Bí mật nằm trong clip "hành hung thượng đế"

Thứ 6, 28/12/2012 00:06

Những thông tin trái chiều cũng như việc tuyên bố theo đuổi vụ việc tới cùng của ông Lê Minh Khương khiến cho không ít người tin rằng ông sẽ là người "làm nên lịch sử"!?

Đã có clip quay lại diễn biến sự việc

Hiện nay, liên quan đến vụ việc giữa HLV Lê Minh Khương và VNA có rất nhiều luồng thông tin và ý kiến trái chiều nhau. Có thông tin cho rằng việc VNA cưỡng chế ông Lê Minh Khương là đúng, lại có quan điểm cho rằng VNA cần phải xin lỗi công khai đối với ông Lê Minh Khương.

Ngay cả vấn đề về nhân chứng cũng vậy. Có ít nhất 3 hành khách trên khoang hạng C cho rằng ông Khương có biểu hiện gây rối, không chấp hành sự điều hành của phi hành đoàn. Nhưng trên một số tờ báo, cũng có đến không dưới 3 hành khách trong giới văn nghệ sỹ khẳng định sẵn sàng đứng ra làm chứng cho việc HLV Lê Minh Khương bị cưỡng bức ra khỏi máy bay.

Thông tin mới nhất mà luật sư của ông Lê Minh Khương phát ngôn thì vị luật sư này đã tập hợp được chữ ký ủng hộ của khá nhiều nhân chứng. Đồng thời luật sư này cũng thu thập được một clip quay lại diễn biến sự việc, tuy nhiên hiện chưa muốn công bố.

Rất quan tâm đến sự kiện này, luật sư Nguyễn Việt Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kinh Đô (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã phân tích với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý trước những thông tin trái chiều về vụ việc. Luật sư Hùng cho biết: Đối với những thông tin về người làm chứng trên chuyến bay có 2 thông tin cơ bản được đưa ra, một là ông Khương có biểu hiện gây rối, không chấp hành sự điều hành của phi hành đoàn, hai là ông Khương bị lực lượng an ninh sân bay dùng dùi cui điện cưỡng chế áp giải ra khỏi máy bay.

Đối với những thông tin làm chứng này, chúng ta chưa thấy có sự mâu thuẫn về vấn đề lời khai của những người làm chứng, bởi những nội dung làm chứng trên ở hai giai đoạn khác nhau của sự việc, một ở giai đoạn bắt đầu sự việc, một ở giai đoạn sau đó. Đối với người làm chứng khẳng định chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc và được đăng tải đầy đủ việc tường trình của người làm chứng đó, tôi chưa thấy được nêu ra. Hơn thế nữa, khi xem xét về vấn đề người làm chứng cũng cần phải xem xét đến vị trí chứng kiến của người làm chứng thì mới có thể đánh giá được lời làm chứng đó có đầy đủ hay không. Trường hợp cần thiết cũng nên mở hộp đen của tàu bay để xác định sự việc, đây cũng là ý kiến của HLV Lê Minh Khương.

Đồng quan điểm này, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng đã phân tích, trong việc xác định tư liệu chứng cứ cần xác định một chuỗi hành vi, mỗi giai đoạn thể hiện khác nhau nhưng bản chất là đồng nhất vì nó là nguyên nhân dẫn đến sự việc.

Nêu tiếp ý kiến mổ xẻ của mình, luật sư Nguyễn Việt Hùng cho rằng: Khía cạnh quan trọng là phải xác định xem, máy bay đó đang ở trong trạng thái đang bay hay không, nếu máy bay được xem là đang bay thì ông Khương phải tuân thủ tuyệt đối sự điều hành của chỉ huy máy bay, cũng như của phi hành đoàn.

Đây là quy định đặc thù của ngành hàng không theo điểm d khoản 3 Điều 75 Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam thì người chỉ huy máy bay được áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người có hành vi đó. Không tuân theo sự hướng dẫn của người chỉ huy máy bay hoặc của thành viên tổ bay thay mặt người chỉ huy máy bay về việc bảo đảm an toàn cho máy bay, duy trì trật tự, kỷ luật trong máy bay; nếu không thì sẽ theo quy định chung của pháp luật.

Qua tìm hiểu, được biết theo khoản 2 Điều 74 Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam năm 2006 và Thông lệ Quốc tế thì máy bay được coi là đang bay kể từ thời điểm mà tất cả các cánh cửa ngoài được đóng lại sau khi hoàn thành xếp tải đến thời điểm mà bất kỳ cửa ngoài nào được mở ra để dỡ tải; trong trường hợp hạ cánh bắt buộc, máy bay được coi là đang bay cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm nhận trách nhiệm đối với máy bay, người và tài sản trong máy bay.

Trong trường hợp vụ việc của HLV Lê Minh Khương và VNA thì máy bay đang trong hành trình bay từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh nhưng do thời tiết xấu máy bay buộc phải hạ cánh tại Đà Nẵng. Vậy trường hợp này có được xem là đang bay hay không?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Hùng cho hay: "Theo quan điểm cá nhân tôi nếu máy bay chưa được cơ quan có thẩm quyền đảm nhận trách nhiệm đối với máy bay khi hạ cánh xuống Đà Nẵng thì vẫn được xem là đang bay và ông Khương buộc phải tuân theo sự hướng dẫn của chỉ huy máy bay hoặc của thành viên tổ bay, nếu không tuân theo đã có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn rồi chứ chưa nói đến chuyện có gây rối hay không. Còn nếu đã có cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trách nhiệm thì chỉ huy máy bay, cũng như phi hành đoàn không thể áp dụng các quy định đặc thù của ngành mình để áp đặt cưỡng chế ông Khương ra khỏi máy bay.

Giả định việc máy bay đang trong trạng thái đang bay, thì việc quyết định của phi hành đoàn đề nghị lực lượng an ninh cưỡng chế ông Khương ra khỏi máy bay là đúng thẩm quyền, nếu thấy dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn bay. Nhưng quyết định đó đúng hay chưa đúng sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ huy máy bay và những người có trách nhiệm trên chuyến bay đó sẽ là người chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Phản ứng thế nào là thái quá?

Liên quan đến việc dùng dùi cui điện cưỡng bức ông Khương ra khỏi máy bay có quá tay hay không, có nhiều ý kiến cần được xem xét khách quan, căn cứ vào việc ông Khương có chống đối việc thi hành công vụ của lực lượng này hay không và trách nhiệm này thuộc về những người thực thi công vụ đã có hành vi như đã nêu.

Trước những dư luận về vụ việc này khá đa chiều, trong khi cả hai bên đều đưa ra những quan điểm và lý lẽ riêng của mình thì việc cơ quan hàng không dân dụng Việt Nam vào cuộc là điều cần thiết khi các bên không tự dàn xếp được. Việc làm rõ sự việc sẽ tránh được những điều tiếng không tốt cho VNA, mặt khác cũng đảm bảo cho HLV Lê Minh Khương bảo vệ được danh dự của mình đối với những hành vi mà ông cho là chưa đúng của phi hành đoàn và lực lượng an ninh đã cưỡng chế ông khỏi máy bay. Đây cũng là cơ sở để các bên thực hiện quyền khiếu kiện của mình để bảo vệ quan điểm mà mình đã đưa ra trước công luận. Những điều đó có thể coi là góc khuất chưa được mổ xẻ thấu đáo.

Có quan điểm cho rằng có thể VNA sẽ cấm bay đối với HLV Lê Minh Khương. Tuy nhiên, ông Lại Xuân Thanh- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo quy định cũ thì VNA được làm việc này nhưng theo quy định của Nghị định 81/2010 về an ninh hàng không dân dụng, VNA chỉ có quyền lập danh sách đề nghị, còn quyền quyết định là của Cục Hàng không Việt Nam.

Nếu như có quyết định này thì cũng cần phải bàn bởi có một vấn đề đặt ra là nếu HLV Lê Minh Khương phải thực hiện công vụ của quốc gia, như dẫn đội Taekwondo Việt Nam đi thi đấu quốc tế thì sẽ được giải quyết như thế nào? Sẽ xử lý vấn đề này ra sao cho dù VNA không phải là lựa chọn duy nhất?. Những câu hỏi này xin gửi tới VNA và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

Đông Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.