Hệ thống phòng thủ kiên cố nhất thế giới
Theo ý kiến của một số chuyên gia, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thoát xuống một khu phức hợp lớn với các đường hầm phức tạp dưới lòng đất nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Aiden Foster-Carter, một chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Leeds cho biết, ông Kim sẽ nhận được sự bảo vệ an toàn tại đây, đồng thời được đảm bảo nguồn lương thực dài ngày.
Nói với tờ The Sun, học giả này nêu quan điểm, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đã xuống lòng đất khi biến mất bí ẩn hai lần vào tháng 8 vừa qua.
Theo một số thông tin từ truyền thông phương Tây, lực lượng biệt kích SEAL tinh nhuệ của Mỹ từng tham gia vào chiến dịch truy bắt Osama bin Laden đã bí mật tham gia vào các cuộc tập trận bí mật cùng với biệt kích Hàn Quốc, với nhiệm vụ đưa các nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tầm ngắm trong trường hợp có chiến tranh.
Sau vụ thử hạt nhân lần 6, Hàn Quốc và Mỹ đã ngay lập tức tiến hành các bài tập trận mô phỏng tấn công lãnh đạo Triều Tiên, như một động thái phản ứng trước động thái gây căng thẳng của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, với thực tế hầu hết các căn cứ quân sự của Triều Tiên đều được chôn sâu dưới lòng đất, cùng với các biện pháp bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, mục đích của Mỹ-Hàn trong việc ám sát các nhân vật chóp bu ở Bình Nhưỡng được cho là không thể thực hiện.
Từ các nguồn tin được cung cấp bởi các nhân vật rời bỏ Triều Tiên và hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia đánh giá Triều Tiên có lẽ là quốc gia khó nắm bắt và có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất trên thế giới.
Mọi chiến dịch đột kích vào tổng hành dinh ở Bình Nhưỡng dù thành công trong mô phỏng, nhưng vô cùng khó khả thi trong thực tế.
Tình báo Mỹ bất lực
Đô đốc Lord West, cựu lãnh đạo Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, nếu Mỹ-Hàn muốn tập trung vào giải pháp “chặt đầu rắn”, nó sẽ không dễ dàng giống như kiểu đột kích và giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden cách đây vài năm.
“Mặc dù các thông tin tình báo của Mỹ và đồng minh là rất tốt. Triều Tiên đã là mục tiêu được theo dõi một thời gian dài, tuy nhiên mạng lưới đường hầm là điều vô cùng khó để xác định”, ông nói. “Các đường hầm mà mở rộng sang Hàn Quốc đã được triển khai một thời gian dài trước khi bị phát hiện. Do đó mọi kế hoạch ám sát đều khó khăn”, Đô đốc Lord West tiết lộ.
Vào tháng 4 vừa qua, Tiến sĩ James Hoare, người từng làm việc trong Đại sứ quán Anh tại Bình Nhưỡng đã hé lộ về cách mà một cơ sở làm giàu uranium khổng lồ được che giấu lâu năm và chỉ được phát hiện vào năm ngoái.
Theo đó, nó đã được cải trang thành một nhà máy phụ tùng máy bay, nằm sâu trong một ngọn núi gần căn cứ không quân Panghyon.
“Kể từ khi chiến tranh xảy ra, người Triều Tiên luôn là bậc thầy trong việc đưa mọi thứ xuống dưới mặt đất”, quan chức ngoại giao này đánh giá.
“Chúng ta có thể biết về tất cả mọi thứ đã phô bày trên mặt đất, hay hoài nghi về những nơi khác. Nhưng không ai dám chắc các cuộc tấn công có thể phá hủy được hết cơ sở hạt nhân”, Tiến sĩ James Hoare nhấn mạnh.
Ông này cho rằng, việc không biết trước mục tiêu mà vẫn cố chấp tấn công bừa bãi là một giải pháp nguy hiểm. Nó sẽ kích động sự trả đũa tồi tệ từ Bình Nhưỡng.
Quân đội Mỹ ước tính có 6.000-8.000 cơ sở dưới lòng đất trên khắp đất nước Triều Tiên. Nhiều trong số đó có thể sử dụng như hầm trú ẩn khi chiến tranh xảy ra.
Một số thông tin chưa kiểm chứng còn nói rằng, quốc gia hạt nhân Đông Bắc Á có khoảng 84 đường hầm bí mật trong núi giáp biên giới với Hàn Quốc.
Nó có khả năng triển khai 30.000 quân tiếp cận người hàng xóm chỉ trong vòng một giờ đồng hồ.
Một số đường hầm còn đủ lớn để xe tăng đi qua và thậm chí có cả hệ thống đường sắt. Hàn Quốc đã phát hiện 4 đường hầm chạy vào nước này và nhanh chóng bít lại.
Trong quá khứ, cố lãnh đạo Kim Jong-il cũng được cho là đã xây dựng một cơ sở rất lớn trong núi Baekdusan gần Trung Quốc, phòng trường hợp một cuộc tấn công xảy ra.
Những pháo đài trong lòng đất
Nói về điều này, Lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành phát biểu vào năm 1963: “Toàn bộ dân tộc phải cố kết thành một pháo đài. Chúng ta phải thâm nhập vào lòng đất để bảo vệ bản thân mình”.
Tuy nhiên, Giáo sư Lee Chung-min tại đại học Yonsei lại có quan điểm khác khi nói rằng, đường hầm hiện tại ít có ý nghĩa chiến lược với Triều Tiên hơn trước đây vì một số lý do.
Theo đó, Triều Tiên có hơn 900 tên lửa đang chĩa hướng về phía Nam, vì vậy họ có thể bắn phá được hầu hết các mục tiêu ở Hàn Quốc.
Thứ hai, họ có pháo binh tầm xa có thể bắn đến Seoul chỉ trong vài phút. Vì vậy các đường hầm phục vụ cho bộ binh đi qua dường như không còn nhiều tác dụng so với những năm 1975 hay thậm chí là 1990.
Cũng chính vì các đường hầm không còn được trọng dụng và bị bỏ hoang, nó đã dẫn đến việc bị Hàn Quốc phát hiện một cách dễ dàng hơn trước kia.