Sở hữu mùi hương mê hoặc đặc trưng, cà phê có một ma lực khiến bất kỳ ai cũng phải để ý.
Nhưng có thể ít ai biết rằng đằng sau mùi này là sự cấu thành của rất nhiều hợp chất hoá học có trong hạt cà phê và mỗi loại cà phê khác nhau lại có những mùi vị khác nhau.
Bản thân hạt cà phê tươi có mùi vị rất nhạt, mùi cà phê mà chúng ta thường biết là kết quả của quá trình rang hạt cà phê. Khi rang, một loạt quá trình biến đổi tạo ra các sản phẩm hợp chất có mùi thơm. Sau quá trình rang, để thưởng thức cà phê thì chúng ta cần phải pha chế nó.
Tuy nhiên các bạn cần lưu ý rằng, pha cà phê không tạo ra sự biến đổi hoá học và chúng chỉ đơn thuần là chiết tách các chất trong hạt cà phê ra.
Để mũi có thể ngửi được mùi, các chất này phải là những chất dễ bay hơi để chúng có thể có mặt trong không khí và được mũi phát hiện ra mùi.
Trong hạt cà phê rang có hơn 1.000 hợp chất hoá học khác nhau. Trong số này, chúng ta có khoảng 10-25% là chất không phân cực và phần lớn còn lại là chất phân cực.
Người ta đã có nhiều nghiên cứu để xác định xem hợp chất nào được chiết xuất là tạo ra mùi vị cho một ly cà phê. Kết quả cho thấy, trong số hơn 1.000 hợp chất có mặt trong hạt cà phê thì chỉ có một lượng nhỏ trong số này có trách nhiệm tạo ra mùi vị. Mùi vị của từng loại cà phê lại phụ thuộc vào nồng độ của chúng cũng như ngưỡng cảm nhận mà con người có thể nhận ra.
Nghĩa là mỗi người sẽ ngửi được một mùi cà phê khác biệt, không ai giống ai. Cùng 1 loại cà phê thì mỗi người lại kể tên được các hương vị khác nhau tuỳ thuộc vào trải nghiệm ăn uống và sự tinh nhạy trong vị giác của họ.
Một nghiên cứu hồi năm 2008 cho thấy mùi vị của cà phê có ảnh hưởng đến hoạt động của gene và protein trong não chuột và ảnh hưởng đến việc giảm căng thẳng. Có nhiều các bạn sẽ hỏi tại sao không có caffein, lý do đơn giản là về lý thuyết, chất này không màu, không mùi, không vị và chúng chỉ đem lại khả năng tập trung và kích thích trí não mà thôi, không quyết định mùi vị của cà phê.
Trang Dung (Tổng hợp)