Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin về một bộ lư bằng đá chạm khắc có giá trị 15 tỷ đồng nhưng chủ sở hữu vẫn không bán.
Được biết, đây là một sản phẩm được chạm trổ thủ công và ra đời vào những năm 2010, do ông Phạm Nhật Minh (SN 1941, ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) – Giám đốc công ty Cổ phần Mỹ nghệ Minh Đức sở hữu.
Bộ lư xác lập kỷ lục Việt Nam
Tìm đến nhà riêng của ông Minh trên phố Tân Mai để tìm hiểu về bộ lư đá độc đáo này, PV không bất ngờ khi ông sở hữu căn nhà 3 tầng với khoảng sân vườn mênh mông hiếm có ở đất Hà Nội. Ngoài ra, ông Minh còn 1 xưởng sản xuất chạm đá rộng rãi, cao 4 tầng nằm ở mặt tiền cạnh nhà. Ông bảo đây chỉ là xưởng phụ, xưởng chính ông đặt bên Gia Lâm và Đông Anh.
Đề cập ngay vào câu chuyện liên quan đến bộ lư, ông Minh kể, ông xuất thân vốn là một kỹ sư địa chất chuyên về đá quý, sau đó chuyển sang nghề chạm trổ đã được ngót 30 năm. Đến nay, cả gia đình con cái ông đều theo nghiệp chạm trổ đá.
Ông Minh vừa là chủ sản xuất vừa là chủ sở hữu nhiều tác phẩm điêu khắc đá tinh xảo, có giá trị cao. Đặc biệt, phải kể đến hàng loạt các bộ sản phẩm bằng đá được điêu khắc, chạm trổ nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong số đó, đáng chú ý nhất là bộ lư đá có tên “Tam bảo Vĩnh Hằng” mà theo ông tiết lộ, từng được người Trung Quốc trả đến 15 tỷ đồng nhưng ông không bán.
Theo giới thiệu của ông Minh, đây là bộ lư được làm hoàn toàn bằng đá tự nhiên, loại đá nguyên khối Pyrophyllite (đá bán quý) có nguồn gốc từ mỏ đá ở tỉnh Quảng Ninh. Bộ lư gồm 3 sản phẩm: Một lư hương bằng đá có đường kính 45cm mang ý nghĩa trùng với năm Cách mạng Tháng Tám thành công.
Chiều cao của lư hương là 118cm được chạm khắc lấy bối cảnh “lưỡng long tranh châu” và đôi lọ hoa có đường kính 40cm, cao 108cm được chạm khắc cảnh sinh hoạt của người Việt cổ. Riêng thân chiếc lư hương được chạm khắc 83 con rồng, trùng với số năm Thìn xuất hiện trong lịch sử tính đến thời điểm 1.000 năm Thăng Long. Vào tháng 9/2015, bộ lư đá này được xác lập kỷ lục Việt Nam về chạm khắc 3 lớp trên đá với kích thước lớn nhất, tinh xảo nhất, cầu kỳ và công phu nhất.
Giá 15 tỷ đồng và hơn thế nữa…
Chứng minh lời nói về giá trị của bộ lư đá, ông Minh làm một thí nghiệm cho PV xem. Ông cầm ra một gáo nước to, vừa đi ông vừa té mạnh vào bộ lư và quả nhiên sau khi được té nước, bộ lư đá trở nên lấp lánh đủ màu sắc, khác xa lúc ban đầu.
Giải thích với PV, ông Minh cho biết, đó là thí nghiệm để chứng tỏ rằng bộ lư đá được làm bằng đá tự nhiên, không qua nhuộm màu thủ công. Giá trị của bộ lư đá được ông Minh “tiết lộ” rằng nó nằm ở phần tinh xảo và mang ý nghĩa, bản sắc dân tộc. Ông Minh nhấn mạnh: ”Trong đời làm nghề chạm đá, ông không dễ có được những sản phẩm độc đáo như bộ lư này”.
Theo ông Minh, để có được bộ lư như hiện nay, ông đã rất may mắn khi vào dịp đó, công ty tình cờ mua được 3 khối đá nguyên khối, mỗi khối nặng trên 1 tấn. “Thông thường, để có một khối đá to đã hiếm, đây lại là đá nguyên khối không có sạn, bởi nếu đá có sạn thì không thể chạm được từng chi tiết như thế”, ông Minh thổ lộ.
Ông Minh cho biết, giá đá thời điểm ông mua không phải là đắt, hơn nữa do mua quen nên giá đá chỉ khoảng 4 ngàn đồng/kg, tổng cộng hơn 3 tấn đá chạm bộ lư, ông mua hết chưa đến 50 triệu đồng.
Để khắc được bộ lư, ông Minh chia công nhân của công ty ra làm 2 nhóm, mỗi nhóm 4 người và kèm 1 nghệ nhân có “bàn tay vàng”. Một nhóm chỉ phụ trách chạm lư hương, nhóm còn lại phụ trách chạm cặp lục bình.
Theo ông Minh, việc chạm bộ lư này rất đặc biệt. Các nghệ nhân chỉ làm vào ban đêm vì khi đêm xuống yên tĩnh, người nghệ nhân mới có thể tập trung được. Kể từ ngày khởi công đến ngày hoàn thiện 3 sản phẩm, các nghệ nhân làm mất đúng 1.000 đêm. “Vị chi ngày công cho một nghệ nhân có bàn tay vàng là khoảng 1 triệu đồng/ngày. Do đó, chỉ tính riêng tiền công thì bộ sản phẩm này đã tốn khá nhiều tiền”, ông Minh phân tích.
Cũng theo ông Minh, để có được độ tinh xảo như hiện giờ, các nghệ nhân phải sử dụng kỹ thuật chạm khắc 3 lớp trên đá. Đây là kỹ thuật cao nhất trong nghề chạm đá.
Theo ông Minh, sau khi ông trưng bày bộ lư, nhiều nghệ nhân cũng như giới đại gia chơi đá quý trong nước biết đến, thậm chí có nhiều thương lái Trung Quốc ra giá đến 15 tỷ đồng nhưng ông không bán. “Nhiều gười ở làng Đồng Kỵ, Gia Lâm và ở cả Trung Quốc sang nhìn thấy đều khen ngợi. Ở trong nước có người trả giá 10 tỷ đồng, riêng khách Trung Quốc gạ tôi bán giá 15 tỷ đồng nhưng tôi không bán", ông Minh khẳng định.
“Ông vua đồ đá” Hà thành cho hay: “Tôi làm nghề này cũng vị nghệ thuật chứ không quan niệm nghệ thuật vì tiền bạc, lợi nhuận, 15 tỷ đồng chứ đắt hơn tôi cũng không bán bởi với tôi bộ lư này là vô giá. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, không sản xuất hàng loạt được, có cái không thể làm ra cái thứ 2. Chính vì thế, tôi muốn giữ lại để tổ chức các cuộc triển lãm cho mọi người chiêm ngưỡng”, ông Minh phân trần.
Ngoài ra, ông Minh còn sở hữu nhiều tác phẩm chạm khắc đá tinh xảo khác như bộ "Cửu long tranh châu" đã có người đặt mua với giá 300 triệu đồng, bộ "Tháp Chàm" được xuất khẩu đi nhiều nước, giá gần 100 triệu đồng, đặc biệt là 1 bộ lư hương bằng đá thường có giá 500 triệu đồng cũng sắp được ông mang bán.
Nhất Nam