Xem thêm: Bí mật trong "công xưởng" sản xuất tiền giả: Kẻ cầm đầu không trình độ và xưởng in tềnh toàng cho ra lò gần 1 tỷ tiền giả
Công nghệ ngày càng phát triển. Cùng với những thủ thuật chụp, copy, xử lý bằng phần mềm… các đối tượng đã in những tờ tiền giả càng ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, nhiều vụ sản xuất tiền giả đã bị cơ quan công an triệt phá và những kẻ tham gia vào đường dây này đã phải trả giá bằng những bản án thích đáng.
Ngày 19/5, TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phi Thông 14 năm tù về tội làm, lưu hành tiền giả. Theo đó, 6 bị cáo Võ Văn Huệ, Nguyễn Văn Tính, Trương Hữu Phong, Nguyễn Thanh Liêm, Lý Trường Thành, Trần Vũ Trường bị phạt các mức án từ 3 đến 14 năm tù về tội danh này. Riêng bị cáo Mai Tuấn Khanh bị phạt 9 năm tù về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả.
Thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Phi Thông hành nghề in thiệp cưới ở khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Thông xem được đoạn video trong chuyên mục “Chuyện cảnh giác” đăng trên facebook nói về vụ án làm tiền giả. Ngay sau đó Thông đã lưu lại video này xem nhiều lần và thấy rằng cách thức làm tiền giả đơn giản nên đã nảy sinh ý định in tiền giả bán kiếm lời.
Nhận thấy việc làm tiền giả theo clip đó chỉ cần có máy tính, máy in màu, máy ép dẻo, màn nylon mỏng, dao rọc giấy… Trong khi đó, những công cụ này hắn có đầy đủ tại cơ sở in thiệp cưới của mình. Khi kế hoạch đã được vạch ra, công cụ có đầy đủ tại cửa hàng in thiệp cưới, Thông bắt tay vào in tiền giả với mệnh giá 500.000 đồng.
Bị cáo Huệ là người giới thiệu các bị cáo cho Thông để lưu hành 98 triệu tiền giả đã hoàn chỉnh nên phải chịu hình phạt về hành vi đồng phạm với Thông. Các bị cáo khác đã lưu hành, tàng trữ nhiều tiền giả lấy từ chỗ của bị cáo Thông. Các bị cáo lưu hành số lượng lớn tiền giả, làm lũng đoạn thị trường tiền tệ trong nước, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh xã hội.
Tội phạm về tiền giả là loại tội phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến trật tự xã hội và quá trình phát triển kinh tế, tài chính của đất nước cũng như đời sống của nhân dân. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là tăng cường và chủ động trong công tác nắm tình hình, đánh giá đúng thực trạng hoạt động của tội phạm, tham mưu kịp thời để tổ chức các biện pháp phòng ngừa xã hội, nghiệp vụ và pháp luật.
Dù công nghệ phát triển, tội phạm cũng qua đó mà nâng cao dần kỹ thuật in tiền giả khiến tiền giả ngày càng giống tiền thật, khó phân biệt bằng cách xem qua loa trong các giao dịch bình thường. Vì vậy để tránh rủi ro do nhận phải tiền giả, cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của đồng tiền và có thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch.
Hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả theo Điều 180 BLHS.
Tùy theo số tiền mà mức phạt tù được ấn định từ ba năm trở lên, có thể lên tới hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp rao bán tiền giả mà thực chất không có tiền giả để bán (chỉ là thủ đoạn để chiếm đoạt tiền), nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS.
Mời quý độc giả đón đọc tuyến bài Bí mật trong "công xưởng" in tiền giả trên Người Đưa Tin Pháp luật vào hàng ngày.
Trúc Chi (T/H)