Củ Chi, tên một loài cây làm nên địa danh vùng đất thép, mang độc tính khủng khiếp nhưng lại là vị thuốc chữa bệnh. Có một thời, cây Củ Chi mọc tràn lan ở vùng đất nằm phía Tây Bắc Sài Gòn và cũng xuất phát từ đây, người ta gọi tên vùng này theo loại cây đặc trưng. Cây Củ Chi mọc trên đất Củ Chi có độc tính cao, được xếp vào loại độc dược hạng A nhưng nếu sử dụng với liều lượng nhất định có thể trị bệnh đau nhức cực kỳ hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, trên vùng đất thép chỉ còn 1- 2 cây và có khả năng sẽ tuyệt chủng.
Cây Củ Chi còn sót lại tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi (TP.HCM)
Loài cây mang tên Củ Chi
Theo thông tin từ người dân sống lâu năm trên vùng đất thép, hiện cây Củ Chi chỉ còn ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi và số lượng rất ít. Một chị chủ quán nước cho biết: "Loại cây này, chị chỉ nghe nói chứ chưa thấy bao giờ, chị sống mấy chục năm ở đây mà có biết cây đó đâu. Chị tưởng đó chỉ là truyền thuyết nghe cha mẹ nói lại chứ chắc chết hết rồi". Một người đàn ông khoảng 60 tuổi ngồi gần đó lên tiếng: "Còn cây đó chứ, nhưng một hai cây thôi, chết hết rồi, đất Củ Chi có tên gọi cũng từ loài cây này".
Người đàn ông này nói tiếp: "Cây Củ Chi này ngộ lắm, độc tính của nó được xếp vào hàng đầu, không thuốc nào giải độc được. Thân, lá, rễ, quả, hạt cái nào cũng độc, ăn vào một chút xíu là cứng lưỡi, cứng người chết ngay tức khắc. Vậy mà nó được mấy ông thầy thuốc bắc sử dụng thành thuốc để trị đau nhức và gọi tên thuốc là Mã tiền thế mới hay. Bác không chỉ đường tụi mày được, nó mọc trong xóm đó nhưng tụi mày biết lấy về đầu độc người khác hay lấy tự tử mắc công lắm, biết có là được rồi".
Quan sát thấy một người chạy xe ôm luôn im lặng, chúng tôi có lời nhờ anh dẫn đường. Anh đứng dậy và nói chúng tôi đi theo sau, riêng chị chủ quán nước cứ nhìn chúng tôi e dè, liếc mắt ra hiệu "không có đâu, đi mất tiền uổng lắm". Anh xe ôm chạy vào mấy con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, lởm chởm đá sỏi, dừng xe trước một cây cổ thụ rất to, tán rộng phủ mát một khoảng đất. Thế nhưng, cây đã được bao bọc trong lớp tường xi măng để không ai có thể đến gần.
Hạt cây Củ Chi
Loài cây cực độc
Do đã tìm hiểu từ trước nên chúng tôi dễ dàng nhận biết, cây cổ thụ trước mắt quả đúng là cây Củ Chi. Theo các tài liệu khoa học và sách y dược, cây Củ Chi còn được gọi là Mã Tiền hay Hoàng Đàn, Võ Doản, Lá Quế thường mọc hoang ở vùng rừng núi rậm rạp. Điều này lí giải tại sao khi con người đến sinh sống và sinh hoạt ngày càng nhiều thì loại cây này tự chết khá nhiều. Tuy nhiên, không thể không kể đến nguyên nhân con người là tác nhân tàn phá loài cây làm nên địa danh vùng đất Củ Chi. Theo nhiều người lớn tuổi sinh sống lâu năm ở đây cho biết, vì nhận thấy loại cây này không có giá trị kinh tế cao nên họ chặt phá để trồng các loại cây khác.
Tên gọi thực của cây Củ Chi là Cổ Chi nhưng do thói quen đọc trại đi của người dân mà thay đổi. Trong giới khoa học, loài cây này được biết đến nhiều qua tên gọi Mã Tiền. Đặc điểm của cây Củ Chi cũng rất dễ nhận biết: Thân gỗ cao từ 5m đến 12m, có lúc đạt cực đại khoảng 25m, vỏ thân màu xám trắng; lá đơn, mọc đối, mắt trên bóng có năm gân hình cung, gân nhỏ hình mạng; cụm hoa mọc ở nách lá đầu cành, hoa có màu trắng hoặc vàng nhạt, có mùi thơm; quả thịt hình cầu đường kính 2,5cm đến 4cm khi chín màu vàng lục, chứa từ một đến năm hạt hình tròn dẹt như khuy áo, một mặt lồi, một mặt lõm, có lông mượt bóng.
Anh Thắng, nhà ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông cho biết: "Đến mùa quả chín rụng đầy dưới gốc, mấy đứa nhỏ nhặt chơi nhưng không dám ăn vì người dân nơi đây ai cũng biết độc tính ghê gớm của cây này, ai cũng nhắc nhở con cái không được đến gần cây độc". Thế nhưng, một số người dân khác lại cho biết: "Ở đây, ai cũng biết cây độc nên đã đề phòng rồi, không còn sợ nữa, đến mùa quả chín, người ta còn đổ xô đi hái trái về phơi lấy hột bán lại cho các tiệm thuốc bắc".
Công thức chế biến cây Củ Chi thành thuốc cũng công phu không kém. Theo đó, người ta phải tìm quả chín, nhặt về bổ ra lấy hạt, loại bỏ các hạt lép non hay phần ruột thối đen, đem phơi nắng hoặc sấy khô, để nơi khô ráo tránh mối mọt. Khi cần dùng thì lấy phần hạt đã phơi khô ngâm vào nước vo gạo một ngày một đêm (36 giờ đồng hồ) đến khi mềm, cạo bỏ vỏ ngoài, lấy nhân, bỏ mầm. Sau đó, thái mỏng tiếp tục sấy khô, tẩm dầu vừng một đêm đem sao lên cho vàng đậm, sử dụng theo đúng liều lượng chỉ định của thầy thuốc.
Mặc dù, gỗ của cây Củ Chi không có giá trị kinh tế cao và không thông dụng nhưng ông bà xưa có kinh nghiệm và mẹo cưa cây làm phản nằm trụ đau lưng. Tuy nhiên, ông bà xưa thường nói vui: "Nằm thì nằm chứ lè lưỡi liếm là chết như chơi". Dường như cả cây Củ Chi không phần nào là không độc hại, vỏ cây đâm lấy nước uống là chết, ăn phải hột của nó cũng chết, gỗ làm củi nấu cơm cũng khiến người ta say vì ngộ độc khói. Tuy độc vậy, nhưng dân gian thường sử dụng để trị đau nhức: "Thời chiến tranh, bộ đội ta thường dùng cây củ chi ngâm rượu để xoa bóp cho rắn chắc, trị đau nhức khớp xương, phong thấp".
Cây Củ Chi ra trái vào mùa khô, rụng ngày vào mùa mưa, độ ẩm của đất sẽ giúp hạt cây bung mầm, cứ 1.000 hột sẽ mọc được 5 đến 7 cây, một tỷ lệ sinh sôi khá thấp, cũng là nguyên nhân khiến cây Củ Chi ngày càng trở nên khan hiếm.
Hiện nay, cây Củ Chi được ví như biểu tượng của vùng đất thép, hiên ngang mạnh mẽ, thế nhưng số lượng cây còn tồn tại rất ít. Mặc dù, huyện Củ Chi đã chủ động khôi phục bằng cách trồng khoảng 50 cây Củ Chi tại rừng di tích Bến Đình nhưng thành quả của 10 năm cây chỉ mới có đường kính 15cm, và có dấu hiệu chậm lớn.
Chất kịch độc cũng có thể hữu ích, nếu… Thực tế không thể phủ nhận, cây Củ Chi có chứa chất Strychnin là một chất kịch độc, chỉ cần một liều lượng cực nhỏ cũng đủ làm tê liệt một cơ thể khỏe mạnh. Thế nhưng, các lương y ở tất cả các tiệm thuốc bắc lớn nhỏ đều biết tác dụng chữa bệnh của loại cây này. Với tên gọi Mã Tiền, vị thuốc chiết xuất từ cây củ chi có vị đắng, tính hàn, rất độc, có tác dụng thông lạc, chỉ thống, tán kết tiêu thũng. Khi vào cơ thể, vị thuốc này tác dụng đến hết các cơ quan như dạ dày, hệ thần kinh, tim làm các cơ quan này chuyển động ít hay nhiều tùy vào liều lượng. Nếu dùng với liều lượng thích hợp, Mã Tiền kích thích dây thần kinh, điều hòa hoạt động thần kinh, đặc biệt là hệ thần kinh tủy, lại có tác dụng khai vị, tốt cho tiêu hóa. Ngoài ra, vị thuốc này còn nhiều tác dụng khác, tuy vậy độ nguy hiểm khi sử dụng rất cao, ví như sử dụng hạt và vỏ cây ngâm rượu thì không được uống, trước đây đã có trường hợp tử vong vì uống nhầm rượu ngâm Mã Tiền. |
Ngọc Lài - Hà Nguyễn