Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, khi những hãng hàng không đầu tiên của thế giới xuất hiện, chưa một hãng nào có tiếp viên nữ. Và cũng chỉ 81 năm trước, trên thế giới mới xuất hiện những nữ tiếp viên hàng không đầu tiên.
Bị từ chối vì ... "chọn nhầm nghề"
Những nữ tiếp viên hàng không thập niên 40 của thế kỷ trước
Sinh ngày 22 tháng 9 năm 1904, Elizabeth Church được sinh ra trong một nông trang nhỏ thuộc bang Iowa của Mỹ. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra, được chứng kiến những chiếc máy bay quân sự cất cánh từ một sân bay gần nông trang của gia đình, Elizabeth Church đã nuôi hy vọng trở thành một nữ phi công trong tương lai. Tuy nhiên để một trở thành một nữ phi công khi đó cũng rất khó khăn vì chưa từng có tiền lệ. Nhưng không phải vì vậy mà cô bé này từ bỏ giấc mơ của mình.
Vào những năm 20 của thế kỷ trước, phi công là nghề nghiệp đặc trưng chỉ dành cho phái mạnh. Khi trưởng thành, để theo đuổi được ước mơ thưở bé của mình, Elizabeth Church đã khăn gói lên thành phố San Francisco để xin theo học tại các trường đào tạo phi công ở các hãng hàng không lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mong muốn của Elizabeth Church đã bị những người đứng đầu các hãng hàng không này từ chối với lý do “chọn nhầm nghề”.
Tháng 6 năm 1929, trong một lần tình cờ đi vào quán ăn nhỏ tại thành phố San Francisco, Elizabeth Church đã đọc được bảng thông báo tuyển nam tiếp viên hàng không của hãng Boeing- một trong hãng sản xuất máy bay lớn nhất khi đó. Trước đó vào năm 1922, lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện khái niệm “tiếp viên hàng không” từ hãng Daimler British của Anh. Và 4 năm sau đó, khái niệm này mới chính thức được hãng Boeing tiếp nhận và tiến hành tuyển chọn.
Cũng giống như các hãng hàng không khác trên thế giới khi đó, tất cả những công việc liên quan đến hai từ “phi cơ” đều do đàn ông đảm nhận., kể cả tiếp viên hàng không. Theo lời của những người đứng đầu các hãng này này giải thích, phụ nữ không thể phù hợp với những công việc “trên trời” như vậy. Đơn giản là họ không đủ sức khỏe và sự dũng cảm có thể bay lơ lửng trên không trung để phục vụ người khác.
Tuy nhiên, Elizabeth Church đã không thể chấp nhận được thực tế này. Để thực hiện được ước mơ “được bay” của mình, cô đã cầm thông báo tuyển người của hãng hàng không Boeing đến gặp giám đốc hãng này là Steve Stimpson ở chi nhánh thành phố San Francisco. Lúc đầu khi nói lên nguyện vọng của mình, người ta đã không tiếp nhận hồ sơ của Elizabeth Church. Thật may mắn cho cô gái này là đúng lúc thất vọng quay về thì có tiếng gọi của giám đốc Steve Stimpson mời cô vào phòng.
Lý lẽ thuyết phục để phá lệ cũ
Vị giám đốc này đã rất ngạc nhiên khi có một cô gái muốn được trở thành tiếp viên. Sau khi nói lên nguyện vọng “được bay” của mình, Elizabeth Church đã nói với vị giám đốc bằng những lời lẽ hết sức khúc chiết: “Thưa ông Stimpson, thường thì mọi người nghĩ phụ nữ sẽ không thể làm việc được ở trên cao vì họ không đủ lòng dũng cảm. Tuy nhiên, ngài nghĩ thử xem, một khi xuất hiện những nữ tiếp viên hàng không với sự dịu dàng và chăm sóc chu đáo, liệu nỗi sợ hãi của hành khách khi đi máy bay có còn? Bởi vì những người phụ nữ được cho là chân yếu tay mềm như chúng tôi còn đang chăm sóc họ? Đối với một hãng hàng không, đem lại sự an toàn và yên tâm cho hành khách là mối quan tâm hàng đầu. Những nữ tiếp viên hàng không có thể đem lại được những yêu cầu đó, vậy vì sao chúng tôi lại không có cơ hội?”
Sau khi nghe cô gái trình bày, “sức mạnh lời nói” của Elizabeth Church đã thuyết phục được vị giám đốc Steve Stimpson khó tính. Ngay sau đó, vị giám đốc này đã gửi thư cho tổng giám đốc hãng Boeing để nói về trường hợp đặc biệt của cô gái Elizabeth Church. Trong lá thư hồi đáp từ vị tổng giám đốc có đoạn viết: “Tôi muốn ông (chỉ Steve Stimpson) lên kế hoạch đào tạo lớp nữ tiếp viên khoảng 8 người nhằm phục vụ công việc cho hãng hàng không Boeing trong tương lai”. Lập tức sau đó, giám đốc Steve Stimpson đã gọi điện cho Elizabeth Church để thông báo cô sẽ được theo học một lớp nghiệp vụ đào tạo tiếp viên dài 3 tháng tại hãng hàng không danh tiếng Boeing.
Sau khi nhận được thông báo từ giám đốc Steve Stimpson, Elizabeth Church đã vô cùng hạnh phúc và tự hào theo học lớp nghiệp vụ đặc biệt này. Sau 3 tháng được đào tạo để trở thành một trong những người phụ nữ được bay đầu tiên trên thế giới, Elizabeth Church cùng 7 cô gái nữa đã phải trải qua những buổi tập luyện tập hết sức mệt nhọc và vất vả.
Một trong những bài học đầu tiên của Elizabeth Church cùng 7 cô gái trẻ khác là phải thường xuyên luyện tập các tư thế để giữ thăng bằng cho cơ thể như: ưỡn ngực, nhìn thẳng, tóp bụng, cắn đũa, đầu đội sách…. Sở dĩ phải thường xuyên luyện tập các tư thế này để khi thực hiện chuyến bay, họ vẫn có thể đứng vững trong khi máy bay cất cánh, chao liệng hay khi hạ cánh.
Không những thế, các nữ tiếp viên hàng không đầu tiên của thế giới này phải thường xuyên phải tập luyện thể dục để giữ cho mình một 'phom' người chuẩn, cũng như rèn luyện sự dẻo dai và sức khỏe cho bản thân. Bài học bất di bất dịch của họ là: “Dù có mệt mỏi, vất vả như thế nào thì họ vẫn phải luôn tỏ ra tươi tỉnh và giữ nụ cười trên môi”.
8 nữ tiếp viên thiên thần đầu tiên
Vào thời điểm đó, ngoài hành khách thì máy bay còn có nhiệm vụ chuyên chở thư tín. Để đảm bảo cho lượng thư tín được chuyển đi nhiều nhất, yêu cầu của mỗi hãng hàng không khi tuyển nữ tiếp viên cũng vô cùng nghiêm ngặt. Thường thì mỗi nữ tiếp viên có cân nặng không quá 52kg, chiều cao không quá 1m60 và tuổi đời dưới 25. Một điều đặc biệt nữa trong yêu cầu tuyển 8 nữ tiếp viên đầu tiên của hãng là tất cả đều phải độc thân. Để giải thích cho điều kiện đặc biệt này, giám đốc Steve Stimpson của Boeing khi đó giải thích: “Có rất nhiều nam tiếp viên hàng không chỉ vì về nhà muộn đã khiến cho hạnh phúc gia đình của họ tan vỡ. Nguy hiểm đến tính mạng và thời gian không cố định là đặc thù nghề nghiệp của tiếp viên hàng không. Vì thế để tránh phiền phức trong hoạt động của công ty, chúng tôi phải đưa ra điều kiện đó với các nữ tiếp viên đầu tiên”.
Để làm nổi bật hình ảnh của đội ngũ tiếp viên nữ đầu tiên của thế giới, hãng hàng không Boeing đã trang bị cho 8 cô gái này đồng phục màu xanh đậm. Không những thế, phía trên vai áo còn đính kèm khuy bạc và một chiếc khăn lụa được vắt chéo nhằm giữ ấm cơ thể. Điều đặc biệt nữa là trong một chiếc túi khá to được thiết kế kèm theo với áo, các tiếp viên có thể đựng một số dụng cụ cần thiết như: tuốc nơ vít, cờ lê, mỏ lết để có thể định vị được những chiếc ghế của khách… trên mặt sàn máy bay.
Tại thời điểm đó, lương của Elizabeth Church cùng với các đồng nghiệp nữ khác là 125 USD/ tháng. Ngoài việc cố định ghế của khách trên mặt sàn máy bay, những nữ tiếp viên hàng không còn phải chuẩn bị bữa ăn cho khách. Đồng thời họ còn phải có trách nhiệm đánh bắt những con côn trùng nhỏ hay trú ngụ trên máy bay và lau dọn nhà vệ sinh sạch sẽ. Sau mỗi chuyến bay, Elizabeth Church thậm chí còn phải giúp đỡ đồng nghiệp đẩy máy bay vào trong… nhà kho của sân bay.
Nếu bạn biết rằng, để có thể đến một nơi nào đó trên trái đất bằng máy bay tại thời điểm những năm 30 của thế kỷ trước diễn ra “kinh hoàng” như thế nào thì mới thấy nữ tiếp viên thời đó là những vị anh hùng. Rất nhiều hành khách của Boeing khi đó đã ví 8 nữ tiếp viên đầu tiên của hãng này là “những thiên thần của thượng đế” nhằm ca ngợi lòng dũng cảm và làm việc hết mình của họ.
Trong những chuyến bay đầu tiên có sự phục vụ của các tiếp viên nữ, mỗi chuyến bay cũng chỉ có khoảng từ 15-17 hành khách. Mỗi khi gặp thời tiết xấu, máy bay chao đảo liên tục khiến hành khách hoảng sợ thì nhiệm vụ của tiếp viên nữ khi đó là đảm bảo sự an toàn và trấn tĩnh… tinh thần cho hành khách.
Harriet Eaton- một trong 8 nữ tiếp viên đầu tiên cùng với Elizabeth Church nhớ lại: “Nhà vệ sinh trên máy bay khi đó chỉ là một cái nắp hình tròn đặt trên một chiếc bình khá rộng. Chiếc bình này được đặt trong một cái lỗ trên sàn máy bay. Mỗi khi có người đi vệ sinh, mở nắp nhà vệ sinh ra thì… cái gì cũng nhìn thấy. Sau mỗi chuyến bay người ta mới dung thuốc hóa học để giải quyết đám chất thải đó. Điều kinh khủng nhất của nhà vệ sinh này là mỗi khi thời tiết nóng bức, có rất nhiều những con bọ bò ra khỏi đó. Những hôm máy bay chao đảo làm cho chất phế thải trào ra ngoài, chúng tôi lại phải có trách nhiệm dọn sạch. Quả thực, tôi không thích làm công việc đó cho lắm”.
Hải Hiền (Theo Hoàn Cầu)