Olivia de Havilland sinh năm 1916 tại Nhật Bản trong một gia đình tri thức. Cha của bà là một giáo viên Anh ngữ từng giảng dạy tại đại học Imperial ở Tokyo, còn mẹ là một diễn viên sân khấu tốt nghiệp từ trường Nghệ thuật Hoàng gia London.
Olivia de Havilland có 1 em gái là Joan Fontaine (tên thật là Joan de Beauvoir de Havilland) - một huyền thoại khác của Hollywood.
Ngay từ khi còn bé, Olivia bắt đầu những bài học múa ba lê, vẽ tranh và những buổi tập piano cổ điển.
Mẹ của bà thường xuyên dạy cho con gái những kiến thức liên quan đến nghệ thuật kịch nghệ, những trích đoạn của Shakespeare để tăng cường khả năng ngôn ngữ.
Năm 1919, gia đình de Havilland chuyển đến sinh sống tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Olivia đã được trao học bổng của trường cao đẳng Mills ở tiểu bang Oakland để theo đuổi sự nghiệp là một giáo viên Anh ngữ.
Mùa hè năm 1934, đạo diễn người Áo Max Reinhardt đã đến tiểu bang California để sản xuất một bộ phim mới.
Sau khi trợ lý của Reinhardt nhìn thấy Olivia biểu diễn vai Puck trong vở kịch A Midsummer's Night Dream tại nhà hát cộng đồng Saratoga thì ông đã đề nghị bà giữ vị trí thứ 2 cho vai chính Hermia.
Một tuần trước khi công diễn, nữ diễn viên Gloria Stuart bị rời khỏi dự án và để lại vai Hermia cho Olivia.
Ngay sau đó, Max đã mời Olivia vào vai Hermia trong phiên bản điện ảnh bộ phim được sản xuất bởi hãng Warner Bros.
Ban đầu, Olivia không đồng ý bởi bà thích theo nghiệp giáo viên. Thế nhưng, ý định đó đã bị thay đổi bởi Reinhardt và nhà sản xuất Henry Blanke.
Sau cuộc nói chuyện thế kỷ, Olivia quyết định ký một hợp đồng 5 năm với hãng Warner Bros vào ngày 12/11/1934 với mức lương khởi điểm là 800 USD/tháng.
Bước chân vào thế giới điện ảnh, Olivia từng tham gia A Midsummer Night's Dream, Captain Blood,…
Mặc dù vậy, mãi đến bộ phim Cuốn theo chiều gió (1939) thì bà mới thật sự trở thành một ngôi sao hạng A và là "con cưng" của hãng Warner Bros.
Sau thành công của Captain Blood, hãng Warner Bros trả cho Errol Flynn khoản thu nhập 2.250 USD mỗi tuần trong khi lương của Olivia vẫn giữ nguyên 500 USD.
Những tưởng sẽ kết thúc chuỗi ngày dài ở Warner Bros, nhưng ngay sau khi chấm dứt hợp đồng, hãng phim này thừa cơ lợi dụng khe hở luật để bắt Olivia gia hạn thêm 7 năm lao động.
Quá ngán ngẩm với công ty và những bất công trong hợp đồng lao động, Olivia đã quyết định chống lại việc này bằng cách thuê luật sư Martin Gang và đưa vụ tranh chấp ra tòa.
Kết quả, bà đã chiến thắng cả bộ máy vận hành đầy quyền lực của Hollywood thông qua phán quyết của tòa án tiểu bang California.
Olivia cuối cùng cũng đã được tự do lựa chọn vai diễn cho mình cũng như mở đường cho hàng ngàn diễn viên khác.
Chỉ vài năm sau, sự nghiệp của Olivia lên đến đỉnh cao khi bà mang về 2 tượng vàng Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với To Each His Own (1946) và The Snake Pit (1949).
Trong suốt 90 năm lịch sử của giải Oscar, bà và Joan Fontaine là 2 chị em ruột duy nhất từng chiến thắng các hạng mục diễn xuất.
Năm 1953, Olivia de Havilland quyết định rời Hollywood, chuyển về sống tại Paris và kết hôn với Pierre Galante – biên tập tờ báo Paris Match.
Năm 1965, bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng ban giám khảo của Liên hoan phim Cannes.
Bà tiếp tục đóng phim và thành công nối tiếp thành công cho đến tận năm 1988 khi đã 77 tuổi với bộ phim cuối cùng là The Woman He Loved.
Mặc dù vậy, Olivia vẫn thường xuyên tham gia vào những hoạt động của giới làm phim. Năm 2003, bà xuất hiện tại lễ trao giải Oscar lần thứ 75 để giới thiệu những diễn viên từng chiến thắng giải Oscar trong quá khứ.
Sự xuất hiện của Olivia khiến khán phòng trở nên náo nhiệt, họ đồng loạt đứng dậy vỗ tay khen ngợi và ngưỡng mộ một tượng đài nghệ thuật.
Sự nghiệp diễn xuất của Olivia trải dài trong gần 60 năm với tổng cộng 49 bộ phim.
Ngoài 2 tượng vàng Oscar, bà còn sở hữu 2 giải Quả cầu vàng, 1 giải LHP Venice, Huân chương nghệ thuật quốc gia (National Medal of Arts), 1 Huân chương Bắc đẩu Bội tinh và tước hiệu Quý bà của Anh.
Ngôi sao của bà trên đại lộ danh vọng Hollywood tọa lạc ở số 6762 Hollywood.
Sự hiện diện của Olivia hiện nay giống như một tiếng vọng vang lên từ quá khứ, gợi nhớ về thời kỳ hoàng kim đã qua của Hollywood.
Cuốn theo chiều gió được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Margaret Mitchell. Tác phẩm là bộ phim đầu tiên nhận được hơn 5 giải Oscar, trong đó có cả giải dành cho Phim truyện xuất sắc nhất.
Đến năm 1939, Havilland tham gia Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind) và đánh dấu bước tiến mới trong sự nghiệp diễn xuất.
Trong Cuốn theo chiều gió, Olivia de Havilland vào vai Melanie Hamilton – em chồng và sau đó là bạn thân của nữ chính Scarlett O’Hara (Vivien Leigh).
Melanie Hamilton là một người phụ nữ quý phái, yếu đuối, hiền dịu, đôn hậu nhưng lại đầy nghị lực và sức mạnh tiềm ẩn, là điểm tựa tinh thần của Ashley và Scarlett. Sau khi cố gắng sinh đứa con thứ hai, nàng đã mất vì không đủ sức khỏe.
Chia sẻ về nhân vật Melanie Hamilton Wilkes trong Cuốn theo chiều gió, Olivia cho biết: "Khi đọc cuốn sách, tôi không có ấn tượng với Melanie. Nhưng khi tôi đọc kịch bản tuyệt vời của Sidney Howard, Melanie có vẻ như là một nhân vật hoàn toàn khác. Tôi thích cô ấy, tôi ngưỡng mộ cô ấy, tôi yêu cô ấy".
Tác phẩm giúp Olivia de Havilland nhận được đề cử hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Oscar 1939.
Sau 80 năm Cuốn theo chiều gió công chiếu, Havilland là người duy nhất trong số 4 diễn viên chính còn sống đến hiện nay.
Ở tuổi 102, Olivia de Havilland vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Điều đáng tiếc nhất với minh tinh huyền thoại là những người bà từng quen biết trong kỷ nguyên vàng Hollywood phần lớn đều đã qua đời.
Minh Anh