Bí mật đằng sau các bản hợp đồng bóng đá

Bí mật đằng sau các bản hợp đồng bóng đá

Thứ 7, 05/10/2013 07:30

Ngày nay, các bản hợp đồng bóng đá ngày càng phức tạp và chi tiết. Vậy bí mật ẩn đằng sau "động lực thi đấu" của các cầu thủ này như thế nào?

Cựu tiền đạo Liverpool Robbie Fowler từng thừa nhận anh chưa bao giờ đọc bản hợp đồng của mình. Paul Gascoigne thừa nhận đã từng đề nghị 1 điều khoản về việc anh phải được sống gần hồ câu cá trong hợp đồng của mình. Ông chủ của Sunderland để điều khoản cấm Stefan Schwarz không được bay vào vũ trụ.

Hợp đồng bóng đá là phương tiện kiếm lợi, đôi khi rất phức tạp, nhưng cũng có khi rất kỳ quái; cũng có lúc hợp đồng đôi khi là trung tâm của những bất đồng nảy sinh giữa CLB và cầu thủ.

Bóng đá Quốc tế - Bí mật đằng sau các bản hợp đồng bóng đá

HLV Ferguson trong lễ ký kết hợp đồng với hậu vệ Evra

Tiền lương

Hợp đồng giữa cầu thủ và các CLB tại giải Ngoại hạng thường tuân theo những chuẩn mực, hợp đồng sẽ nêu rõ những yêu cầu mà cầu thủ và CLB muốn và các để các bên tự bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Giám đốc quản lý cầu thủ của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh, ông Mattheu  Buck giải thích: “Một hợp đồng thường bao gồm điều khoản về mức lương cơ bản; phí ký hợp đồng; phí trung thành; các chỉ tiêu dựa trên số trận đấu, kết quả trận đấu, phong độ; một vài thỏa thuận phụ về quyền hình ảnh, và … bất kỳ điều khoản nào khác”.

Ông Buck cũng tiết lộ mức thu nhập của một cầu thủ tại giải Ngoại hạng Anh có thể lên tới 250 nghìn Bảng/tuần nhưng mức lương trung bình tại giải đấu cao nhất của Anh chỉ vào khoảng 25-30 nghìn Bảng/tuần. Mức lương của giải đấu hạng 4 của Anh (League Two) chỉ là 1.300-1.500 Bảng/tuần.

Cùng với sự ra đời và tính hiệu lực của “Luật công bằng tài chính”, các CLB đang có xu hướng chuyển mức lương từ cố định sang mức lương dựa trên phong độ thi đấu. Đặc biệt, phương thức này được áp dụng đối với những cầu thủ trong quá trình khẳng định bản thân hoặc đang trong thời kỳ khởi đầu của sự nghiệp. Các cầu thủ đang ở độ chín của sự nghiệp thường có quyền lực đàm phán cao hơn.

Mọi CLB đều xây dựng cho mình một cấu trúc lương. Ngay cả nhà cựu vô địch Premier League Manchester City cũng có cấu trúc quỹ lương của mình. Cựu giám đốc điều hành Ferran Soriano của Manchester City tiết lộ ông thường định hình mức lương của cầu thủ theo 2 phần: 2/3 mức thu nhập của cầu thủ là từ tiền lương cố định, trong khi 1/3 thu nhập còn lại sẽ phụ thuộc vào thành tích của đội bóng và họ phải chơi tối thiểu 60% số trận trong đội 1 của đội bóng.

Các thỏa thuận hợp đồng dựa trên phong độ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của cầu thủ. Cầu thủ đã có 15 mùa bóng chơi tại Premier League, tiền đạo Kevin Davies của Preston tiết lộ: “Tôi biết có những cầu thủ chỉ thiếu 1 trận để đủ điều kiện gia hạn hợp đồng mới. Tuy nhiên, sau đó đội bóng quyết định không để họ ra sân một trận nào nữa cho đến khi kết thúc mùa giải. Điều này là không công bằng cho các cầu thủ”.

Hiệp hội cầu thủ Anh cũng đưa ra lời khuyên cho các cầu thủ chỉ nên nhìn nhận hợp đồng dưới góc nhìn những thu nhập mà chắc chắn họ được nhận. Nếu họ đang có phong độ tốt và có tầm ảnh hưởng tại đội bóng, khi đó họ có thể xem xét chịu một vài rủi ro với các điều khoản thu nhập thêm.

Điều khoản thưởng

Có rất nhiều cách để đưa ra hình thức khen thưởng cho các cầu thủ. Đôi khi chỉ với 30 giây được vào sân, một cầu thủ đã có thể nhận được khoản thưởng 5 nghìn Bảng. Một số các khoản thưởng khá phổ biến như ghi bàn, kiến tạo, giữ sạch lưới. Thậm chí, ở giải nhà nghề Mỹ, các cầu thủ còn được thưởng khi là cầu thủ kiến tạo phụ (cầu thủ chuyền bóng để cầu thủ khác kiến tạo bàn thắng).

Nhưng phổ biến hơn cả là các khoản thưởng chung cho cả tập thể nếu đạt một mục tiêu nào đó của Ban lãnh đạo như vô địch, giành suất dự Champions League. Các điều khoản thưởng tập thể thường đem lại nhiều tiền hơn các khoản thưởng cá nhân. Điều này tạo động lực để các cầu thủ thi đấu tập thể hơn.

Kevin Davies chia sẻ: “Tôi biết có một vài cầu thủ nhận được mức thưởng rất lớn khi ghi bàn vì vậy, động lực cho họ là cần phải ghi bàn. Nhưng cũng chính vì điều đó họ thực hiện các cú sút ở mọi nơi, mọi lúc và đôi khi điều đó không có lợi cho toàn bộ đội bóng. Tôi nghĩ quyền lợi cá nhân không nên vượt cao hơn quyền lợi tập thể. Bóng đá là môn thể thao của tập thể”.

Luật sư nổi tiếng Liz Ellen của hãng luật Mishcon de Reya tại London cho rằng các CLB tại Premier League thường có xu hướng tập trung vào các khoản thưởng tập thể hơn là cá nhân. Bà nói: “Rất nhiều đội bóng không áp dụng các hình thức thưởng cho việc ghi bàn hay kiến tạo vì nó sẽ khiến các cầu thủ chỉ tập trung vào lợi ích cho bản thân hơn là cho tập thể”.

Những điều kỳ diệu và kỳ lạ trong các bản hợp đồng

Cựu tiền vệ Stefan Schwarz của Sunderland đã từng tiết lộ mong muốn được bay vào vũ trụ sau khi gia nhập “Mèo đen” vào năm 1999. Chính vì sự lỡ miệng này, CLB Sunderland đã quyết định kèm thêm điều khoản “cấm Schewarz bay vào vũ trụ” trong hợp đồng của cầu thủ này.

Cựu chủ tịch Simon Jordan của Crystal Palace cũng khẳng định trong hợp đồng của cầu thủ Neil Ruddock có điều khoản về việc giảm lương nếu anh … tăng cân.

Các điều khoản mua lại hợp đồng trở nên khá phổ biến trong vài năm trở lại đây tại Anh. Tiền vệ Marouane Fellaini có điều khoản giải phóng hợp đồng trị giá 23,5 triệu Bảng có giá trị đến 31/7/2013, nhưng Manchester United phải trả đến 27,5 triệu Bảng trong ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng Hè vừa qua.

Arsenal cũng đưa ra lời đề nghị khá kỳ thú 40 triệu + 1 Bảng cho tiền đạo Luis Suarez sau khi được cầu thủ này tiết lộ trong điều khoản hợp đồng của tiền đạo người Uruguay có điều khoản bắt buộc Liverpool phải xem xét nếu một CLB đưa ra lời đề nghị trên 40 triệu Bảng. Tuy vậy, cuối cùng Suarez vẫn bị buộc ở lại Anfield sau khi kết thúc kỳ chuyển nhượng Hè vừa qua.

Bản quyền hình ảnh

Tiền lương từ bản quyền hình ảnh thường không được đưa ra ở các CLB xếp cuối của Premier League. Một lý do nữa khiến tiền bản quyền hình ảnh ít được áp dụng tại Anh là thuế thu nhập cá nhân ở Anh rất cao và các cơ quan thuế thường rất khắt khe với các khoản thu nhập bất thường như bản quyền hình ảnh. Ngày nay, các CLB ‘lách luật’ khi không gọi nó với tên bản quyền hình ảnh mà gọi nó với cái tên ‘chia sẻ lợi nhuận từ doanh thu áo đấu’. Các khoản thu nhập này có thể chiếm 10-25% tổng thu nhập của 1 cầu thủ.

Mâu thuẫn giữa cầu thủ và CLB về lương bổng

Ngày nay các cầu thủ thường nghĩ rằng mình có quyền lực hơn so với CLB khi được một đội bóng lớn hơn thể hiện sự quan tâm thông qua các phương tiện truyền thông, người đại diện. Tuy nhiên, tình huống của Suarez mới đây là minh chứng rõ nhất cho thấy hợp đồng không chỉ bảo vệ quyền lợi của cầu thủ, nó cũng là công cụ để các CLB tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Quy định ở Anh cũng chỉ ra rằng nếu một cầu thủ không có những hành động vượt quá ranh giới cho phép thì CLB chỉ có thể phạt tối đa 2 tuần lương. Tiền đạo Carlos Tevez của Manchester City từng bị phạt 2 tuần lương sau khi từ chối ra sân trong trận đấu giữa Man City và Bayern Munich ở mùa trước.

Ngày nay, với việc hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện cùng sự ‘tích cực’ của giới đại diện, các cầu thủ ngày càng để ý nhiều hơn đến quyền lợi tài chính của mình. Sẽ khó để chỉ ra được một cầu thủ ở thời điểm hiện tại giống như Paul Scholes, Ryan Giggs hay Robbie Fowler - những người thậm chí còn chẳng quan tâm đến hợp đồng của họ. Bởi trong họ chỉ có sự đam mê chơi bóng, máu của họ hòa lẫn với hình ảnh của CLB, với tình cảm của người hâm mộ.

Mark Lawrenson, chuyên gia phân tích bóng đá của BBC, cựu hậu vệ Liverpool nói:

“Khi tôi còn chơi bóng, hợp đồng bóng đá chỉ khoảng 3-5 trang. Tôi chỉ đọc các con số trong hợp đồng để biết chắc nó được in ra đúng chứ không cần thiết phải đọc từng chi tiết nhỏ trong hợp đồng. Ngày nay, hợp đồng của các cầu thủ giống như các ... cuốn tiểu thuyết của John Grisham, với quá nhiều các điều khoản kèm theo”.

Mức lương trung bình của cầu thủ chơi tại các giải đấu tại Anh (theo Hiệp hội cầu thủ Anh):

    Premier League: 25-30 nghìn Bảng/tuần. Cầu thủ hưởng lương cao nhất 250 nghìn Bảng/tuần.
    Championship: 4.000-5.000 Bảng/tuần. Cầu thủ hưởng lương cao nhất 8.000-9.000 Bảng/tuần.
    League One: 1.700-2.500 Bảng/tuần.
    League Two: 1.300 – 1.500 Bảng/tuần.

Theo RadioVietnam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.