Bí mật về Liên đội tình báo trên núi Bà Đen

Bí mật về Liên đội tình báo trên núi Bà Đen

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Ngày nay, khi du khách đến núi Bà Đen (Tây Ninh) đều nhìn thấy tượng dũng sĩ Bà Đen được xây dựng uy nghi.

Bên cạnh tượng dũng sĩ, núi Bà Đen còn có rất nhiều hang động, dốc núi, con suối ghi dấu những trận đánh ác liệt của nhiều lực lượng trong cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm.

Liên đội 7, một đơn vị trinh sát có thời gian bám và giữ núi lâu nhất đã lập nhiều chiến công hiển hách. Chúng tôi may mắn gặp được ông Trần Lê, năm nay đã 82 tuổi, nguyên Chính trị viên Liên đội 7 anh hùng và nghe ông kể nhiều câu chuyện về Liên đội "tai mắt" này.

Cuộc chiến một mất một còn

Khi chúng tôi đến, ông Trần Lê (hay còn gọi là Ba Lê) chia sẻ, đang chuẩn bị thư mời gửi cho anh em đồng đội về họp mặt tại Tây Ninh. Hiện nay, ông Lê là trưởng ban liên lạc của Liên đội 7 tại Tây Ninh. N

ói chuyện với chúng tôi, ông Lê chia sẻ, công lao không chỉ thuộc riêng về Liên đội 7 mà còn rất nhiều đơn vị khác. Điển hình như đoàn Hậu cần 82, Trung đoàn 16, Trung đoàn 205… Tuy nhiên, Liên đội 7 là đơn vị bám trụ lâu nhất, 13 năm ròng.

Được ví là đơn vị "tai mắt" chuyên cung cấp những thông tin quan trọng về mặt trận cho bộ Chỉ huy Miền, Trung ương Cục miền Nam rồi nhận chỉ đạo từ các quân khu, Liên đội 7 được nhiệm vụ đi khảo sát và triển khai cắm chốt trinh sát tại phía Bắc núi Bà Đen, lập đài quan sát, nắm bắt tình hình diễn biến khi vào căn cứ địa của R (Trung ương Cục miền Nam), phối hợp chiến đấu để chặn bước tiến của Mỹ - Ngụy.

Xã hội - Bí mật về Liên đội tình báo trên núi Bà Đen

Máy bay phản lực A-37B của không quân Mỹ trên chiến trường Tây Ninh giai đoạn 1967 – 1975.

Ông Lê chia sẻ: “Ngày ấy, đóng trên núi với quân số rất ít, ở xa hậu cứ, xa dân, địa hình độc lập, dễ bị chia cắt bao vây, ăn ở trong hang đá vất vả, bệnh sốt rét hoành hành, thiếu thốn mọi mặt nhưng anh em quyết tâm bám trụ, giữ vững căn cứ.

Chính vì lực lượng tai mắt này mà Mỹ - Ngụy hết sức điên cuồng. Chúng cho ném bom, cả B52, chất độc hóa học nhằm tiêu diệt các đơn vị đóng trên núi Bà. Nhưng mọi âm mưu của chúng đều thất bại".

Ông Lê cho biết, núi Bà Đen có rất nhiều đá gộp, tạo thành những cái hang thông với nhau, chạy vòng quanh trong lòng núi. Để đi lại được trong hang, các chiến sỹ đã nghĩ ra cách giăng các sợi kẽm phía trên rồi gắn thòng các lon sữa bò ngay chỗ ngã ba, ngã tư để làm dấu chỉ đường.

Họ còn dùng kí hiệu riêng để biết đi hướng nào, đến đâu. Ví như lắc lon sữa 2 cái là rẽ phải, 3 cái là rẽ trái, rồi khi báo hiệu cho các trạm thì lắc leng keng. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao ngày xưa Mỹ - Ngụy chiếm đỉnh và chân núi Bà Đen mà quân ta vẫn có thể đóng căn cứ ở giữa lung chừng núi, sống khỏe, diệt địch tốt trong nhiều năm liền.

Tại núi Bà Đen, Mỹ bố trí Lữ đoàn 196, lại được tăng cường thêm không quân, xe tăng và 5 cụm pháo binh: Dầu Tiếng, Trảng Lớn, Dốc Ông Tà, Bàu Cỏ và Khe Đon sẵn sàng chĩa bắn phá vào núi Bà Đen, nơi đóng quân của Liên đội 7 và nhiều đơn vị khác.

Nhiều đợt, với hàng ngàn các quả pháo các cỡ, cùng với các loại bom xăng, bom cay, chất độc hóa học chúng bắn phá điên cuồng nhưng không diệt được Liên đội 7 cũng như các cơ sở cách mạng khác.

Có lần, từ trên đỉnh đánh xuống, dưới chân núi đánh lên, bọn Mỹ - Ngụy kiên quyết bắt gọn hoặc tiêu diệt sạch Việt cộng trong lòng núi Bà Đen, xem đây là mồ chôn Việt cộng nhưng chúng đều thất bại.

Ông Lê nhớ lại: "Dưới thì Lữ đoàn 196 tiến lên, trên có Tiểu đoàn biệt kích 81 bò xuống, thêm vào đó, bọn chúng có cả pháo chỉ điểm đốt liên tục. Chúng dội bom, pháo, hóa chất cả ngày nhưng không thấy hiệu quả gì, không diệt được một ai.

Trong khi đó, anh em chiến sỹ cứ bình tĩnh mai phục và tiêu diệt những xe tăng, lính Mỹ - Ngụy khi chúng tiến gần tới khu lưng chừng núi. Hết ngày, Liên đội 7 đã tiêu diệt 3 xe tăng và nhiều tên địch. Cứ thế, ở dưới chúng cứ nhấp nhổm không dám lên, mà ở trên cũng không dám xuống khu lưng chừng núi".

"Không phải lúc nào Mỹ - Ngụy cũng đánh liên tục cả ngày liền mà chúng đánh theo từng đợt. Có khi bất ngờ, có khi là định kỳ, vài ba tiếng chúng công kích một lần. Trong những lúc giải lao định kỳ, các chiến sỹ của ta tự do đi lại hút thuốc, nghiên cứu tình hình hoặc bàn bạc tác chiến.

Trong một lần vào giờ nghỉ giải lao, đồng chí Trần Minh Thệ, lúc đó là thiếu úy, tiểu đội trưởng đi hút thuốc và đang về vị trí thì bất ngờ địch ném bom. Loạt bom rơi ngay trước cửa hang của đồng chí, trong khi hang này không có hang nhánh, thế là đồng chí bị đá kẹp hy sinh. Rất buồn là lúc ấy không có cách nào để đưa được xác đồng chí ra ngoài.

Tôi và đồng chí Hoàng Thao phải dùng nhiều thứ đốt thiêu hủy xác đồng chí, tránh để xác phân hủy gây ra mùi cho đơn vị. Sau này, tôi nghe tin có người tìm thấy một số xương cốt tại vị trí này nhưng rồi do không biết đích xác nên mọi người chỉ lập một ngôi mộ tượng trưng để tưởng nhớ đồng chí", ông Lê ngậm ngùi nói.

Chiến đấu trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”

Ông Lê cho biết, lính trinh sát của Liên đội 7 đa số được lấy từ bộ binh, các anh em đều có sức khỏe, nhanh nhẹn và nhiều người có trình độ văn hóa (để vẽ sơ đồ).

Song quan trọng và cơ bản nhất là phải dũng cảm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Có khi đi làm nhiệm vụ chỉ với một hoặc vài ba đồng chí, nếu bị địch phát hiện thì chỉ có mất mạng. "Do vậy lòng dũng cảm, mưu trí đối với trinh sát chúng tôi được xem là yếu tố thành công đầu tiên", ông Lê nói.

Xã hội - Bí mật về Liên đội tình báo trên núi Bà Đen (Hình 2).

Ông Trần Lê.

Trong quá trình bám trụ và giữ căn cứ, các chiến sỹ cũng đã phải vận dụng rất nhiều phương thức để tồn tại. Bên cạnh việc hứng chịu bom đạn, chất độc hóa học thì còn phải chiến đấu với việc sinh tồn.

Nhiều ngày, cán bộ chiến sỹ phải ăn cháo trộn rau, muối là chuyện thường. Có lúc tình hình căng quá, việc tiếp tế của nhân dân quanh vùng rất khó khăn và nguy hiểm nên các chiến sỹ nghĩ ra cách, lấy đất bùn rải trên các tảng đá của núi Bà Đen rồi gieo hạt rau trên đó.

Từ đó, cũng có nguồn rau cung cấp cho cán bộ chiến sỹ. Riêng vũ khí, đạn dược thì thu của địch rồi bổ sung vào các kho được bố trí rất nhiều trong các hang, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào.

Ông Lê kể, cách khoảng vài chục mét lại có một một kho súng đạn, vì thế, một chiến sỹ khi ở vị trí này tác chiến, nếu thấy vị trí kia thuận lợi hơn để diệt địch thì lập tức di chuyển qua. Chính vì thế, quân số ít nhưng lúc nào cũng đánh được trên diện rộng, làm cho Mỹ - Nguỵtrở tay không kịp.

Một ưu thế là anh em đều thuộc địa hình, có sự hỗ trợ của các đơn vị, bám trụ quanh núi Bà Đen như Huyện đội Tòa Thánh (động Kim Quang). Họ chiến đấu, qua lại sinh hoạt gắn bó khăng khít với nhau. Bên cạnh đó, khi địch dùng các chiêu bài chiến tranh tâm lý chiêu hồi, chiêu hàng nhưng anh em chiến sỹ vẫn một lòng kiên trung.

Với khoảng 13 năm bám và giữ núi, tính từ tháng 2/1962 đến tháng 4/1975, Liên đội 7 đã có hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "tai mắt", cung cấp những thông tin kịp thời cho cấp trên, kịp thời chỉ đạo tác chiến.

Ông Lê chia sẻ, khu căn cứ Liên đội 7 ở sườn phía Bắc núi Phụng đã chịu hàng ngàn quả bom, pháo, chất độc hóa học làm cháy rụi cây rừng, biến đá núi thành vôi trắng. Vừa nói, ông Lê vừa chỉ tay về phía núi, ngay trước mặt nhà ông: "Ngày trước, cây trên núi Bà Đen to đến mấy người ôm mà giờ, các anh thấy đó, hơn 30 năm rồi mà mới chỉ có mấy cây con bé tí mọc lên".

Ông Lê cũng cho biết, hiện nay, các ban ngành của tỉnh đang chuẩn bị xây dựng tại đây một bia ghi nhớ công lao của Liên đội 7 để cho anh em có dịp tìm về chiến trường xưa. Chỉ tiếc là sau giải phóng, mọi người không ý thức bảo vệ, lại cho phép khai thác đá tại đây nên rất nhiều hang đá giờ chỉ còn trong ký ức của mọi người. Ngay cả kỷ vật, đồ đạc ngày xưa của các chiến sỹ trong Liên đội cũng đã bị thất lạc nhiều.

Quả thật, chúng tôi vào bảo tàng tỉnh Tây Ninh cũng như bảo tàng núi Bà Đen có rất ít tư liệu, hình ảnh về Liên đội 7 nói riêng và các dũng sĩ Bà Đen nói chung.

Theo tài liệu còn lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Tây Ninh thì tiền thân của Liên đội 7 trực thuộc phòng 2 Miền là Tiểu đội 14 (A14) được rút ra từ Đại đội trinh sát 32. Ngày 20/2/1962, A14 được thành lập với 14 đồng chí. Gồm: 3 cán bộ đại đội, 3 cán bộ trung đội, 2 cán bộ tiểu đội và 6 chiến sỹ.

Trong đó, có 1 báo cáo vụ, 1 quay viên, 1 cơ yếu, 1 y tá. A14 thời ấy có 5 cán bộ tập kết từ miền Bắc vào, 9 cán bộ trong phong trào Đồng khởi miền Nam) và thành lập 1 chi bộ Đảng với 7 đảng viên, 1 Chi đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với 6 đoàn viên.

Đến giữa tháng 11/1964, được tăng cường thêm 2 tiểu đội với 15 cán bộ, chiến sỹ và đổi tên thành Đại đội 14. Đến tháng 3/1969, Đại đội 14 được tổ chức thành 3 đội và đổi tên thành Liên đội 7 cho tới sau này.

Trung Nghĩa


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.