Nghề "làm bằng tay, xoay bằng mông"
Làng gốm Bàu Trúc nằm ven quốc lộ 1A (thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Đây là làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, đã có từ rất lâu đời được truyền nghề lại cho các phụ nữ người Chăm. Bởi người Chăm sống theo chế độ "mẫu hệ" nên các chức danh nghệ nhân luôn gắn với tên tuổi người phụ nữ. Tên gốc Chăm của Bàu Trúc là Paley HamuTrok, nghĩa là "làng trũng", nhô ra cuối triền sông. Gốm Bàu Trúc được các nhà khảo cổ học đánh giá là một trong những làng gốm cổ xưa nhất của Đông Nam Á.
Hình các sản phẩm gốm Bàu Trúc (ảnh Huệ Trần).
Nghệ nhân Đàng Thị Phan (70 tuổi), từng có hơn 50 năm trong nghề làm gốm. Bà cho biết những bí quyết để phân biệt gốm Chăm khác với các loại gốm làng nghề khác: Gốm Bàu Trúc không đơn thuần là các mặt hàng và sản phẩm thường dùng mà gọi tên rõ hơn là "một tác phẩm nghệ thuật". Bởi lẽ, ở mỗi sản phẩm đều có sự kết hợp văn hóa người Chăm qua cách điêu khắc, mẫu mã kết hợp với sự hiện đại về nhu cầu tiêu dùng, trưng bày và cả công năng sử dụng. Không phải cứ nhìn thấy to, đẹp, nhiều hoa văn là nói đã thành công trong việc sản xuất gốm. Điều đặc biệt chỉ có các nghệ nhân và người làm chuyên trong nghề mới phát hiện được, thực sự chất liệu gốm và độ bền hay thẩm mỹ của các sản phẩm gốm đạt hay chưa.
Bà Phan cho biết: "Hầu hết các làng gốm trên đất nước Việt Nam được làm bằng khung bàn xoay. Chỉ riêng ở Bàu Trúc người thợ sẽ làm thủ công từ đôi tay tạo hình sản phẩm, đi lùi dần bằng chân và xoay bằng mông, cộng với sự cảm nhận sáng tạo cho hình hài sản phẩm gốm của mỗi nghệ nhân. Chúng tôi vẫn thường hay nói với nhau về kỹ nghệ nghề "làm bằng tay xoay bằng mông". Do vậy các sản phẩm gốm ra lò rất đa dạng về mẫu mã, kích thước. Trong các sản phẩm gốm đều có chất "vàng non" từ đất sét của vùng đất Chăm và cát của con sông Quao. Nhìn thật tinh và kĩ càng mới thấy được các hạt vàng óng ánh chiếu sáng".
Kể về một kỉ niệm trong lần đến Nhật Bản giao lưu biểu diễn theo chương trình hợp tác văn hóa của Việt - Nhật về các sản phẩm gốm và văn hóa Chăm, bà Phan nói: "Chỉ có đất sét vùng đất của người Chăm và cát ở sông Quao (tỉnh Ninh Thuận) mới làm được gốm mà không cần bàn xoay. Tôi nhớ lần ở Nhật, tôi đã lấy đất của tôi lên bàn xoay của Nhật thử làm sản phẩm nhưng không được. Rồi tôi lấy đất của Nhật làm thử bằng tay như kỹ thuật của gốm Bàu Trúc thì nó sụp xuống. Còn đất sét của làng Bàu Trúc thì đắp được bệ cao lên đến 2m khiến người Nhật cũng ngạc nhiên, ngỡ ngàng".
Cũng theo bà Phan, chỉ cần gõ để nghe âm thanh tiếng kêu của sản phẩm mới biết được đã thành công hay không. Thường có 4 loại tiếng kêu sau khi gốm ra lò. Thứ nhất tiếng gõ kêu vang thì hàng này nung đủ nhiệt và đạt chất lượng về độ bền như mình mong muốn. Thứ hai khi gõ kêu cóc cách thì sản phẩm chưa đạt về độ lửa và nhiệt nung. Thứ ba khi gõ không có âm thanh thì sản phẩm còn sống và thiếu lửa. Thứ tư là gõ quá thanh thao thì đã bị nung quá lửa, sẽ có cháy và trở thành sành.
Không phải ai làm gốm cũng đều phân biệt được âm thanh của gốm hay màu sắc. Đó là một quá trình lâu dài của những kinh nghiệm từ mẹ truyền cho con và trong quá trình lao động sáng tạo,người nghệ nhân đúc kết. Những người làm gốm không phải chỉ làm như một nghề kiếm cơm ăn mà còn phải biết sáng tạo mẫu, làm bằng tình cảm, nhiệt huyết và thổi hồn dân tộc vào gốm. Để khi người dùng, người chơi hay trang trí nhà cửa bằng gốm còn thấy được chất nghệ sĩ trong mỗi tác phẩm gốm.
Cặp bình Apsara và tháp Chàm của người Chăm (ảnh Huệ Trần).
Bàn tay đàn ông duy nhất ở làng gốm
Gốm Chăm cổ nhất Đông Nam Á Ông Hải Thành, cán bộ sở VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Năm 2011, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đề án Chiến lược marketing gốm mỹ nghệ Bàu Trúc cho giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, với tổng chi phí 26,3 tỷ đồng. Hiện người dân làng gốm đã và đang thực hiện được nhiều kết quả tốt cho thấy gốm Bàu Trúc sẽ ngày một giữ được danh hiệu do các nhà khảo cổ học đánh giá gốm Chăm cổ nhất Đông Nam Á". |
Người dân sống bằng nghề làm Gốm trong làng Bàu Trúc chiếm 85% tổng số 400 hộ dân. Nhà nhà, người người, mẹ truyền cho con. Hơn nữa, chỉ có người phụ nữ Chăm mới được truyền nghề như một "nguyên tắc vàng". Lúc đó, các sản phẩm gốm làm ra mới thành công về kĩ xảo thẩm mỹ và chất lượng sản phẩm. Cũng đã có nhiều người thợ gốm các nơi đến xin học nghề nhưng rồi cũng bỏ vì không không thể sử dụng riêng biệt bàn tay mà không có khung. Mới nhìn thì rất đơn giản, nhưng không thể rèn được nghề vì quá tỉ mỉ và cần sự mềm mại của bàn tay phụ nữ. Người không biết nghề khi học đi vài vòng là mệt, hoa mắt chóng mặt. Người khỏe thì đi được lâu nhưng sản phẩm gốm trong tay không ra hình dạng gì. Nghệ nhân Phan cho biết thêm.
Bà Đàng Thị Phan tâm sự: "Tôi cũng như bao đứa trẻ của làng gốm, lớn lên 12 tuổi đã biết làm những sản phẩm gốm đơn giản để bán như niêu, ấm, cối... nói chung là đồ dùng hàng ngày. Khi lớn lên vì mẹ truyền lại và kết hợp với sự đam mê sáng tạo, tôi đã thành một nghệ nhân trong nghề. Bây giờ tôi vẫn làm cùng các con trong gia đình. Ở mỗi sản phẩm gốm cũng rất cần có bàn tay của nam và nữ. Nó như một ý nghĩa của thuyết âm dương, sự kết hợp của đất- trời. Do vậy, mỗi gia đình người làm gốm trong quy trình sản xuất thì người phụ nữ sẽ trực tiếp tạo hình, đắp khối cho sản phẩm tròn, méo, vuông, hay nghiêng tùy vào các mẫu sản phẩm và sáng tạo. Người đàn ông sẽ trực tiếp trang trí hoa văn và đắp các hình họa hay những biểu tượng về văn hóa, phong tục người Chăm".
Anh Đàm Năng Tự, con trai nghệ nhân Phan cho biết thêm: "Gia đình tôi cùng mẹ đã làm gốm ba đời nay rồi. Tuy là con trai, lấy vợ đi ở rể nhưng rất may tôi cũng đam mê nghề làm gốm không kém gì các chị em gái trong nhà. Cho nên, mẹ tôi cũng đã truyền cho tôi ít "lửa nghề" và hiện tại cơ sở của mẹ tôi đã tạo việc làm cho vợ chồng tôi rất nhiều". Với mong muốn "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" anh Tự cũng đang dồn tâm huyết cho nghề gốm của gia đình bằng việc thiết kế và sáng tạo nhiều sản phẩm mỹ nghệ để xuất khẩu đi nước ngoài. Anh được mọi người nhận xét là "người đàn ông chuyên nghề", sản phẩm gốm mỹ nghệ của gia đình anh đã có tháp Siva, các cặp bình lớn Apsara, tháp Chàm... và đủ kiểu theo yêu cầu người mua được bán cho các đại lý gốm Sài Gòn, Bình Dương, các tỉnh trung, Nam Bộ và nước ngoài".
Chỉ về phía một sản phẩm "tháp Chàm" bà Phan lý giải hình khối tháp Chàm này được làm theo chính kiến trúc của người Chăm. Tháp gồm 3 phần: Đế tháp tượng trưng cho "địa ngục", thân tháp là "trần gian", ngọn tháp là "thiên đàng". Ở thân tháp sẽ có 4 tầng, trong đó 3 tầng thân giữa mỗi bên góc sẽ có "4 búp" còn đỉnh tháp (tầng thứ 4) có 1 búp tháp. Tổng cộng là 13 búp tháp. Đây là con số lớn nhất và đẹp nhất theo quan niệm của người Chăm. Và các mặt bên của tháp sẽ được đúc hình vị thần Siva mang ý nghĩa tôn thờ vị vua đã có công hình thành, phát triển cộng đồng Chăm. Như vậy cả một hình gốm tạo ra sản phẩm hình tháp Chàm đã mang nhiều ý nghĩa về nòi giống, bản sắc, tín ngưỡng của một dân tộc. Việc đắp các tượng hình thần đó đều do các bàn tay đàn ông trong gia đình làm.
Huê Trần