Bí mật uống nước 'giếng âm hộ' cầu gì được nấy

Bí mật uống nước 'giếng âm hộ' cầu gì được nấy

Thứ 5, 24/10/2013 14:09

Từ lâu, Ba Vì đã nổi tiếng là một vùng đất thiêng với nhiều cây chuyện linh thiêng, huyền bí. Trong đó có “giếng thần” mà người Mường nơi đây gọi là Pó Ché, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là âm hộ.

Núi bồng đảo, giếng âm hộ

Con đường dẫn chúng tôi đến địa điểm thiêng này chạy vòng quanh những triền núi cao của Ba Vì. Khi hỏi đường tìm đến “giếng thần”, được coi là bảo vật của người dân xã Vân Hòa, tới đâu, chúng tôi cũng nhận được những chỉ dẫn rất cặn kẽ cùng câu hỏi: “Chú đến xin nước thánh à?”. Dừng chân tại nhà ông trưởng thôn làng Nghe, được ông kể cho nghe những giai thoại kì bí xung quanh chiếc giếng cổ đã gắn với người dân nơi đây từ xa xưa.

Theo lời kể của ông, xưa kia nơi đây là vùng đất sinh sống của người Mường cổ, giếng nước này được đặt tên theo tiếng của người Mường là Pó Ché, dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là âm hộ. Tương truyền rằng, giếng âm hộ chính là một phần cơ thể của công chúa Ngọc Hoa, con gái vua Hùng đời thứ 18.

Cô công chúa được gả cho Sơn Tinh (Thánh Tản Viên – một trong tứ bất tử linh thiêng trong thần thoại Việt Nam). Chính cuộc hôn này đã tạo nên mối thù truyền kiếp giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh (giống như trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh).

Sau khi mất, cơ thể nàng công chúa “nhập thần” vào núi đá nơi này. Mà dấu ấn dễ nhận biết nhất chính là hai ngọn núi mang hình bồng đảo, giếng nước thần mang hình âm hộ. Đối chiếu với truyền thuyết trong lịch sử thì thấy hoàn toàn trùng khớp.

Giếng âm hộ chỉ rộng chừng 1m2 sâu khoảng 50cm2, nguồn nước được chảy từ trong lòng núi ra. Từ núi âm hộ nhìn chếch về phía đông là hình ảnh bộ ngực khổng lồ của thiếu nữ được hiện lên sau làn mây trắng mờ ảo. Hai linh vật này tạo nên sự hài hòa Âm – Dương hiếm nơi nào có được. Theo Phong thủy thì vị trí dưới “gầm trời” có ảnh hưởng lớn tới việc tạo nên địa linh. Nơi đây là nơi khởi nguyên của Phái Đạo giáo Thần Tiên của Việt Nam.

Và là nơi thờ của nhiều ông Tổ giáo phái là Chử Đồng Tử, thần Tản Viên (Sơn Tinh) và nhiều tiên thánh khác. Nhiều câu chuyện huyền bí về các đạo sĩ tu thiền trên núi và có nhiều phép lạ còn lưu truyền ở nơi đây. Tuy nhiên, đến nay hầu như những người dân làng Nghe không ai có thể xác định chính xác được giữa trùng trùng núi đá thì đâu là hai ngọn núi “bộ ngực” trong truyền thuyết.

Xã hội - Bí mật uống nước 'giếng âm hộ' cầu gì được nấy

Giếng âm hộ và ngôi đền linh thiêng.

Khu vực giếng thần ngày xưa là một khu rừng rậm rạp, nơi đây có nhiều loài động vật quý hiếm như: hổ, voi, báo, rắn… Thế nên, người dân không dám sống tại khu vực này. Giếng thần hầu như bị bỏ hoang, chỉ có trong những giai thọai của người dân làng Nghe. Sau năm 1954, có một gia đình Việt Kiều người Pháp về Ba Vì thăm gia đình rồi muốn ở lại đây sinh sống.

Gia đình này sống ở khu vực có giếng âm hộ. Có một cặp rắn thần chẳng rõ từ đâu đến cứ ngày ngày xuất hiện ở bên cạnh giếng âm hộ. Gia đình Việt kiều sợ hãi mới bán khu đất này đi đến nơi khác sinh sống. "Trước khi mua đất ở đây, nghe nói có đôi rắn thần xuất hiện ở khu vực này thì tôi không dám mua. Giếng âm hộ là một khu vực tâm linh, một kì quan hiếm có, nghĩ mình có duyên với nơi này.

Mình không mua để mảnh đất này rơi vào tay người khác, nếu họ không biết tôn trọng những giá trị linh thiêng thì sẽ phá giếng đi mất. Thế nên, tôi mua lại khu đất này, xây rào bao quanh để bảo vệ giếng" - tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chủ nhân của khu vườn có giếng âm hộ nói.

Có một điều đặc biệt rằng, giếng âm hộ luôn luôn có nước. Nhiều năm hạn hán lớn, nước giếng của các hộ dân nơi đây đã cạn khô hay nước của các hồ xung quanh đây đã cạn tới khô đáy. Điều đặc biệt nhất là giếng âm hộ vẫn có một nguồn nước róc rách trong vắt, ngọt lành đến kì lạ. Từ đấy, người dân làng thường ra giếng lấy nước về sinh hoạt.

Lâu dần người dân truyền tai nhau về tác dụng chữa bệnh của nước giếng linh thiêng. Họ cho rằng uống nước giếng trong mát nơi đây cho cảm giác sáng khoái, dễ chịu, người uống không chỉ mạnh khỏe, chống được bệnh tật mà còn gặp may mắn trong cuộc sống.

Khu vực xung quanh “giếng âm hộ” cũng được cho là vùng đất thiêng, những người sống trong khu vực này đều rất “tránh” đụng vào những chuyện “cấm”. Ông Lê Văn Hùng (xã Vân Hòa) cho biết: “Tôi được sinh ra và lớn lên ở khu vực này, từ khi còn bé, tôi đã thấy dãy núi hình bộ ngực của thiếu nữ và giếng âm hộ.

Truyền thuyết nói đây là hình ảnh của công chúa Ngọc Hoa sau khi mất đã hóa thân vào đất nơi này. Vì thế mà chỉ có phụ nữ mới được tắm tại giếng thần này. Và cũng chỉ có phụ nữ mới được lấy nước giếng nơi đây về dùng. Nếu đàn ông dám đụng đến nước giếng thì sẽ bị thần trừng phạt.

Những ai đến thành tâm thắp hương xin nước giếng uống thì về sẽ gặp may mắn, còn những người tới giếng mà buông lời tục tĩu hoặc làm việc bậy bạ ở giếng thì sẽ bị trừng phạt. Trước đây có người đàn ông trong làng cởi hết quần áo vào múc nước giếng tắm, khi về thì bị ngứa ngáy khắp người, da nổi những nốt lạ chạy chữa khắp nơi mà không khỏi phải tới khi làm lễ cầu khấn, tạ lỗi tại miếu thờ giếng thì mới đỡ bị “hành”.

Khi PV có mặt tại giếng thần, có một số người từ nơi khác đến để xin nước giếng thần để uống. Chị Nguyễn Thị Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) đang hành lễ để xin nước tại giếng âm hộ cho biết: “Mình nghe nhiều người nói nước thần ở giếng Pó Ché rất linh thiêng.

Ai đến đây thành tâm cầu nguyện rồi xin nước thần uống thì sẽ cầu được ước thấy. Có một vài người bạn của mình cho biết là giếng nước này rất thiêng, họ đến đây xin nước uống và mong ước được toại nguyện. Vợ chồng mình lấy nhau đã 5 năm nhưng chưa có con, chạy chữa khắp nơi mà không có kết quả. Nghe nói phụ nữ khi uống nước giếng này sẽ có “linh ứng” nên mình đến đây xin”.

Sự thật về khả năng chữa bệnh của nước “giếng thần”?


“Chúng tôi là người nghiên cứu nhiều năm về vùng đất Ba Vì, quả thật nơi đây có nhiều điều thật kì bí và linh thiêng. Từ nhiều đời nay, người dân nơi đây vẫn vẫn liên tưởng hình ảnh giếng âm hộ với bộ ngực khổng lồ trên núi Ba Vì có mối quan hệ khăng khít với nhau.

Nhiều người cho đó là biểu tượng của công chúa Ngọc Hoa con gái Hùng Vương thứ  18 trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì cũng có nhiều điều linh ứng, trùng khớp với những điều người dân nơi đây lưu truyền” – PGS. TS Tạ Hòa Phương, chủ nhiệm bộ môn Địa chất Lịch Sử, trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định.

Trao đổi với PV về việc này, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam cho biết: “Theo tôi được biết thì không có một nguồn nước nào có thể chữa được bách bệnh hết. Những nguồn nước được chảy ra từ lòng núi sâu thường chứa một lượng khoáng chất lớn và rất tốt cho cơ thể. Bồi bổ sức khỏe cho con người chứ không phải là chữa được bách bệnh gì cả.

Tuy nhiên, bên cạnh lượng khoáng chất ấy, những nguồn nước này còn chứa một lượng tạp chất rất lớn, nhất là khi nó được chảy lộ thiên như ở giếng âm hộ thì nguồn nước này hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh cho người dân sử dụng trực tiếp.

Nguồn nước này hoàn toàn không đạt các yêu cầu về vệ sinh và đều phải được xử lý trước khi đưa vào sử dụng. Những câu chuyện truyền miệng của người Mường từ xa xưa đến nay rất khó kiểm chứng được. Nhưng sự nguy hại cho sức khỏe của người dân từ một niềm tin sai lầm thì đã rõ ràng. Người dân sử dụng nguồn nước này một cách trực tiếp về lâu dài sẽ gây nên nhiều căn bệnh về đường ruột, về thận…

Người dân không nên tiếp tục sử dụng nguồn nước này để tránh rước bệnh vào thân. Nếu người dân muốn sử dụng được nguồn nước này thì tối thiểu cần phải đưa nó vào lọc trong bể cát để lọc bỏ thạch tín và nhiều tạp chất độc hại khác cho cơ thể con người”.

BTV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.