân viên CIA ở Ba Lan và Romania thu được.

Vì những chiếc máy bay này không có tài liệu kỹ thuật nên các phi công phải học cách vận hành chúng từ chính những sai lầm của mình. Nhiều khi những sai lầm đó khiến phi công phải trả giá bằng mạng sống.

Rắc rối nhất đối với Đại bàng Đỏ là những chiếc MiG-23 của phi đội. Các phi công yêu thích chiếc máy bay vì tốc độ, nhưng phàn nàn về sự không ổn định và độ khó khi điều khiển. Chỉ những phi công giàu kinh nghiệm nhất đã hoàn thành vài chục chuyến bay trên MiG-21 mới được phép bay những mẫu MiG-23. Ngày 25/4/1984, Trung tướng Robert Bond đã khiến một chiếc MiG-23 bị rơi.

Mỗi chiếc máy bay chiến đấu trong Đại bàng Đỏ đều được nâng niu như một báu vật thực sự. Chúng không bao giờ bay vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Mặc dù sự tồn tại của các phi đội “kẻ xâm lược” sử dụng máy bay của Mỹ không phải là bí mật, nhưng tất cả thông tin về Đại bàng Đỏ đều được giấu kín cẩn thận trước Liên Xô.

Các chuyên gia Mỹ đã tính toán thời gian và khoảng thời gian vệ tinh Liên Xô bay qua căn cứ không quân Nellis và bãi thử Tonopah ở Nevada, nơi đặt máy bay. Vào những thời điểm đó, những chiếc MiG được đưa vào nhà chứa máy bay hoặc giấu dưới những màn che để ngụy trang.

Kinh nghiệm vô giá

Hồ sơ - Bí mật 'Đại bàng Đỏ': Vì sao có 'phi đội máy bay Nga' trong quân Mỹ? (Hình 3).

Khu vực đặt các máy bay của Đại bàng Đỏ ở Nevada.

Phi đội Đại bàng Đỏ đã tham gia thử nghiệm hầu hết các máy bay chiến đấu của Mỹ đối với cả 3 nhánh trong những năm 1970 và 1980, cũng như tham gia tích cực vào các cuộc tập trận Cờ Đỏ.

Các trận không chiến thường diễn ra theo một số bài tập đã định như một chọi một, hai đấu hai hoặc hai máy bay Mỹ chống lại một máy bay Liên Xô. Ngoài ra, các máy bay MiG còn “tấn công” máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay vận tải C-130 Hercules.

Nhiệm vụ của Đại bàng Đỏ không phải là giành chiến thắng trong trận chiến bằng bất cứ giá nào, mặc dù điều đó cũng xảy ra khá thường xuyên. Mục tiêu chính là để chứng minh cho các phi công đồng nghiệp thấy điểm mạnh và điểm yếu của máy bay Liên Xô, chỉ ra cách thức và thời điểm tốt nhất để tấn công một chiếc MiG.

Chân thực hơn, các máy bay của phi đội Đại bàng Đỏ còn được trang trí bằng các ngôi sao màu đỏ, mặc dù không có viền màu trắng giống với không quân Liên Xô, mà là màu vàng.

Đến cuối những năm 1980, Đại bàng Đỏ bắt đầu thoái trào. Nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí, cũng như việc Liên Xô giới thiệu các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư (mới).

Các phi công của Đại bàng Đỏ thực hiện chuyến bay cuối cùng trên chiếc MiG vào ngày 4/3/1988. Phi đội chính thức bị giải tán vào năm 1990. Máy bay Liên Xô được đưa đi cất giữ trong nhà chứa máy bay, trở thành vật trưng bày trong bảo tàng, hoặc trở thành các mục tiêu trên không trong các bài tập.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.