Từ một công việc kiếm sống đơn thuần, Đạt Phi đã gắn bó với nghề lồng tiếng gần 30 năm, và trở thành một đạo diễn có tiếng trong giới. Tên tuổi của Đạt Phi gắn liền với nhiều bộ phim Hong Kong nổi tiếng như: “Tiếu ngạo giang hồ”, “Bao thanh thiên”; “Hoàn Châu cách cách 2, 3”; “Tân dòng sông ly biệt”,…
Trong cuộc trò chuyện với báo Người Đưa Tin, “cây” lồng tiếng “vàng” Đạt Phi đã chia sẻ những câu chuyện hậu trường thú vị của nghề “hữu thanh vô ảnh”.
Nghệ sĩ lồng tiếng rất áp lực
Lồng tiếng phim là một công việc âm thầm. Gắn bó một thời gian khá dài ở vị trí diễn viên lồng tiếng, bỗng một ngày đẹp trời tôi chợt nhận ra, quanh đi quẩn lại giới lồng tiếng miền Nam cũng chỉ có từng ấy gương mặt, giọng nói. Dám nghĩ, dám làm, tôi mạnh dạn kết nối với các anh em có đam mê lồng tiếng, chủ động tạo nguồn.
Theo thời gian, tôi cố gắng truyền đạt cho các bạn ấy những kinh nghiệm về nghề này mà tôi đã đúc kết được. Hiện giờ, tôi đang là đạo diễn lồng tiếng cho các bộ phim ở miền Nam. Có thể nói đó là bước ngoặt trong cuộc đời tôi.
Lâu nay, người ta cứ nghĩ, nghề lồng tiếng phim rất sướng, không phải dãi nắng dầm mưa dong duổi theo đoàn phim, nhưng mọi người không ở trong cuộc nên sẽ không thấu hiểu được. Áp lực lớn nhất của nghệ sĩ lồng tiếng khi bước vào phòng thu là phải truyền tải được cảm xúc tới nhân vật mình đảm nhận. Nghệ sĩ không thể áp đặt bản thân vào nhân vật, mà phải thổi hồn cho nhân vật.
Nhất là với những phim nước ngoài, người lồng phải bám sát những nhân vật mà mình chuyển âm. Phải làm thế nào để khán giả cảm giác những nhân vật trong phim là người Việt, chứ không phải người nước ngoài. Thậm chí, với một câu thoại đơn giản cũng phải biến thành rất Việt Nam, rất đời, không bị sa đà vào kiểu viết.
Lồng tiếng phim Việt và phim nước ngoài giống nhau ở chỗ, thổi hồn cho nhân vật bằng chất giọng của mình. Tuy nhiên, lồng cho phim Việt là phải cứu được diễn viên không bị tệ đi, thậm chí có khi diễn dở quá, nghệ sĩ phải ráng lồng cho hay hơn. Còn phim nước ngoài, thì nghệ sĩ phải ráng bám được 80-90% nhân vật của mình. Đó là thành công của người lồng tiếng rồi.
Trăn trở nỗi buồn cát-xê
Dù có nhiều kinh nghiệm trong nghề, nhưng tôi vẫn không tránh được những sự cố ngoài ý muốn. Có khi, lồng hết một trường đoạn, mới phát hiện xưng hô bị lẫn lộn, ngược với nhân vật, nên phải lồng lại từ đầu.
Khó khăn mà nghệ sĩ lồng tiếng gặp phải là không bao giờ được xem hết một bộ phim, kèm theo áp lực về thời gian phải lồng xong bao nhiêu tập/ngày. Trong khi đó, nghệ sĩ lồng tiếng không được đọc kỹ kịch bản, nhất là về danh xưng. Thế nên, trong phòng thu, diễn viên vừa cầm kịch bản, vừa sửa thoại, vừa lồng nên khó tránh khỏi sai sót.
Bên cạnh những khó khăn, áp lực về mặt kỹ thuật, tay nghề, còn có một nỗi buồn chung mà anh em trong nghề lồng tiếng luôn trăn trở. Trong khi giá trị và cường độ lao động của nghệ sĩ lồng tiếng rất cao, nhưng cát-xê nhận được lại rất thấp. Cát-xê được tính theo tập, ví dụ một tập phim 45 phút, có khi nghệ sĩ phải lồng trong hơn 1 giờ đồng hồ mới xong, chưa kể thức làm xuyên đêm cho kịp thời hạn, nhưng cát-xê chỉ được hơn 100 nghìn đồng.
Ở miền Nam, “đất” thể hiện của diễn viên lồng tiếng khá rộng, số lượng khá đông. Nhiều bạn trẻ lồng tiếng rất giỏi, nhưng có thực mới vực được đạo. Nếu cát-xê thấp, thì họ không dại bung hết sức để làm. Nếu chỉ đánh giá về chất lượng mà bỏ qua mức thù lao thì quả là bất công với các nghệ sĩ.