Đảo điên và đánh đố
Theo ghi nhận của PV, trong những tháng gần đây, giá thuốc vẫn có chiều hướng tăng. Trong đó có nhiều mặt hàng thuốc tăng giá với tỷ lệ trung bình 16%, thậm chí, có loại tăng cao nhất tới 45%. Điển hình như một số loại thuốc tăng mạnh so như Trafedin tăng từ 12.500 đồng lên 18.000 đồng, tuýp Niroral mỡ tăng từ 16.500 đồng lên 24.000 đồng, thuốc Stugerol tăng thêm 45.000 đồng một hộp...
Được cho là thuốc sản xuất trong nước đạt chuẩn, nhưng sau khi trúng thầu vào bệnh viện năm 2013, đã xuất hiện nhiều loại thuốc có chất lượng kém, gây ra vô số phản ứng phụ. Như trường hợp bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) đưa vào sử dụng thuốc TV.Ceftri 1g lô sản xuất 004, có hạn dùng đến 17/4/2016 do công ty dược Trà Vinh sản xuất, chỉ trong ngày 25/7/2013 đã có 4 trường hợp bị tác hại của thuốc này gây ra khi sử dụng.
Hiện còn thiếu biện pháp hiệu quả nhằm kiểm soát giá và chất lượng thuốc. Ảnh Linh Ngọc.
Theo lãnh đạo cục Quản lý Dược, những năm gần đây, qua các mẫu kiểm tra, tỷ lệ thuốc giả đã giảm dần nhưng tỷ lệ thuốc kém chất lượng lại tăng lên. Năm 2012, trong 35 nghìn mẫu kiểm tra tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm 3,09%. 9 tháng đầu năm 2013, trong 32 nghìn mẫu được kiểm tra đã có 3.08% mẫu thuốc kém chất lượng.
Trong tháng 8, nhiều đơn vị y tế các tỉnh cũng tiến hành thu hồi, đình chỉ lưu hành hàng loạt thuốc kém chất lượng. Mới đây nhất là loại thuốc kháng sinh viên nén bao phim Roxithromycin 150mg; hộp 2 vỉ x 10 viên; số lô: 232911; hạn dùng: 7/6/2015 do công ty cổ phần Dược T.Ư Mediplantex sản xuất vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hoà tan theo tiêu chuẩn cơ sở.
Đầu tháng 1/2013, cục Quản lý Dược đã quyết định đình chỉ lưu hành đối với lô thuốc Cefixime Tablets USP 200mg, số lô: AC 1102; số đăng ký: VN-12142-11, do công ty ACI Pharma Pvt.Ltd của Ấn Độ sản xuất vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng và độ đồng đều phân liều. Một tháng sau, hai loại thuốc khác cũng được nhập về từ Ấn Độ phải thu hồi vì kém chất lượng.
Trong tháng 3/2013, viên nang Dolcel 100 trị viêm khớp do công ty Chethana Drug & Chemicals của Ấn Độ sản xuất và thuốc Ikomel trị viêm khớp số lô IML 101 công ty Iko Overseas của Ấn Độ sản xuất đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.
Bên cạnh đó, mặc dù đã thực hiện đấu thầu, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp, cùng một loại thuốc, cùng hàm lượng, nhưng giá chênh lệch khá lớn, thậm chí chênh tới gần ba lần. Chẳng hạn, thuốc Midapezon 1g (hoạt chất Cefoperazol + Sulbactam) do Việt Nam sản xuất có giá trúng thầu thấp nhất 28.770 đồng/lọ, nhưng cao nhất lên tới 64.995 đồng/lọ.
Đó là giá thuốc đấu thầu trong các cơ sở y tế, còn thuốc bán lẻ ngoài thị trường thì chẳng khác gì "ma trận" đối với người bệnh và cơ quan quản lý xem ra không đủ công cụ để kiểm soát. Giá thuốc thì như vậy, chất lượng thuốc còn là vấn đề nổi cộm hơn. Gần đây, cơ quan quản lý đã liên tục "tuýt còi" nhiều loại thuốc liên quan đến chất lượng.
Theo phản ánh của những người trong cuộc, việc quản lý thị trường thuốc hiện hành gặp khó khăn, một phần do nhiều quy định thiếu tính khả thi. Chẳng hạn, luật Dược hiện hành quy định: "Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách Nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả". Quy định này thật khó khả thi, bởi số lượng thuốc sản xuất và lưu hành tại Việt Nam hiện có trên 25.000 mặt hàng, với trên 1.500 hoạt chất, mà mỗi hoạt chất lại có nhiều chủng loại, hàm lượng... khác nhau.
Những loại thuốc này đang có giá rất khác nhau tại các bệnh viện. Ảnh Hoài Linh.
Lobby để đẩy giá thuốc lên... 500%!?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, chị Việt Anh, một trình dược viên của công ty nhập khẩu thuốc có trụ sở tại Hà Nội cho biết: Việc các công ty nhập thuốc từ nước ngoài sau đó về Việt Nam đẩy giá cao lên là chuyện hiển nhiên. Quy trình để một loại thuốc được đưa từ nước ngoài về Việt Nam và đưa vào bệnh viện gồm các khâu: Nhập khẩu thuốc; giấy kiểm nghiệm và hóa đơn đỏ (niêm yết thuốc). Sau đó đơn vị này sẽ đăng ký với bộ Y tế giá căn cứ vào giá trị nhập khẩu được nâng bao nhiêu phần trăm. Tiếp đó, họ sẽ nộp hồ sơ vào bệnh viện để đăng ký cung ứng thuốc. Ví dụ như bệnh viện A có 100 công ty đấu thầu cung ứng một loại thuốc, thì phía bệnh viện sẽ thu hồ sơ các công ty, sau đó lập hội đồng lựa chọn gồm: Bác sỹ (người trực tiếp kê thuốc cho bệnh nhân), trưởng khoa dược và Giám đốc bệnh viện. Tất nhiên để công ty ấy được chọn nhập thuốc vào bệnh viện thì cần có những mối quan hệ, sự lobby và phân chia phần trăm hoa hồng cao.
Theo chị Việt Anh, thường thì các công ty nhập khẩu thuốc nhập thuốc từ nước Ấn Độ và Hàn Quốc về. Những mặt hàng thuốc của các nước này giá rẻ và lợi nhuận cao. Sở dĩ hiện nay người dân dùng nhiều thuốc Ấn Độ do ảnh hưởng của quảng cáo cũng như các công ty, bệnh viện chọn nhiều loại thuốc này về bán cho người bệnh do có sự thỏa thuận lợi nhuận giữa công ty và người kê thuốc.
"Gần đây, tôi được biết, có thông tin thanh tra y tế đi kiểm tra giá thuốc nhập khẩu ở các bệnh viện. Thường thì giá của các mặt hàng thuốc thông thường sẽ được đẩy giá lên đến 300 - 350%. Tức là một hộp thuốc bệnh nhập ở Ấn Độ với giá 100.000 đồng khi về đến Việt Nam và qua bệnh viện người bệnh sẽ mua với giá 300.000 - 350.000 đồng. Đặc biệt những mặt hàng như thuốc kháng sinh, thậm chí sẽ bị đẩy giá lên đến... 500%. Hiểu đơn giản những loại thuốc này nhu cầu sử dụng cao cho nhiều loại bệnh, kể cả bệnh thông thường do vậy giá luôn cao ngất ngưởng. Hay như các thuốc bổ não, bổ gan khi nhập từ Ấn Độ với giá 100.000 đồng/hộp sau đó qua các khâu chuyển đến nhà thuốc bệnh viện sẽ được bán cho người bệnh với giá vài trăm nghìn đồng/hộp. Tất nhiên, mức giá này đã qua sự cho phép của bộ Y tế và nằm trong mức giá quy định nên họ hoàn toàn "lách luật" được.
Riêng về chất lượng thuốc thì rất khó đánh giá. Bởi trước khi thuốc nhập từ nước ngoài về đã qua kiểm nghiệm của nước ấy sau đó mới nhập về Việt Nam và có sự kiểm định lại. Tuy nhiên thường thì hội đồng kiểm định ở mình lại "bê" nguyên kiểm định ban đầu để làm đánh giá cho đúng quy trình", chị Việt Anh cho biết.
Nhập khẩu “siêu lợi nhuận”
Nhiều bệnh nhân thắc mắc tại sao những mặt hàng thuốc này giá rất cao mà bác sỹ vẫn cứ kê đơn cho họ chứ không chọn thuốc khác. Điều đó nghĩa là bác sỹ kê thuốc này đã nhận hoa hồng từ công ty phân phối thuốc. Họ bán được nhiều thuốc của công ty này thì lợi nhuận, phần trăm hoa hồng sẽ cao. Để công ty này nhập thuốc từ nước ngoài về bán tại các bệnh viện phải mất rất nhiều chi phí như: Tiền công ty, tiền hóa đơn, tiền kiểm duyệt, tiền đấu thầu, tiền lobby bác sỹ, tiền phân chia lợi nhuận... Do vậy khi thuốc được bán ra đã bị đẩy ra lên 300 - 400% như giá nhập.
Chị Việt Anh cho biết thêm, sở dĩ thuốc của các nước châu Âu được đánh giá chất lượng cao sự kiểm nghiệm chặt chẽ qua tất cả các khâu. Tuy nhiên, tâm lý của người dân mình vẫn thường chọn mặt hàng rẻ mà cùng có tác dụng chữa bệnh như nhau nên các sản phẩm thuốc nhập từ Ấn Độ, Hàn Quốc... vẫn được tiêu thụ nhiều.
"Do rất nhiều công ty cùng đấu thầu một mặt hàng thuốc vào bệnh viện mà chỉ một đơn vị được bệnh viện duyệt thì các công ty còn lại sẽ dựa vào giá thuốc của bệnh viện để bán ra các phòng khám tư nhân bên ngoài. Bởi hiện nay các phòng khám này có rất đông người bệnh đến khám và lấy thuốc nên thị phần cung ứng cao. Lợi nhuận từ việc nhập thuốc từ nước ngoài về Việt Nam bán rất cao nếu không nói là "siêu lợi nhuận". Chỉ riêng công ty tôi nếu một năm cung ứng được 3-5 mặt hàng thuốc vào bệnh viện hoặc các phòng khám là cũng đủ tài chính hoạt động cho cả công ty", chị Việt Anh tiết lộ.
Minh Khánh- Cao Tuân