Bí mật về chiếc mũ thiết triều vua nhà Nguyễn

Bí mật về chiếc mũ thiết triều vua nhà Nguyễn

Thứ 5, 26/09/2013 16:21

Chiếc mũ dùng để đội trong lúc thiết triều của vua Nguyễn được trang trí tinh xảo hình rồng 5 móng, mây và mặt trời được làm từ những chất liệu quý giá như: Vàng, đá quý, vải quý... đang được trưng bày trong bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ít ai biết rằng, chiếc mũ ấy đã có hành trình "gian nan" như thế nào.

Báu vật được bảo vệ nghiêm ngặt

Đến bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong những ngày này, nhiều du khách vô cùng sửng sốt trước hàng loạt những báu vật hoàng cung được trưng bày trong chuyên đề "Trang sức cổ Việt Nam". Gần 100 hiện vật quý từ thời tiền sử đến thời Nguyễn hấp dẫn những người yêu  lịch sử Việt Nam. Trang sức trong cung đình thời Nguyễn hoàn mỹ trong kỹ thuật chế tác và đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Được đặt ở vị trí trang trọng là chiếc mũ của vua triều Nguyễn mang tên Xung thiên, dùng đội trong những buổi vua thiết triều. Chiếc mũ Xung thiên này được trang trí tinh xảo hình rồng 5 móng, mây và mặt trời với những chất liệu quý giá như: Vàng, đá quý, vải quý...

Được biết, để những thế hệ con cháu sau này hình dung được một mảng lịch sử với phần phục trang thiết triều của các vị vua triều Nguyễn, nhóm các chuyên gia đã tốn không ít công sức, trong một thời gian dài đến hàng năm trời. Bởi trước khi bảo tàng Lịch sử Việt Nam khôi phục hình dáng mũ như hiện nay, báu vật hoàng cung này đã "long đong lận đận" qua những hành trình dài, chịu sự tác động của nhiều nhân tố khác nhau, khiến các bộ phận của mũ bị hư hỏng nặng.

Xã hội - Bí mật về chiếc mũ thiết triều vua nhà Nguyễn

Chiếc mũ sau khi được phục hồi và trưng bày tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Việc xác định hình dáng và kích thước của từng mũ khó khăn nhưng việc đan dựng cốt mũ bằng sợi đồng 0,26mm cũng không hề dễ. Ban đầu, các chuyên gia gia công cốt bằng gỗ có kích thước chuẩn để làm khuôn và đan nhưng không thành. Một số nhân viên dự án đề xuất phương án đan ngoài rồi ghép vào nhưng sợi đồng quá nhỏ không thể căng được. Các chuyên gia có sáng chế dệt sợi đồng như dệt vải rồi ghép thành cốt mũ. Việc nghĩ ra cách làm khung như khung dệt vải để dệt sợi đồng được nhóm dự án coi như một sáng kiến nhỏ để giải được bài toán này.

Tháng 9 năm 1945, sau khi Pháp buộc phải bỏ chạy, Nhật đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện, vua Bảo Đại đọc bản Tuyên ngôn thoái vị với câu nói nổi tiếng: "Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị". Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã trao ấn tín cho đại diện của Chính phủ lâm thời Việt Nam là cụ Trần Huy Liệu. Những bảo vật một thời, tượng trưng cho sự uy lực, xa hoa của triều đình nhà Nguyễn đã được đưa lên chiến khu V cất giữ, bảo quản. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà, kỹ sư cao cấp, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, bảo quản của bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì chiếc mũ Xung thiên này là một trong những bảo vật còn lại ít ỏi của cung đình trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Nó được chế tạo từ nhiều chất liệu quý, hiếm nhất.

Chiến tranh tiêu tốn nhiều nhân lực và vật lực, cuộc sống của cán bộ chiến sỹ vô cùng thiếu thốn khó khăn. Vì thế, đã có lần Ủy ban kháng chiến liên khu V đề nghị Chính phủ sung công quỹ chiếc mũ Xung thiên và nhiều báu vật hoàng cung khác, để lấy tiền phục vụ kháng chiến. Tuy nhiên, ý thức được giá trị cũng như vai trò lịch sử của những báu vật này, Chính phủ lâm thời vẫn cố gắng giữ lại. Năm 1954, khi miền Bắc được giải phóng, bộ Tài chính nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp nhận sưu tập bảo vật và chuyển về bộ Văn hóa. Từ đây, sưu tập bảo vật mới được đưa về bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ và bảo quản.

TS. Hà cho hay, vì là những báu vật có giá trị lớn nên việc bảo vệ nó rất nghiêm ngặt. Đến ngày nay, những người làm công tác bảo tàng vẫn còn nhắc nhở nhau câu chuyện đã diễn ra từ năm 1962 (của thế kỷ XX). Đó là khi một chiếc ấn  trong số bảo vật triều Nguyễn được đem ra trưng bày bị mất cắp. Phải mất một thời gian dài, công an mới tìm được thủ phạm. Trước tình hình an ninh không được đảm bảo như vậy, cơ quan chức năng quyết định đem gửi tất cả những báu vật tiếp nhận được trong đó có mũ Xung thiên, gửi tại kho của ngân hàng Nhà nước, đến năm 2007 mới đưa trở lại bảo tàng.

Do không được bảo quản theo đúng chế độ của kho bảo quản hiện vật và không có sự chăm sóc của những cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng trong suốt thời gian dài, nên những bảo vật này xuống cấp nghiêm trọng. TS. Hà cho hay, hầu hết các cổ vật đều bị xỉn màu, không còn giữ được đặc trưng của kim loại quý. Bụi bẩn dính nhiều. Đặc biệt có nhiều cổ vật, cán bộ kiểm kê, viết trực tiếp lên hiện vật bằng nhiều loại mực. Nhiều loại hiện vật không còn giữ được hình hài ban đầu mà cong vênh và gãy giập. Trong khi đó, bức hình chiếc mũ trên đầu vua mà đội nghiên cứu có rất mờ. Dựa vào những cứ liệu đó, các chuyên gia đầu ngành đều nhận thấy muôn vàn khó khăn đang đón đợi trong hành trình khôi phục lại hình dáng ban đầu của chiếc mũ Xung thiên.

Xã hội - Bí mật về chiếc mũ thiết triều vua nhà Nguyễn (Hình 2).

Phục chế cổ vật.

Kỳ công tìm cách khôi phục

Những thách thức của thời gian

Khó khăn trong quá trình tìm lại hình dáng cho chiếc mũ vua đội trong lúc thiết triều này không chỉ dừng lại ở đó. Bởi các kim loại quý đính trên mũ hầu hết đều đã chuyển màu, bụi bẩn. Hơn nữa, trong quá trình lưu giữ, bảo quản những kim loại này bị dính nước bọt của con mối, một loại rất khó tẩy rửa. Dù các chuyên gia đã nghiên cứu tài liệu kết hợp với kinh nghiệm của các nghệ nhân kim hoàn, dùng một số chất tẩy nhưng không có hiệu quả. Sau một thời gian khá lâu, cả hội đồng lại phải mày mò thử nghiệm mới tìm ra giải pháp thích hợp.

Trước tình hình trên, bảo tàng Lịch sử Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng khoa học, Ban dự án và tổ tư vấn gồm các kỹ sư, nhà khảo cổ, các nhà khoa học về lịch sử, mỹ thuật được đào tạo bài bản nhằm tập trung trí tuệ cao nhất. Để có tư liệu về chiếc mũ Xung thiên, các chuyên gia trong đoàn đã mất hơn nửa năm khảo sát, nghiên cứu và tham quan ở các bảo tàng, đền đình, chùa tại các địa phương, khảo sát tại bảo tàng Cung đình Huế  thuộc trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế và các lăng mộ. May mắn thay, tại lăng vua Khải Định có tượng vua mặc lễ triều phục. "Nhìn thấy chiếc mũ trên đầu tượng vua, chúng tôi như mở cờ trong bụng, vì có một tư liệu xác thực nhất để đối chiếu với chiếc mũ đang phục dựng. Ban dự án nghiên cứu kỹ từng chi tiết và chụp ảnh để lấy tư liệu", TS.Nguyễn Mạnh Hà nhớ lại khoảnh khắc vui mừng đó.

Từ những tư liệu đã có, ban dự án xây dựng được phương án và các giải pháp kỹ thuật để bảo quản, tu sửa và phục hồi mũ triều phục. Để phục hồi được bảo vật triều Nguyễn này như mong muốn, các nhà khoa học đã thực hiện một quy trình hết sức cẩn trọng và nghiêm túc. Đầu tiên, là công việc khảo sát, đánh giá hiện trạng của các bảo vật, tìm hiểu về thực tế của các mỹ, khay ở các đình đền, chùa trong cả nước, sau đó nắn chỉnh và ghép các mảnh vào để định dạng chi tiết các bảo vật. Nghiên cứu xác định các chất liệu chính ở từng bảo vật, nghiên cứu cấu tạo, đặc điểm của từng loại chi tiết. Dựa vào những tài liệu, kết hợp tư duy phân tích, các nhà khoa học đã xây dựng bản vẽ, mô hình giả định. Sau đó, trình hội đồng và tổ tư vấn, phương án mới được thông qua và tiền hành triển khai.

Theo TS. Hà, phục hồi lại mũ triều phục là công việc khó khăn nhất của dự án, bởi chúng không còn nguyên hình hài. Công việc khó nhất là dựng phom mũ. Bởi nó còn dựa vào  kích thước của những chi tiết cơ bản như vành đai vòng quanh chân mũ để có được đường kính bác sơn để có được chóp mũ, vành đai dựng để được chiều cao mũ... Để có được phom mũ, các chuyên gia đã phải gia công thử tới 56 cái. Đặc biệt là việc sắp xếp các chi tiết như rồng, hoa văn trang trí... trên mũ ra sao cho đúng lại là việc rất khó. Đến lúc này, nhóm thực hiện lại phải nhờ đến các nhà nghiên cứu về Huế, đọc thêm tài liệu để hiểu về quy luật bố trí sắp xếp thời bấy giờ.

Nói vậy, tuy nhiên đi vào quá trình thực tế thì các chuyên gia gặp không ít khó khăn. Chỉ riêng vùng vành sau mũ các chuyên gia đã phải mất hàng tháng mới giải xong được bài toán. Nhiều chỗ phải khảo sát chi tiết dấu vết còn sót lại mới đặt được đúng vị trí vật trang trí của chiếc mũ. Mỗi công đoạn phục hồi lại bảo vật này đều rất khó khăn mà theo như TS. Hà nó là những bài toán khó cần sự góp sức lực, trí tuệ của cả nhóm. Ông hy vọng rằng, với công trình kỳ công của nhóm chuyên gia, thế hệ trẻ có thể hiểu được phần nào phục trang của các vị vua thời xưa, từ đó thấu hiểu và thêm yêu lịch sử nước nhà.

Việc xác định hình dáng và kích thước của từng mũ khó khăn nhưng việc đan dựng cốt mũ bằng sợi đồng 0,26mm cũng không hề dễ. Ban đầu, các chuyên gia gia công cốt bằng gỗ có kích thước chuẩn để làm khuôn và đan nhưng không thành. Một số nhân viên dự án đề xuất phương án đan ngoài rồi ghép vào nhưng sợi đồng quá nhỏ không thể căng được. Các chuyên gia có sáng chế dệt sợi đồng như dệt vải rồi ghép thành cốt mũ. Việc nghĩ ra cách làm khung như khung dệt vải để dệt sợi đồng được nhóm dự án coi như một sáng kiến nhỏ để giải được bài toán này. 

Thành Huế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.