Có đôi khi, những nhà khảo cổ học bị đe dọa đặt mìn nếu không cho bọn chúng đào, thuê lực lượng bảo vệ trông giữ vùng khai quật. Có khi phải nói dối vàng tìm được trong mộ táng là vỏ bao thuốc lá... Tiết lộ những mánh lới khôn lường của dân trộm cổ vật, chắc chắn nhiều người sẽ giật mình.
Ngày đêm xăm, tìm cổ vật
Trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay, có rất nhiều cổ vật hình dạng rất "kỳ dị". Nhiều cổ vật được phục chế như hình dạng ban đầu của chúng nhưng trên mình nó vẫn còn dấu tích đau đớn của những vết "đâm" lỗ chỗ. Là một người tâm huyết với việc phục dựng cổ vật, họa sỹ Chu Văn Vệ, Phó trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm cổ vật của bảo tàng vô cùng xót xa. Ông cho biết, mấy chục năm làm trong nghề ông cùng đoàn đã tìm thấy rất nhiều cổ vật "tật nguyền" như vậy. Đó là dấu vết và hậu quả để lại của những cuộc săn tìm cổ vật của bọn trộm.
Thanh sắt được dân trộm cổ vật dùng để xăm.
Hiện nay ở nhiều nơi, người dân đua nhau đi săn tìm cổ vật. Chỉ cần biết nơi nào có cổ vật thì ở đó giới săn đồ cổ đã có mặt. Đồ cổ đẹp thường được các hoa tiêu nhanh chóng phát hiện, thăm dò, "bấm" giá. Giới săn cổ vật thường dùng là cái xăm (có nơi gọi là thuỗn), một loại dụng cụ làm bằng thanh sắt dài chừng 1,5m chọc xuống đất để dò tìm cổ vật. Loại xăm này đặc biệt có tác dụng ở những vùng đất cát, đất mềm. Họ nghe tiếng động mà đoán. Với những dân đào cổ vật trộm chuyên nghiệp thì chỉ cần chọc chiếc thuỗn xuống là họ có thể biết chỗ đó có cổ vật hay không, cổ vật là loại gì, dài ngắn ra sao còn lành hay đã vỡ...
Được biết, trước đây nghề xăm có ở vùng Nam Định, Thanh Hóa dùng để rà sắt vụn nhưng sau có nhiều người gặp may gặp được đồ cổ nên đổi đời. Từ đó nghề xăm được giới săn cổ vật học hỏi và lan rộng ra nhiều vùng trong đó có Nghệ An, Hà Tĩnh. Thợ xăm thích nhất khi trời mưa vì đất mềm dễ xăm. Họ có thể mặc áo mưa đi xăm ngoài bãi cả ngày mưa, đêm rét, nhất là khi chiến dịch xăm, săn đồ cổ lên cơn sốt. Họ sẵn sàng mua cả ruộng lúa non, khoai non, mía non khi biết chắc dưới đó có cổ vật.
Trong nhiều trường hợp, chính dân đào cổ vật trộm là những người phát hiện ra di chỉ khảo cổ học có giá trị nằm im lìm trong lòng đất hàng thế kỷ. Điều đó làm đau đầu các nhà quản lý văn hóa cấp tỉnh, huyện. Và khi chuyện người dân đào và bán được cổ vật thì ngành văn hóa mới hay biết, mời các chuyên gia khảo cổ vào tổ chức khai quật, xác định niên đại. Phải mất một thời gian mới có những công văn, chỉ thị và những cuộc họp để triển khai bảo vệ, gìn giữ di chỉ lịch sử, văn hóa quý báu.
Ông Chu Văn Vệ cho biết, nạn xăm cổ vật diễn ra khá nhiều ở những khu mộ táng ở Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ. Bị bọn trộm xăm, các cổ vật bị hỏng, nứt, đào lên bị vỡ vụn. Nhiều cổ vật bị chúng xăm làm hỏng, khó phục hồi lại hình dạng ban đầu.
Ông Chu Văn Vệ bên chiếc bình cổ bị xăm lỗ chỗ.
Trộm cổ vật trên những con tàu cổ
Nạn trộm cổ vật không chỉ diễn ra ở trên cạn mà còn rất nhức nhối ở dưới biển, nơi phát hiện ra những con tàu cổ bị đắm. Vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) được coi là "nghĩa địa tàu cổ" bởi việc phát hiện ra nhiều tàu cổ bị chìm ở đây. Theo các chuyên gia về khảo cổ, vùng biển này có thể là nơi tập kết giao thương hàng hóa sầm uất thời xa xưa. Lúc đó các thương lái miền xuôi thường mang đến vải vóc tơ lụa, đồ gốm sứ... bán buôn, trao đổi để lấy những món hàng khác từ vùng núi chuyển xuống. Mỗi lần phát hiện ra tàu cổ bị đắm là mỗi lần lực lượng chức năng phải vất vả bảo vệ di tích khảo cổ. Có nhiều người sẵn sàng hành động liều lĩnh để sở hữu được cổ vật. Nhiều người đã "phất" lên nhờ bán được món đồ cổ có giá cao.
Mới đây, một chiếc tàu cổ bị chìm lại được phát hiện ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Hàng trăm ngư dân đưa ghe tàu cùng máy hút cát để lặn khai thác cổ vật trên tàu cổ vừa được phát hiện. Nhiều cổ vật gồm đĩa, bát, hũ,... đã được ngư dân lặn lấy đưa lên tàu cất giấu với số lượng lớn.
Cũng vào thời điểm này năm trước, một con tàu cổ 700 tuổi bị đắm được phát hiện. Ngay lập tức hàng trăm ngư dân địa phương và người ngoài tỉnh về hôi của. Bất chấp luật pháp và lực lượng của cơ quan chức năng canh giữ, người dân vẫn lao xuống biển để trộm cổ vật. Khung cảnh nơi đây hỗn loạn. Ở dưới nước, hàng trăm người lặn ngụp vơ vét cổ vật, trên cạn là không ít dân buôn đồ cổ chờ mua "tươi" từ người dân mò lên. Khi lực lượng công an tỉnh Quảng Ngãi có mặt để bảo vệ con tàu thì một số người dân hung hãn chống đối làm nhiều đồng chí công an bị thương.
Biển Đông đã từng có một con đường tơ lụa rất tấp nập. Việt Nam không chỉ là điểm trung chuyển mà còn là điểm đến, điểm xuất phát của nhiều chuyến tàu. Theo ông Chu Văn Vệ, thời đó, công ty Đông Ấn Hà Lan (một công ty thương mại, thành lập năm 1602 khi Quốc hội Hà Lan trao 21 năm độc quyền thực hiện những hoạt động thực dân tại châu Á) sang các nước ở châu Á đặt và mua hàng. Khi mua được các chuyến hàng, tàu sẽ chở qua vùng biển của nước ta để tới các nước Đông Nam Á, Tây Á, Đông Phi, châu Âu... Trong số đó, đã có những con tàu vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương và mang theo nó nhiều điều bí ẩn. Nhiều cổ vật bị đắm tại các con tàu đó có giá trị lớn. Ví như tàu Hòn Cau, chúng ta đã khai quật được gần 60.000 cổ vật chủ yếu là gốm sứ có nguồn gốc từ Trung Quốc như lò Cảnh Đức Trấn, Sơn Dầu. Trên tàu còn một số đồ dùng của thủy thủ đoàn: Khay, ấm đun nước, cân tiểu ly, gương đồng, ấn triện...
Rình rập mọi “nẻo đường”
Vì chứa nhiều đồ quý nên bọn trộm đồ cổ không từ một thủ đoạn nào để có được cổ vật. Ông Vệ còn nhớ chuyến khảo cổ ở biển khu vực Cà Mau, cách đất liền chừng 70 hải lý để trục vớt con tàu đắm. Ở nơi mênh mông sóng nước và về Malaysia còn gần hơn về Việt Nam ấy, cả đoàn lên đênh ngoài biển khơi ròng rã gần hai tháng trời, người khỏe nhất cũng say sóng không chịu được. Đầu óc người nào trong đoàn cũng như miếng đậu bị bóp nát. Thế nhưng, dân trộm cổ vật vẫn theo ra tận nơi.
Được biết, phát hiện ra di tích này là do một ngư dân ở Bình Thuận xuống Cà Mau đánh cá. Ông này phát hiện ra nơi đó có cổ vật và mỗi chuyến kiếm được một vài món rồi gom lại để bán. Sau khi bị phát hiện, người này cũng khai thành thật tọa độ của chiếc tàu cổ bị chìm. Trong suốt quá trình đoàn khảo cổ khai quật, luôn có các tàu của dân trộm cổ vật rình rập. Khi đoàn kết thúc khai quật đợt 1 thì dân trộm cổ vật lại xâu xúm vào tìm kiếm. Công an phải ra tận nơi để canh gác điểm di tích suốt nhiều tháng liền. Nếu như ở miền Trung, gần đất liền người ăn trộm cổ vật thường lặn ngụp xuống để vớt cổ vật thì ở ngoài xa như điểm di tích này người ta dùng lưới cào. Họ chỉ chơ, khi nào lực lượng chức năng và đoàn khảo cổ sơ hở là lấn tới làm liều.
Thành Huế