"Học mót" ý tưởng của đối thủ
Theo những tài liệu lịch sử ghi lại, ngay từ Chiến tranh Thế giới thứ I, quân đội Đức đã sử dụng xe mô tô như là "át chủ bài" trong các chiến dịch. Ưu thế của phương tiện này là tính cơ động.
Đội quân này có thể nhắm mục tiêu, nhanh chóng bao vây, tiêu diệt chủ lực đối phương chớp nhoáng nhờ trang bị vũ khí hiện đại. Nó cũng là đơn vị dẫn đường cho các mũi thọc sâu của quân đoàn xe tăng sau khi đã phá vỡ phòng tuyến với sự hỗ trợ của không quân.
Đến năm 1939, trong trang bị của quân đội đế chế Đức đã có những chiếc mô tô bất khả chiến bại, mác BMW, DKW, Zundapp được trang bị súng cối và súng trung liên.
Những chiếc mô tô trở thành vũ khí đặc biệt của hồng quân Liên Xô.
Các chuyên gia quân sự thừa nhận, ở giai đoạn mở đầu của Thế chiến thứ II, phương thức này đã đem đến những thắng lợi dễ dàng cho quân đội Đức Quốc xã qua các chiến dịch xâm chiếm Ba Lan, Hà Lan, Bỉ, Pháp. Chỉ trong giai đoạn sau, khi các hoạt động quân sự được tiến hành trên những vùng đất rộng lớn của Liên Xô, dưới thời tiết khắc nghiệt và địa hình lầy lội thì phương thức này gần như không phát huy hiệu quả. Các binh chủng hợp thành không thể tiến quân cùng tốc độ, do đó giảm hiệu quả chiến đấu. Cùng thời gian này, phía Liên Xô cũng phát triển đội quân mô tô đặc nhiệm để chặt đứt những cuộc hành quân của Đức Quốc xã.
Ở Liên Xô, trước Chiến tranh Thế giới thứ II, ngành chế tạo mô tô không nhận được nhiều quan tâm như ngành ô tô. Mô tô được xuất xưởng rải rác từ những cơ sở ở Ljevsk, Taganrora, ngoại ô Podolsk và Serpukhov với con số khá khiêm tốn, chỉ khoảng 6 nghìn chiếc một năm.
Khi biết được rằng, những đội quân mô tô của quân đội Đức đang làm mưa làm gió trên khắp chiến trường, phía Liên Xô mới quyết định đầu tư cho lĩnh vực này . Vào cuối năm 1930, Hội đồng Dân ủy Quốc phòng Liên Xô đã triệu tập cuộc họp bí mật, liên quan đến ý tưởng thành lập đội quân mô tô hạng nặng chuyên dụng.
Được biết, hội đồng đã quyết định lấy chiếc mô tô khét tiếng của Đức BMW-R71 làm mẫu. Để phanh phui những bí quyết kết cấu bên trong của loại xe này, đã có 5 chiếc mô tô được mua thông qua nước thứ ba. Các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật ưu tú nhất của ngành công nghiệp ô tô Liên Xô ngay lập tức được triệu tập để nghiên cứu. Kết quả là, chỉ sau thời gian khá ngắn, Liên Xô đã có thể chế ra loại xe giống mẫu như đúc.
Các chuyên gia Liên Xô cũng cải tiến phương tiện này sao cho linh hoạt và cơ động hơn xe của Đức. Động cơ bốn kỳ hai xilanh nằm ngang đã được chế tạo mới, dung tích công tác 750cc và công suất 22 mã lực. Xe Liên Xô có khả năng thích ứng trận mạc dễ hơn khi sử dụng xăng có chất lượng thấp hơn động cơ của xe Đức. Hơn nữa, loại xe này ít gây tiếng ồn nhằm đảm bảo bí mật.
Một vài xí nghiệp lập tức bắt tay sản xuất loại xe mô tô mới. Mùa xuân năm 1941, những chiếc mô tô hạng nặng của Liên Xô lần đầu tiên được trình diện. Xe được các nhà quân sự chấm điểm "ưu" và đưa vào sản xuất hàng loạt ngay lập tức tại một số công xưởng.
Cũng như "người anh em" Đức, M-72 là phương án xe mô tô thuyền, có thể trang bị súng cối cá nhân hoặc tên lửa loại nhỏ. M-72 được sản xuất tại thành phố Irbit, Tiumen và Gorki (nay là Nijni Novgorod). Tính chung những năm chiến tranh, chỉ riêng Irbit đã cung cấp cho quân đội 9.800 chiếc xe.
Xe mô tô được sử dụng rộng rãi, phục vụ các chiến sĩ trinh sát bộ binh cơ giới, là phương tiện của các đơn vị sửa chữa máy móc quân dụng. Thậm chí, các chiến sĩ pháo binh còn dùng nó để chuyên chở những khẩu đại bác hạng nhẹ. Với một người lái và hai hành khách, M-72 ba bánh có trọng tải hơn một tấn rưỡi, nhưng công suất vẫn đủ mạnh để chạy với tốc độ tối đa đến 85km/giờ.
Cơ động, thiện nghệ và sẵn sàng... hi sinh
Cũng trong thời gian này, quân đội Liên Xô gấp rút thành lập lực lượng mô tô đặc nhiệm lấy phương châm đánh nhanh rút nhanh, hỗ trợ cho bộ binh và xe tăng tiêu diệt quân Đức. Cùng với M-72, lực lượng này còn sử dụng cả những chiếc mô tô được đưa vào Liên Xô theo hiệp ước phân công nhiệm vụ giữa các nước Đồng Minh.
Trong đó có những chiến xa khét tiếng như chiếc 500cc "Indian 741" và 750cc "Harley-Davidson WLA-42" của quân đội Mỹ. Trên xe được trang bị súng cối và tên lửa chống tăng. Nó trở thành cỗ xe nhà binh "hầm hố", chạy nhanh, xoay chuyển nhẹ nhàng, chiến đấu thiện nghệ.
Một cựu binh từng vào sinh ra tử trong Chiến tranh Thế giới thứ II kể lại: "Sau khi đã mở được cửa đột phá qua tuyến phòng ngự của đối phương, nhiệm vụ của lực lượng mô tô đặc nhiệm là phối hợp với các đơn vị xe tăng vận động sâu, đánh chiếm các yếu điểm của đối phương dưới sự bảo vệ của không quân.
Lực lượng mô tô được sử dụng nhằm tối đa hóa khả năng khai thác các cơ hội chiến thuật, tăng tốc độ vận động, chia cắt, cô lập và làm tê liệt một phần quân lực đối phương. Để làm việc này, thông thường mỗi chiến dịch cần có hai mũi tiến công sâu theo kiểu gọng kềm để hợp điểm phía sau lưng của đối phương".
Cựu binh này cũng kể lại cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm mô tô của Liên Xô vào một đêm tháng Giêng năm 1945. Nhóm hoạt động gồm 15 chiến sĩ tinh nhuệ đột nhập vào vùng ngoại ô thủ đô Berlin làm nhiệm vụ trinh sát cho mặt trận. Dù đã dạn dày kinh nghiệm trong các chiến dịch hậu phương địch nhưng giữa điều kiện đặc biệt phức tạp, ngay ngoại ô của thủ đô quân phát xít, những điệp viên không khỏi lạnh người. Cuộc xâm nhập tiến hành mà không bị phát hiện.
Trước rạng đông, nhóm đã tới được khu rừng gần thủ đô của Đức. Tại đây, họ trải qua ngày đầu tiên trên đất Đức. Khi trời tối dần, đội quân này tiến sâu hơn vào rừng, nơi có một ngôi nhà độc nhất. Họ bao vây xung quanh rất lâu. Và khi tin chắc rằng trong nhà chỉ có những dân thường hiền lành sống bên trong, các điệp viên liền tiến vào nhà.
Cựu binh này kể tiếp: "Ngồi quanh bàn là rất nhiều phụ nữ, họ đang dùng bữa. Sự xuất hiện bất ngờ của chúng tôi làm những cô gái phát hoảng. Điều này hoàn toàn dễ hiểu nếu biết được những gì người Đức thường mô tả về hồng quân Liên Xô. Bọn phát xít gieo vào lòng nhân dân Đức sự sợ hãi về hồng quân. Sau đó khá lâu, những người phụ nữ đã bình tĩnh lại đôi chút. Chúng tôi xác định được tọa độ của mình và mọi chuyện trở nên dễ dàng".
Trong suốt thời gian ở trong lòng địch, các điệp viên đã chuyển tin qua điện đài báo cáo sở chỉ huy về sự bố trí quân địch, vị trí các căn cứ quân sự và việc xây dựng hệ thống phòng thủ trên đường tới Berlin. Điệp vụ này đã góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng của Hồng quân Liên Xô trước phát xít Đức.
Những chiến công khó tin của sư đoàn mô tô Theo sử liệu, các chiến sĩ của sư đoàn mô tô đã làm lật hàng nghìn đoàn tàu vận chuyển, 5 đoàn tàu bọc thép của kẻ thù, phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép, máy kéo và xe mô tô. Lực lượng cũng phá nổ 148 kilômét đường ray, 335 cầu xe lửa và đường quốc lộ, phá hủy 122 đồn lũy và sở chỉ huy, phá hủy 700 kilômét đường điện thoại và điện báo, thực hiện hàng trăm hoạt động phá hoại khác. Sư đoàn mô tô đặc nhiệm cũng tiêu diệt hàng chục nghìn binh lính và sĩ quan địch, xóa sổ 87 tên đại diện chiếm đóng quan trọng, hàng trăm điệp viên và cộng tác phát xít. Hàng nghìn chiến sĩ và sĩ quan của sư đoàn mô tô đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ. Tên tuổi một số anh hùng đã trở thành bất tử theo tên của các xí nghiệp, trường học, tổ hợp thể thao, các trụ mốc biên giới và các bảo tàng triển lãm... |
Anh Văn
(Còn nữa)