Đặc biệt tinh nhuệ
Theo National Interest, Triều Tiên hiện nay là quốc gia có lực lượng đặc nhiệm quy mô nhất thế giới với quân số lên đến 200.000 người, gồm cả nam và nữ, được đào tạo trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt.
Lực lượng này được huấn luyện để hoạt động trên toàn bán đảo Triều Tiên, thậm chí trong tình huống khẩn cấp, có thể vươn ra bên ngoài để tấn công các đối thủ đe dọa tới Bình Nhưỡng.
Nhiều thập kỷ sau cuộc chiến liên Triều, dưới sự tài trợ của Liên Xô và Trung Quốc, quân đội của Triều Tiên luôn được trang bị đầy đủ khí tài ở tất cả các binh chủng từ tăng thiết giáp, pháo binh, không quân cho tới lực lượng đặc nhiệm.
Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, lực lượng đặc nhiệm nước này đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vũ khí.
Theo thống kê, Triều Tiên chỉ sở hữu một số ít xe tăng T-72 của Liên Xô sản xuất những năm 1970, còn lại đều là các xe tăng T-62 từ những năm 1960 trở về trước. Các đơn vị thiết giáp còn lại của họ cũng rơi vào tình cảnh tương tự khiến cho sức mạnh quân sự của Triều Tiên thụt lùi đáng kể so với lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc.
Để đối phó với tình hình đó, Triêu Tiên đã đặc biệt quan tâm tới việc nâng cấp lực lượng đặc nhiệm nhằm sử dụng ưu thế huấn luyện và kỹ năng tác chiến để bù đắp cho sự yếu thế hơn về trang bị.
Được biết, Bình Nhưỡng đã thành lập 25 lữ đoàn đặc nhiệm và 5 tiểu đoàn đảm nhận những nhiệm vụ đặc biệt như tấn công, đổ bộ bằng dù và thực hiện các nhiệm vụ ám sát...
Lực lượng này được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cục Huấn luyện Bộ binh hạng nhẹ Triều Tiên, đóng vai trò tương tự như bộ Tư lệnh đặc biệt Mỹ (SOCOM).
Trong số 200.000 binh sĩ đặc nhiệm, có khoảng 150.000 binh sĩ thuộc biên chế của đơn vị bộ binh hạng nhẹ. Lực lượng này di chuyển bằng đường bộ với nhiệm vụ trực tiếp là thâm nhập hoặc đánh thọc sườn đối phương để phủ đầu hoặc kết nối các cuộc tấn công vào lực lượng địch.
Địa hình đồi núi của Triều Tiên rất thích hợp với lối tấn công này, ngoài ra, họ còn sở hữu hệ thống đường hầm chằng chịt, phức tạp quanh khu vực phi quân sự DMZ.
Bên cạnh các lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ là 3 lữ đoàn không quân bao gồm lữ đoàn Dù 34, 82 và 54 chuyên tiến hành các hoạt động chiến lược bao gồm đổ bộ không quân để nắm bắt địa hình và cơ sở hạ tầng quan trọng như các sân bay, các tòa nhà thuộc cơ quan Chính phủ, các tuyến đường huyết mạch của địch.
Đặc biệt, Bình Nhưỡng còn thành lập 8 lữ đoàn bắn tỉa, 3 cho lục quân, 3 cho không quân và 2 cho hải quân. Mỗi lữ đoàn có khoảng 3.500 binh sĩ, được chia thành 7-10 tiểu đoàn. Những đơn vị này tương đối giống lực lượng biệt kích Ranger, lực lượng Đặc nhiệm và lực lượng SEAL của quân đội Mỹ.
Đào tạo bài bản
Những đặc nhiệm bắn tỉa được đào tạo bài bản với nhiệm vụ thực hiện các cuộc trinh sát chiến lược, ám sát, tấn công các mục tiêu cấp cao, mục tiêu kinh tế, phá hoại hệ thống phòng thủ của địch và ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương.
Họ thường mặc thường phục hoặc thậm chí là đồng phục của đối phương. Trong mỗi lữ đoàn bắn tỉa lại có một trung đội từ 30-40 nữ quân nhân, cải trang thành dân thường để thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu.
Ngoài những đơn vị tác chiến kể trên, lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên còn sở hữu 4 tiểu đoàn trinh sát độc lập và một tiểu đoàn trinh sát số 5 được cho là chỉ nhận nhiệm vụ hoạt động bên ngoài biên giới.
Mỗi tiểu đoàn này có khoảng 500 quân nhân, có khả năng dẫn dắt các đơn vị quân đội hành quân qua vùng DMZ. Các binh sĩ này đều được trang bị đầy đủ kiến thức để hiểu biết về cả bạn và thù trong khu vực DMZ đầy phức tạp.
Giống như các lực lượng đặc nhiệm khác, lính đặc nhiệm Triều Tiên thường được triển khai hoạt động phía bên kia chiến tuyến, bên trong lòng địch.
Dưới sự huấn luyện bài bản, khắc nghiệt cùng với quá trình rèn luyện tư tưởng, các đơn vị đặc nhiệm Triều Tiên thực sự trở thành một lực lượng nguy hiểm và đáng gờm trước mọi đối thủ đe dọa tới quốc gia này.
Xem thêm: Triều Tiên tuyên bố “thanh gươm công lý” chỉ nhằm vào Mỹ
Mạnh Thương