Bí mật trận đánh lính Đức sát cánh cùng lính Mỹ

Bí mật trận đánh lính Đức sát cánh cùng lính Mỹ

Thứ 2, 15/07/2013 15:54

Trong những ngày cuối cùng của cuộc Thế chiến thứ II, một sự kiện khó tin đã xảy ra. Những người lính Mỹ và Đức vốn là kẻ thù không đội trời chung, bất ngờ cùng kề vai sát cánh bên nhau chống lại kẻ thù chung trong một trận đánh ác liệt. Sau hơn nửa thế kỷ, những bí mật về điều kỳ diệu này mới được công bố, khiến không ít người phải sửng sốt.

Chống lại đồng đội, lính Đức sát cánh cùng lính Mỹ

Mới đây, sau 20 năm tìm tòi tư liệu, nhà nghiên cứu sử học Stephen Harding (Hoa Kỳ) đã cho ra mắt độc giả cuốn sách lịch sử: "Trận chiến cuối cùng" (The Last Battle) với nội dung hết sức bất ngờ. Trong một trận đánh cuối Thế chiến thứ II, những người lính Đức và Mỹ đã từng đứng chung một chiến tuyến.

Hoàn cảnh trớ trêu đã đẩy những người chỉ ngày hôm qua thôi còn là kẻ thù của nhau trở thành những người "đồng đội" theo đúng nghĩa của nó. Họ đã kề vai sát cánh, che chở cho nhau trong trận đánh ác liệt mà đối phương lại chính là một đội lính Đức khác - những tay biệt kích SS khét tiếng tinh nhuệ và khát máu của Đức quốc xã.

Tiêu điểm - Bí mật trận đánh lính Đức sát cánh cùng lính Mỹ

Tác giả - nhà nghiên cứu sử học Stephen Harding.

Ngày 30/4/1945, Adolf Hitler tự sát và phát xít Đức tuyên bố đầu hàng phe Đồng minh. Nhưng các trận đánh lẻ tẻ giữa hai bên vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trong những ngày sau đó, vì sự ngoan cố của nhiều binh lính, sĩ quan Đức không chấp nhận là kẻ thua cuộc. Ngày 4/5/1945, Đại úy Lục quân Hoa Kỳ Jack Lee chỉ huy 14 binh sỹ tiến về lâu đài Itter trên đất Áo để giải phóng các tù nhân đang bị quân Đức giam giữ ở đây. Đó là những người tù đặc biệt, các chính khách cấp cao của Pháp trong chiến tranh.

Năm 1940, khi xâm lược Pháp, Hitler đã bắt sống gần như toàn bộ nội các nước này. Những người bị đưa về Áo, giam giữ trong lâu đài Itter đều là các nhân vật quan trọng, trong đó có Tổng thống Pháp Albert Lebrun, hai cựu thủ tướng Édouard Daladier và Paul Reynaud, hai viên tướng quân đội Maxime Weygand và Maurice Gamelin. Ngôi sao quần vợt nổi tiếng Jean Borotra và một số người khác cũng bị giam cùng các nhân vật VIP này.

Lâu đài Itter đang được canh giữ bởi khoảng 20 lính Đức. Khi toán lính Mỹ tiến đến gần, những người này lập tức rời khỏi vị trí chiến đấu phòng ngự và tìm đường rút đi. Đội giải cứu của đại úy Jack Lee tiếp quản lâu đài, giải phóng các tù nhân mà không phải bắn một viên đạn nào. Do quân số khá ít ỏi nên họ cũng không truy kích nhóm lính Đức vừa rút đi. Nhưng mọi chuyện không êm thấm như vậy. Ngay sau khi làm chủ lâu đài, qua quan sát, người Mỹ phát hiện một đơn vị lính biệt kích SS của Đức cũng đang tiến về phía mình.

Lệnh chuẩn bị chiến đấu được Jack Lee ban bố khẩn cấp. Viên đại úy chỉ huy mới 27 tuổi này không khỏi lo lắng bởi lực lượng phía Mỹ quá yếu. Họ chỉ có 15 người (kể cả Lee), hai xe tăng hạng nhẹ cùng một cơ số đạn dược ít ỏi. Chưa kể hơn chục tù nhân cần được bảo vệ. Trong khi đó, đơn vị lính SS tỏ ra vượt trội hơn hẳn cả về quân số lẫn trang bị. Jack Lee ước tính chúng có khoảng 50 tên, với nhiều vũ khí hạng nặng như súng phóng lựu, súng chống tăng...

Giữa lúc đang lo lắng, toán lính Mỹ bất ngờ nhận được tín hiệu liên lạc của những người lính Đức vừa rút đi. Họ chưa đi xa, vẫn ở trong khuôn viên lâu đài rộng lớn này và cũng đã phát hiện ra đơn vị SS đang tiến đến. Nhưng thật bất ngờ, thay vì phối hợp với đơn vị biệt kích tinh nhuệ này để đánh bật người Mỹ, chiếm lại lâu đài cùng tù nhân thì viên chỉ huy lại đưa ra một quyết định ngược lại là đứng về phía lính Mỹ để cùng chống lại các đồng đội SS của mình.

Nếu giao chiến với đơn vị SS đang tiến đến, phía đại úy Jack Lee chắc chắn sẽ thảm bại. Chưa kể đến việc toán lính Đức vừa bày tỏ thiện chí kia, nếu vì bị khước từ mà nhập hội với đội lính SS, cái chết sẽ đến với họ nhanh hơn. Sau khi hội ý chớp nhoáng với binh sĩ và các tù nhân - chính khách Pháp, Jack Lee quyết định mạo hiểm chấp nhận lời đề nghị chưa từng có trong lịch sử này.

Toán lính Đức quay trở lại lâu đài, cùng 15 lính Mỹ chia nhau các vị trí phòng thủ, chờ "kẻ thù chung" tới. Một vài tù nhân khỏe mạnh như con trai thủ tướng Pháp Michel Clemenceau, tay vợt Jean Borotra, cựu thủ tướng Paul Reynaud... cũng cầm súng. Liên quân kỳ lạ Mỹ - Pháp - Đức đã được hình thành như thế. Đại úy Jack Lee cũng không quên đánh điện báo cáo tình hình và xin chi viện tới một đơn vị Mỹ khác đang đóng trên đất Áo. Nhưng đơn vị Mỹ gần nhất cũng cách khá xa Itter, nên trước mắt, những người trong lâu đài phải tự cứu lấy mình.

Hai giờ sau, đám SS tiến đến nơi và bắt đầu tấn công bằng súng chống tăng ngay trong những loạt đạn đầu tiên. Hai bên giao chiến ác liệt, những người lính Đức cũng xông pha không kém. Vài người trong số họ đã ngã xuống trước làn đạn của "quân mình".

Một góc lâu đài sụp đổ do sự tấn công dữ dội của hỏa lực từ phía Đức, nhưng Jack Lee vẫn giữ được thế trận, không để những tên biệt kích SS khét tiếng khát máu tràn vào bên trong. Cầm cự được hai ngày, đúng lúc đạn đã cạn, lực lượng liên quân phải lắp lưỡi lê vào súng, sẵn sàng cho việc phải đánh giáp lá cà với đối phương thì may mắn thay, quân chi viện từ Sư đoàn Bộ binh số 103 của Mỹ kéo tới nơi sau cuộc hành quân thần tốc. Mũi quân này nhanh chóng tiêu diệt toán lính SS Đức, giải cứu cho những người bên trong lâu đài Itter.

Tiêu điểm - Bí mật trận đánh lính Đức sát cánh cùng lính Mỹ (Hình 2).

Lâu đài Itter, nơi lính Mỹ - Đức cùng chung chiến tuyến.

Dư vị ngọt ngào của trận đánh "không tưởng"

Trận đánh kết thúc, toàn bộ những người còn sống trong lâu đài được đưa về doanh trại Sư đoàn Bộ binh 103. Những người thiệt mạng được chôn cất ngay trong khuôn viên lâu đài. Sau khi làm báo cáo tường trình chi tiết, Đại úy Jack Lee được lệnh cùng các binh sĩ của mình trở về Mỹ. Nhiều người tỏ ra không đồng tình với việc anh đã "bắt tay" với quân Đức, nhưng đó chỉ là ý kiến thiểu số.

Quan điểm chủ đạo của giới lãnh đạo nước này đều cho rằng, trong tình thế bắt buộc, đó là một sự mạo hiểm cần thiết. Nhiều tướng lĩnh Mỹ cũng ủng hộ việc làm của Jack và sự việc nhanh chóng được kết lại rằng, Jack Lee cùng đồng đội là những người anh hùng. Vài tháng sau, chàng sĩ quan trẻ này được nhận huân chương Thập tự chinh - một trong những phần thưởng cao quý nhất dành cho một quân nhân Mỹ.

Toán lính Đức - "đồng đội" của Jack Lee với nước Mỹ dù sao cũng vẫn bị liệt vào dạng kẻ thù. Ngay sau khi trận đánh kết thúc, họ bị bắt làm tù binh chiến tranh. Nhưng đó chỉ là hình thức. Nghĩa cử cao đẹp "bỏ chỗ tối tìm chỗ sáng" của những người lính này được nước Mỹ tri ân qua các hành động kín đáo.

Họ được đối đãi cực kỳ tử tế, được viết thư cho gia đình, ở phòng giam rộng rãi sạch sẽ với đầy đủ các vật dụng sinh hoạt. Sau khoảng một tháng tiến hành điều tra theo đúng thủ tục, toàn bộ những người này đã được trả tự do. Phía Mỹ thậm chí còn cung cấp lộ phí cho họ trở về Đức đoàn tụ cùng gia đình.

Có một điều mà trong cuốn sách của mình, nhà sử học Stephen Harding vẫn chưa thể giải đáp được là sự kiện này lại được phía Hoa Kỳ giấu kín suốt nhiều năm qua. Tất cả các tài liệu liên quan đều được xếp vào dạng "tối mật", với thời hạn giải mật lên đến 50 năm. Tất cả các nhân chứng của sự kiện này đều tuyệt đối im lặng cho đến tận lúc chết, không một ai nhắc đến chiến tích vô tiền khoáng hậu này nữa.

Tác giả cũng đưa ra lời giải đáp của riêng mình rằng, có lẽ quân đội Hoa Kỳ không muốn tình huống "thót tim" này lặp lại một lần nữa nên dù công nhận công lao của Jack Lee, họ hoàn toàn không có ý định biến anh thành "tấm gương sáng" cho các thế hệ sĩ quan chỉ huy hậu sinh noi theo. Stephen Harding cũng không quên nhấn mạnh rằng, đây chỉ là phỏng đoán mang tính cá nhân của ông, chứ trong hàng nghìn trang tài liệu mà ông được tiếp cận, không hề có một dòng nào nói về vấn đề này.      

 Hấp dẫn cả điện ảnh Hollywood

Sự thật không tưởng này hiện đang được chính các đạo diễn Hollywood tranh giành quyền chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Sự thật năm xưa vốn đã rất ly kỳ, dưới sự thêm thắt của môn nghệ thuật thứ bảy này, chắc chắn đây sẽ là một bộ phim "bom tấn" cực kỳ hấp dẫn, nhất là khi nó được giới thiệu "dựa trên một câu chuyện có thật". Sau khi "Trận chiến cuối cùng" được xuất bản ít lâu, dòng du khách đổ về tham quan tòa lâu đài Itter đã tăng lên chóng mặt. Ai cũng muốn ghé thăm nơi mà những người từng chĩa súng vào nhau, lại cùng đứng chung một chiến tuyến trong cuộc Thế chiến đẫm máu này.

An Mai (Theo Dailymail)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.