Nhưng một sự thực mới được phơi bày gây sốc cho các tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm. Những khu bảo tồn này chính là lò sát sinh của sư tử, khi những con mãnh thú mệnh danh "vua của muôn loài" được nuôi để trở thành con mồi phục vụ thú tiêu khiển cho những kẻ lắm tiền nhiều của: Săn sư tử.
Nổ súng bắn “chúa tể muôn loài”
Cách thành phố Johannesburg (Nam Phi) khoảng 75 dặm về phía Nam là trang trại tư nhân khổng lồ Moreson. Trong khuôn viên rộng tới 2.000 hecta này, đang có khoảng 50 con sư tử và hai cá thể hổ trưởng thành được nuôi theo lối bán hoang dã. Được biết đến với danh nghĩa là một khu bảo tồn tư nhân, nhưng từ lâu, có nhiều đồn đoán rằng, sư tử ở Moreson được "nuôi để giết". Dù chủ sở hữu trang trại cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần bác bỏ những "tin đồn ác ý" này, nhưng dư luận vẫn không khỏi nghi hoặc về bí ẩn bên trong trang trại.
Từ khi được thành lập vào năm 2002, với lý do an toàn, Moreson cấm cửa hoàn toàn người lạ. Khu bảo tồn cũng "không thèm" nhận bất cứ một khoản tiền tài trợ nào cho hành động cao đẹp nhưng rất tốn kém này. Chỉ có điều, thỉnh thoảng nơi đây lại đón tiếp những vị khách mà nhìn qua cũng biết là thuộc hàng "đại gia". Họ lưu lại đây vài ngày và khi rời đi, gương mặt ai cũng hả hê mãn nguyện.
Trước hiện tượng kỳ lạ này, một nhóm phóng viên người Anh đã quyết định làm sáng tỏ bí mật bên trong Moreson. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng họ cũng thuyết phục được một người dân địa phương đang làm việc bên trong khu bảo tồn đứng ra bảo lãnh cho vào tham quan. Các phóng viên đã được chứng kiến một sự thật gây sốc: Những con sư tử được nuôi dưỡng ở đây đang trở thành mục tiêu săn bắn cho những tay nhà giàu đến từ khắp nơi trên thế giới.
Thực ra, thú tiêu khiển độc ác này đã được biết đến từ lâu. Tại Nam Phi cũng như nhiều nước châu Phi khác, đã tồn tại hẳn các tour "du lịch săn bắn". Nhưng trước đây, địa điểm của những cuộc đi săn thường là những khu bảo tồn quốc gia và những cánh rừng nguyên sinh. Đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, hoạt động này đã bị các chính phủ sở tại ngăn cấm ngày càng gắt gao. Nhưng không ngờ rằng, dịch vụ này đã rút sang hoạt động bí mật và chuyên nghiệp hơn, đến mức người ta sẵn sàng thành lập cả một khu bảo tồn để đón khách đến săn bắn.
Đội săn khoe "chiến tích" sau chuyến đi săn dã man.
Cuộc điều tra của các phóng viên
Mở rộng điều tra, nhóm phóng viên Anh đã phát hiện ra một bức tranh toàn cảnh đen tối về những "khu bảo tồn sư tử" thuộc sở hữu tư nhân trên toàn lãnh thổ Nam Phi. Moreson chỉ là một trong số hơn 160 trang trại nuôi sư tử bán hoang dã một cách hợp pháp tại đất nước này.
Tổng số sư tử tại các trang trại vào khoảng 5.000 con, lớn hơn nhiều số sư tử đang sống trong tự nhiên của Nam Phi (ước tính chỉ còn khoảng 2.000 con). Sẽ rất mừng nếu các mãnh thú này được bảo tồn theo đúng nghĩa của nó. Nhưng sự thật là chúng đang được "nuôi để giết". Chỉ cần bỏ ra một món tiền kha khá, bất kỳ ai cũng có quyền bắn hạ một con sư tử trong những trang trại như thế. Nếu chỉ săn bắn đến chết con mồi, mức giá là 5.000 bảng Anh. Còn muốn sở hữu luôn cả chiến lợi phẩm "khủng" này, các thợ săn sẽ phải trả nhiều hơn, có khi lên tới 25.000 bảng.
Ngành dịch vụ ngầm này được giới trong nghề gọi bằng cái tên khá công nghiệp "săn bắn đóng hộp". Cái tên này bắt nguồn từ việc bắn hạ một con sư tử nuôi trong trang trại luôn dễ dàng hơn nhiều so với việc săn bắn trong tự nhiên, dễ như thể lấy một món đồ trong hộp vậy. Các "thợ săn" phần lớn là những nhà giàu đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Họ sẽ được các công nhân bản xứ hộ tống, bảo vệ và phục vụ hậu cần trong quá trình đi săn. Nếu khách hàng không muốn mua lại xác con thú săn được, những ông chủ trang trại cũng không lấy làm phiền.
Tập quán tiêu dùng các sản phẩm từ sư tử cho các vị thuốc cổ truyền của các nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan... chính là thị trường tiêu thụ khổng lồ cho mặt hàng đặc biệt. Để có nguồn sư tử bù đắp số bị săn, người ta còn thành lập những trang trại chuyên nhân giống loài "mèo lớn" này.
Những chú sư tử con đến khi tròn một tuổi sẽ được bán cho các "khu bảo tồn" và sống bán hoang dã ở đó. Các "khu bảo tồn" cũng có những quy định nhất định. Khách săn không được phép bắn những con còn nhỏ. Chỉ những con nào đã mọc lông bờm mới bị liệt vào dạng "hàng sẵn sàng bán".
Nuôi để giết?
Lời đồn đoán về số phận bi thảm của những chú sư tử trong các khu bảo tồn tư nhân ở Nam Phi đã tồn tại từ lâu, nhưng chỉ đến khi các phóng viên vào cuộc, với những bằng chứng không thể chối cãi, bí mật này mới bị phơi bày. Biện minh cho hành vi tàn ác "nuôi để giết", hàng loạt các chủ trang trại cho rằng, đó chính là cách... bảo tồn sư tử trong tự nhiên. Những con sư tử họ nuôi sẽ là vật thế mạng cho các con sư tử khác ngoài thiên nhiên hoang dã. Tuy nhiên, lời bào chữa vụng về không thuyết phục được ai. Số liệu thống kê của các nhà bảo tồn động vật hoang dã cho thấy, trong 20 năm qua, số sư tử hoang dã của Nam Phi đã giảm tới 80%.
Bà Fiona Miles, giám đốc Quỹ bảo vệ sư tử Nam Phi cho biết, trên thực tế, "săn bắt đóng hộp" đã tác động tiêu cực đến việc bảo vệ loài vật này, hơn là giúp bảo vệ chúng. Các trại chuyên gây giống sư tử chỉ bù đắp được một phần số bị săn bắn, do việc sinh sản trong môi trường nhân tạo loài vật này cực kỳ khó khăn. Do đó, những đàn sư tử con trong tự nhiên vẫn là mục tiêu hàng đầu mà các trang trại này nhắm tới để bổ sung cho quân số của mình. Các thợ săn bản địa được đặt hàng và họ sẵn sàng giết chết cả cặp sư tử bố mẹ để đoạt lấy đàn con. Hoạt động săn bắt sư tử trong thiên nhiên hoang dã vì thế không giảm bớt, mà trái lại, càng có xu hướng tăng lên theo sự phát đạt của các trang trại.
Các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cũng được tạo điều kiện hoạt động, nhằm ngăn chặn những vụ tàn sát loài mãnh thú này. Tiến sĩ Martin Quinn, giám đốc một tổ chức bảo tồn sư tử tại Anh cho biết, ông đang xúc tiến một chiến dịch truyền thông để tuyên truyền vận động nhằm thay đổi ý thức của các chủ trang trại sư tử. Các chuyên gia của tổ chức này đang vận động họ thả những chú sư tử trở lại môi trường hoang dã. Việc này rất khó khăn, vì những chủ trang trại đã phải bỏ ra nhiều tiền để mua và nuôi dưỡng chúng. Cần phải có một quỹ tiền để giải cứu đàn sư tử nuôi khổng lồ ở đây. Các tổ chức nước ngoài đang xúc tiến thành lập quỹ, họ hy vọng sẽ kêu gọi được các nhà tài trợ đóng góp tiền cho hành động nhân đạo này.
Siết chặt quản lý
Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Nam Phi đã cam kết sẽ siết chặt lại hoạt động của các trang trại. Tòa án tối cao nước này đã chính thức coi việc săn bắn sư tử là một hành động bất hợp pháp, bất kể trong trường hợp nào. Hải quan Nam Phi cũng được lệnh ngăn chặn các vụ xuất khẩu sư tử và các sản phẩm từ sư tử ra nước ngoài, kể cả đối với các trường hợp đã được cấp phép từ trước. Khách du lịch đến Nam Phi sẽ không được mang theo súng săn hay cung, nỏ. Quy định này có thể làm nản lòng các tay thợ săn lắm tiền "rửng mỡ", bởi với người đi săn, vũ khí phải là vật quen dùng, tối kỵ dùng đồ lạ. Vì vậy, các hoạt động săn bắn sư tử tại Nam Phi cũng giảm xuống đáng kể, đặc biệt việc công khai săn bắn đã ngừng hẳn.
Những con số kinh hoàng Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2011, có 4.062 xác sư tử đông lạnh và 496 bộ xương sư tử được mang ra khỏi lãnh thổ Nam Phi một cách hợp pháp. Tất cả đều được báo cáo là "sư tử chết tự nhiên tại các khu bảo tồn". Nhưng với khám phá của các phóng viên người Anh, người ta tin rằng, đây chính là "thành tích" đáng hổ thẹn của các tay thợ săn giàu có. |
Hồng Nhung (Theo Telegraph/Guardian)