Một hành lang Nhà Lý được xây dựng trên đất Đông Ngàn chung chuyển giữa kinh thành Thăng Long và vùng đất Bắc Ninh, nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu đã đổ nhiều công sức đi tìm câu trả lời. Các GS đầu ngành đã có nhiều cuộc tranh luận. Theo Đại đức Thích Thanh Trung, trụ trì của chùa Phúc Lâm (Mai Lâm - Đông Anh) nơi được coi là ngôi chùa do vua Lý Công Uẩn cho xây dựng để hướng về đất mẹ khi ông lên ngôi Hoàng đế và dời đô từ Hoa Lư-Ninh Bình ra thành Đại La (Thăng Long). Đại đức cho biết, đến nay hành lang Nhà Lý nơi có chùa Phúc Lâm đã được xác nhận.
Thầy Trung nói: Phía xa kia chính là Bến Ngự, thuyền rồng của vua nhà Lý cặp bến nơi này qua vãn cảnh Hoa Lâm và vào thắp hương tại chùa Phúc Lâm. Bến Ngự giờ là một dẻo đất trống ăn sát ra bờ sông Đuống. Thời gian đã thay đổi nhiều, nơi đây chỉ còn lại là một con rạch nhỏ dẫn từ bờ sông vào trong bãi bồi.
Đến nay, những truyền thuyết, huyền thoại về sự ra đời của vị vua khởi nghiệp nhà Lý có khác nhau tuy nhiên, những tên đất, tên làng vẫn còn đó như một minh chứng về hành lang của Nhà Lý xưa.
Đại đức Thích Thanh Trung nói: “Khi Lý Thái Tổ dựng nhà Thái Đường ở quê mẹ, ngài cũng đặt tên mới cho xã này là Hoa Lâm vào năm 1010 và lập Ly cung ngự uyển ngay tại đó. Nhà vua còn tuyển chọn trai tráng giỏi trồng hoa về Hoa Lâm gọi là "viên đinh". Tương truyền, viên đinh và người phục dịch Ly cung đều phải sống tại nơi mà ngày nay mang tên thôn Lê Xá. Xã Mai Lâm (Hoa Lâm) có 4 thôn: Thái Đường có nhà thờ mẹ vua; Du Lâm là nơi vua về nghỉ ngơi du ngoạn; Đông Trù (bếp ngự) là nơi nấu cỗ cúng; thôn Lộc Hà là nơi phát lộc sau khi cúng. Dấu tích mộ vua không còn nhưng nền cũ, của lớp trầm tích văn hoá vẫn còn nguyên và chúng tự kể chuyện mình”.
Sau biến cố chịnh trị, nhà Trần truất ngôi nhà Lý. Con cháu họ Lý để tránh cuộc thảm sát đã phải đổi họ, sống nơi xứ người. Người họ Lý trước khi qua đời truyền lại con cháu lời nhắc nhở “Phục quốc”. Vậy nhưng, tuy những uẩn khúc tâm linh không hề được hoá giải nhưng không có cuộc chính biến nào, bởi lẽ âu cũng thuận theo lòng trời thịnh rồi lại suy.
"Tôi cũng đã nghe các bậc cao niên họ Nguyễn (gốc Lý) kể lại câu chuyện bi thương: Chuyện rằng, năm ấy sau khi bức tử vua Lý Huệ Tông, Trần Thủ Độ lập kế hoạch “nhổ cỏ tận gốc”. Biết tôn 70 thất nhà Lý về cúng tổ ở Thái Đường, Trần Thủ Độ đã bí mật giăng bẫy. Hố sâu, hầm chông được dựng lên, sau đó trải chiếu hoa, làm nhà cho các tôn thất Hoàng cung về dự lễ. Khi tất cả đã say rượu nghiêng ngả thì hệ thống hoạt động, nhà cửa sập xuống chôn sống những tôn thất họ Lý. Nhưng trong số những người họ Lý đã có người thoát nạn phiên bạt đi nơi khác sinh sống, ẩn cư chờ ngày phục hận mất thiên hạ", đại đức Thích Thanh Trung kể lại.
Địa điểm ấy người dân truyền gọi là Bãi sập. Trải qua thời gian, Bãi Sập chỉ còn lại trong trí nhớ của nhiều bậc cao niên, nói nó là vùng đất nằm giữa vị trí các thôn Đông Trù, Thái Đường (Thái Bình). Tôi tìm lại điển tích này trong chính sử và được biết Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi lại sự kiện này.
Lời nguyền của vua Lý Huệ Tông, cùng nỗi đau vọng tộc vẫn lơ lửng ngàn năm là lời tiền nhân hối thúc lòng phục quốc của những người con tộc Lý. Vị trưởng tộc họ Nguyễn gốc Lý ở Mai Lâm đã chia sẻ: Theo truyền ngôn của dòng tộc, những người gốc họ Lý trước khi qua đời đều kể lại mối oan khuất của dòng học và nhắc lại câu: “Phải diệt phường chài Hải ấp”. Tuy nhiên, trải qua 30 đời họ Lý đến nay, vẫn không có chuyện mài gươm dáo dưới ánh trăng, không có chuyện trồng tre đợi ngày thành gậy báo thù.
Theo vị trưởng tộc họ Nguyễn gốc Lý lịch sử luôn biến đổi. Có thịnh, có suy, nếu cứ lấy oán báo oán thì oán càng chất chồng. Chính vì thế, hậu thế ai cũng thuộc câu giáo huấn của người đi trước nhưng không cói đó là mối thù truyền kiếp phải trả. Lời nguyền chỉ là một lời nhắc nhở con cháu nhớ về gốc tích của mình. Chính vì lẽ ấy, hàng năm vào tháng 3 âm lịch dòng tộc lại làm lễ cầu siêu cho các vong hồn Nhà Lý. Quá khứ hơn 1.000 năm đã khép lại!
Cũng nhờ có duyên nên ngày tôi về chùa Phúc Lâm lại đúng gặp đúng ngày anh Nguyễn Tường Long, một hậu duệ nhà Lý về chùa công đức tài liệu phả hệ họ Lý. Theo truyền thuyết thì phả hệ này đã theo ông Lý Long Tường lánh nạn sang Cao Ly (Hàn Quốc). Vì mong muốn tìm lại gốc tích của mình, hậu duệ họ Nguyễn (gốc Lý) đã có nhiều cố công tìm cho được tư liệu về Hoa Lâm phả điệp hệ tộc Lý.
Nhìn thấy bức Phả điệp được dịch ra tiếng Việt, dòng họ Nguyễn (gốc Lý) cung tiến cho chùa Phúc Lâm, tôi tò mò muốn biết về gốc tích của Phả hệ này. Liệu đây có phải là tài liệu đã cùng ông Lý Long Tường lưu lạc sang Hàn Quốc hay không? Anh Nguyễn Tường Long khẳng định: “Đây là phả hệ hoàn toàn tin cậy và đã được kiểm chứng. Phả hệ này, được một cụ bà am hiểu về Hán Nôm và các con cháu dòng họ Lý dồn công sức hoàn thành”. Theo anh Long, cụ bà đã tìm lại những tư liệu cổ còn lưu lại trong Viện Hán Nôm, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Phả hệ ông Lý Long Tường lưu giữ tại Hàn Quốc cũng đã được chuyển về, bên cạnh đó những người con gốc Lý sinh sống tại Mỹ còn lưu tài liệu ghi lại dấu tích xưa cùng gửi về. Chính vì thế, phả hệ là một tài liệu xác thực ghi lại dấu tích của Nhà Lý và các mối quan hệ tới đời sau này.
Thời gian xoa dịu mọi nỗi đau, oán thù cũng được gỡ bỏ. Những người họ Nguyễn (gốc Lý) cởi bỏ được những uẩn khúc tâm linh. Với anh Long cũng như nhiều hậu duệ khác chữ gốc Lý gắn sau họ Nguyễn luôn được gìn giữ để nhắc nhớ cội nguồn.
Ngân Giang