Những kẻ đào ngũ
Gần 70 năm trôi qua, những sự thật đen tối phía sau quân đội Mỹ đã được giấu kín, chỉ đến khi cuốn sách "The Deserters" (Kẻ đào ngũ) của nhà sử học Charles Glass, một cựu phóng viên Đài truyền hình ABC xuất hiện đã "lột trần" sự thật đó.
Theo nội dung cuốn sách, có khoảng 50.000 lính Mỹ đã đào ngũ ngay khi thành phố Paris, Pháp được giải phóng khỏi tay Đức quốc xã năm 1944, nếu tính cả châu Âu thì con số đào ngũ lên đến 150.000 người. Nhiều người không khỏi giật mình khi nghe đến con số lính đào ngũ lớn đến vậy.
Sau khi đào ngũ, nhiều người trong số binh lính đó tham gia vào các băng nhóm xã hội đen, chuyên bắt cóc, hãm hiếp, tống tiền, bảo kê sòng bạc, hoạt động mại dâm, trộm cắp hàng quân nhu đưa ra “chợ trời” bán... Vì thế, một làn sóng tội phạm mới được hình thành. Thời đó, các chính quyền không hiểu vì sao tỉ lệ tội phạm lại gia tăng một cách chóng mặt đến thế và giờ đây, họ đã có câu trả lời.
Bìa cuốn sách "The Deserters" (Kẻ đào ngũ)
"Kẻ đào ngũ" viết: "Trong suốt cuộc chiến tranh, họ bị đe dọa hàng ngày bởi cái chết đến từ những tay súng bắn tỉa, những quả mìn, đạn pháo binh và những trận mưa bom từ trên trời rơi xuống. Ăn uống thiếu thốn, suy dinh dưỡng, thiếu ngủ nên sau khi vào được Paris, họ cởi bỏ bộ quân phục nhưng không quên mang theo vũ khí, rồi hòa vào số thường dân chạy loạn trở về. Với súng đạn trong tay, họ có quyền lực tuyệt đối trong lúc quân cảnh Mỹ gần như bất lực, còn cảnh sát Pháp thì đang phải làm lại từ đầu".
Nhiều người trong số họ lấy vợ Pháp, sinh con đẻ cái và dần dần, họ trở thành người dân Pháp "chính hiệu". Họ cũng làm vườn hoặc mở quán cà phê để kiếm sống qua ngày như những người dân chân chất, hiền lành. Nhưng rồi thỉnh thoảng, họ lại vắng mặt vài hôm để... đi cướp. Vì hành tung "thoắt ẩn thoắt hiện" ấỵ khiến việc tìm ra vị trí của họ rất khó khăn.
"Kẻ đào ngũ" đặc biệt nhắc đến trường hợp của một người lính gia nhập hàng ngũ tội phạm. Steve Weiss tham gia quân ngũ lúc mới 17 tuổi, anh phải trải qua những trận đánh kinh hoàng ở vị trí đầu cầu Anzio, vượt qua khu rừng tử thần Ardennes cùng với những kháng chiến quân người Pháp. Lo cho tính mạng của bản thân, năm 1944, khi Paris được giải phóng, Weiss đào ngũ.
Weiss tâm sự: "Suốt cuộc chiến, không chỉ riêng tôi mà cả đơn vị ai cũng nơm nớp lo sợ vì không biết lúc nào mình sẽ bị giết. Đó là chưa kể đến cuộc sống khốn khó trong quân ngũ, thực phẩm, quần áo và đạn dược cung cấp cho binh lính ngày một ít đi. Quả thực, những vị chỉ huy đã làm mất lòng tin nơi chúng tôi".
Sau khi đào ngũ, Weiss gia nhập một nhóm chuyên ăn cắp quân trang, thực phẩm từ những kho hậu cần rồi đưa ra "chợ trời". Với bộ quần áo lính, khoác súng trên vai, di chuyển bằng xe Jeep, nhóm của Weiss giả dạng như những đội tuần tra lưu động. Ngay khi xác định được mục tiêu, cả nhóm bắt đầu thực hiện như kế hoạch đã vạch trước. Những món hàng họ lấy được chất lên xe và nhanh chóng di chuyển khỏi nơi đó. Weiss nói: "Tôi biết chắc chắn những món đồ này là những thứ mà các chiến hữu của tôi đang trên đường tiến vào Berlin rất cần để tồn tại. Nhưng chúng tôi cũng cần nó hơn bao giờ hết".
Tác giả cuốn "Kẻ đào ngũ" - Charles Glass.
Và cái kết buồn
Cũng là một kẻ đào ngũ giống như Weiss, Alfred Whitehead có một câu chuyện đào ngũ hết sức ly kỳ. Sinh ra và lớn lên tại một nông trại ở bang Tennessee, trong một gia đình đầy bạo lực, Whitehead chọn tham gia quân đội chỉ để trốn tránh người cha dượng độc ác.
Với những thành tích đáng nể của Whitehead ở quân đội, Whitehead được tặng thưởng Huy chương "Ngôi sao đồng" và hai Huân chương "Bộ binh anh dũng". Vài ngày sau khi Paris giải phóng, Whitehead phải vào bệnh viện vì viêm ruột thừa. Ra viện, ông được chuyển về Tiểu đoàn tăng cường 94, canh giữ một kho quân nhu ở Fontainebleau.
Cái danh "kẻ đào ngũ" đến với Whitehead hoàn toàn bất ngờ. Một hôm, Whitehead vào Câu lạc bộ Mỹ ở Fontainebleau để mua mấy lon bia nhưng chủ quán lại "dội gáo nước lạnh" vào ông bằng cách từ chối bán cho binh sĩ quèn mà chỉ phục vụ cho các sĩ quan. Quá thất vọng và bất mãn, thay vì trở về kho quân nhu, ông lại tìm đến một nhà thổ rồi qua đêm với một gái điếm người Pháp. Sáng hôm sau, không thấy Whitehead, đơn vị của ông đã báo cáo ông đào ngũ.
Whitehead kể lại: "Từ nhà thổ trở về, tôi đến một quán cà phê rồi gọi súp và bánh mỳ vì trong túi không còn nhiều tiền. Cô hầu bàn có lẽ thấy tội nghiệp nên đã cho tôi thêm món trứng chiên, khoai tây. Đang ăn, tôi thấy quân cảnh Mỹ đi vào. Tôi hiểu ngay là họ tìm tôi. Chưa biết xoay xở ra sao thì cô hầu bàn đã dẫn tôi ra bằng lối cửa sau, rồi đưa cho tôi cái chìa khóa và nói tên một khách sạn bình dân, dặn tôi chờ cô ta ở đó".
Vậy là, từ một quân nhân gương mẫu, Whitehead trở thành lính đào ngũ. Cuộc đời của Whitehead bắt đầu rẽ sang một hướng khác. Whitehead tham gia một nhóm chuyên trộm cắp lương thực, thực phẩm, cầm đầu bởi một trung sĩ nhảy dù. Tất cả đồ cướp được đều được chuyển về các nhà kho, được bảo vệ cẩn mật và chặt chẽ. Whitehead cho biết: "Các vụ cướp được lên kế hoạch y như một chiến dịch quân sự. Ai lái xe, ai đi đầu, ai khống chế lính gác, ai lấy hàng, vận chuyển hàng lên xe... tất cả đều diễn ra đúng như kịch bản".
Theo lời Whitehead, chỉ trong mấy tháng cuối năm 1944, nhóm của ông đã cướp được một số tài sản mà lúc đem bán, họ vô cùng ngạc nhiên khi thu về hơn 100 nghìn USD. Đến lúc quốc gia láng giềng với Pháp là Bỉ được giải phóng, nhóm của Whitehead bành trướng việc cướp bóc sang Bỉ. Họ làm liều, tấn công dân thường để cướp tài sản, "đánh úp" các đồn quân sự nhỏ lẻ, lấy vũ khí bán cho những nhóm tội phạm khác. Cứ vậy, các binh sĩ đào ngũ càng dấn sâu hơn vào vũng bùn tội lỗi.
Ngày 7/5/1945, cả châu Âu được giải phóng, Whitehead thổ lộ: "Tất cả người dân Paris đều đổ ra đường nhảy múa, ăn mừng. Riêng tôi, tôi nằm trong phòng, suy nghĩ về những chuyện đã qua. Vì là lính đào ngũ nên với tôi, cuộc chiến này chưa hề kết thúc". Cuối năm 1945, Whitehead bị bắt, ra tòa rồi thụ hình trong một trại cải tạo ở phía Nam Paris.
Sau đó, Whitehead bị chuyển về trung tâm cải huấn liên bang tại New Jersey, Mỹ. Còn đối với trường hợp của Weiss, ông lại được trao tặng Huy chương "Chữ thập chiến tranh" vào năm 1946 vì những thành tích mà ông đạt được trong việc giải phóng nước Pháp khỏi tay Đức quốc xã, dù rằng trước đó, Weiss đã bị bắt và bị tù về tội đào ngũ.
Không may mắn như Weiss, một lính đào ngũ khác là Eddie Slovik, quê ở thành phố Detroi lại bị xử bắn vào ngày cuối cùng của tháng 1/1945 vì những tội danh: Bắt cóc, hiếp dâm, giết người và cướp tài sản. Tướng Dwight Eisenhower (Tướng 5 sao trong Lục quân Hoa Kỳ, sau là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 53) là người ký lệnh xử bắn này. Ông quyết định không khoan dung với tội phạm, sách nhiễu người dân và làm điều sai trái. Còn Tướng George S. Patton, nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng của Lục quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới lần II, gọi họ là "những kẻ hèn nhát"...
"Nếu đào ngũ thì cũng chẳng biết trốn đi đâu..." Theo tác giả cuốn sách "Kẻ đào ngũ", có khoảng 50 nghìn lính Mỹ đào ngũ sau khi giải phóng Paris rồi hình thành nên những nhóm tội phạm nhưng chỉ có 49 người bị kết án tử hình, tuy nhiên, chỉ có một người duy nhất phải chết là Eddie Slovik. Từ tháng 6/1944 đến tháng 4/1945, Chi nhánh Điều tra hình sự quân đội Mỹ (CBI) đã xử lý 7.912 trường hợp: 40% trong số này phạm tội cướp, 44% phạm tội hiếp dâm, giết người. 12% "kẻ đào ngũ" còn lại là đột nhập các cơ sở kinh doanh của dân chúng để cướp bóc hoặc đốt phá trong lúc ở mặt trận Thái Bình Dương, nhưng 12% này lại không hề có một trường hợp đào ngũ nào vì theo tác giả Charles Glass, "nếu đào ngũ thì cũng chẳng biết trốn đi đâu...". |
An Mai (Theo NY Times)