Lưu Quang Vũ viết gì trong vở kịch cuối cùng?
Vở kịch cuối cùng đang viết dở có tên “Chim sâm cầm đã chết”.
Nguyễn Việt Chiến: Thưa PGS-TS. Lưu Khánh Thơ, trong số các di cảo đưa vào Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3, có vở kịch nào của Lưu Quang Vũ hiện nay chưa được công bố không, nghe nói vở kịch cuối cùng viết trước khi mất hiện vẫn đang ở dạng bản thảo?
Ảnh vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh.
PGS-TS Lưu Khánh Thơ: Nói chung là kịch được công bố hết rồi chỉ còn một vở đang viết dở dang thì chưa được công bố thôi. Khoảng 50 vở kịch viết từ năm 1979 đến năm 1988. Vở đầu tiên là “Sống mãi tuổi 17” diễn ở nhà hát Tuổi Trẻ cho đến vở cuối cùng là “Chim sâm cầm không chết” thì là đang viết dở. Về vở kịch cuối cùng, đầu tiên anh Vũ đặt tên là “Chim sâm cầm đã chết”, xong đạo diễn Phạm Thị Thành bảo ghê quá toàn chết chóc, và anh Vũ đổi thành “Chim sâm cầm không chết”. Vở kịch ấy đang viết dở dang, mới viết phân vai, mới viết được mấy trang đầu thôi thì anh ấy mất. Nội dung vở kịch anh Vũ viết về khung cảnh ở Hà Nội. Em đọc, thấy mở ra là bối cảnh Hồ Tây, ngày xưa ở đấy chim sâm cầm nhiều lắm. Có một con chim sâm cầm bị thương, con chim bị vướng bẫy, sau đấy nó thoát ra, một cô bé khoảng 14-15 tuổi, nhà ven Hồ Tây nhặt được chim, mang nó về nuôi nấng, chăm sóc lành vết thương rồi thả nó về tự do. Sáng nào con chim ấy cũng bay trở về bờ hồ nơi cô bé ngóng đợi.
Nhưng có một buổi sáng không thấy con chim trở về nữa. Hình như cô bé thấy có một cái gì đấy không bình thường lắm. Có một ông già họ Bạch gặp cô bé bên bờ hồ và hỏi: “Sao cháu có gì băn khoăn mà lại đứng ở bên hồ”. Sau đó ông nói với cô bé rằng: “Trước đây ở Hồ Tây này rất nhiều chim sâm cầm, bây giờ bị đánh bắt nhiều quá nên chim không còn nữa. Đây là giống chim quý ngày xưa dùng để tiến vua. Theo lẽ đời, cỏ gấu, cỏ gà thường mọc tràn lan, còn những cái loài hiếm quý thì sẽ bị mai một, bị tiêu diệt đi, lẽ đời là thế…”. Đây là câu cuối cùng đang viết dở trong kịch bản. Đang viết dở thì anh Vũ đi Hải Phòng và bị tai nạn.
Còn di cảo về thơ thì sao, nghe nói còn khá nhiều bài thơ chưa được công bố, thưa chị?
Di cảo thơ của anh Vũ thì còn khá nhiều bài chưa công bố, trong đó có nhiều bài thơ viết về chiến tranh với cái nhìn khá hư vô, rất gần với thân phận con người và điều quan trọng - rất nhân bản. Các bài thơ ấy cũng tương tự như bài “Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn” trước đây đưa vào các tập thơ của anh Vũ mà phải sau 3 lần mới công bố được. Khi in tập thơ “Bầy ong trong đêm sâu” của anh Vũ, anh Vương Trí Nhàn biên tập, là người rất hiểu, rất thân với anh Vũ, anh Nhàn bảo bài này rất hay nhưng không thể đưa nó vào. Em bảo thôi cứ đưa nó vào đi nhưng cuối cùng vẫn không được duyệt. Mãi cho đến khi in tập “Thơ và đời Lưu Quang Vũ” mới đưa vào được. Cái bài thơ ấy mình thấy nó có cái gì đâu so với thơ bây giờ, họ còn kinh hoàng hơn nhiều nhưng mà người ta cứ sợ thế cái thời năm 1971- 1972 cuộc chiến tranh đi qua chẳng có gì cùng ta ở lại cả. Hồi đấy nghe nói cũng có người coi anh Vũ như “một nhà thơ đen”. Anh Vương Trí Nhàn bảo: “Nghe thơ Vũ vừa thích vừa sợ, thơ Vũ một mình một kiểu, một mình một giọng”.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ và vợ - nhà thơ Xuân Quỳnh
Thưa chị, ngoài làm thơ, viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ còn viết truyện ngắn, hồi ký, bút ký và chân dung văn học?
Sau tập “Diễn viên sân khấu” anh Vũ định viết một cuốn sách về các đạo diễn sân khấu nữa, anh ấy là người rất hiểu nghề, hiểu người. Đã có lúc anh Vũ đình tạm dừng viết kịch để hoàn thành tập sách “Chân dung đạo diễn”, viết về khoảng 15 đạo diễn. Anh Vũ bảo là mình rất hiểu các đạo diễn vì mình đã cộng tác nhiều lần với họ, cụ thể như họ đã từng thực hành trên vở diễn của mình vậy, vì từ phong cách của cá nhân người viết kịch mà hiểu biết được cái phong cách của các đạo diễn là điều anh Vũ rất tâm đắc. Anh Vũ bảo đã tích lũy được kinh nghiệm của người sáng tác từ người làm báo, và trước khi viết một cuốn sách, có lẽ phải dừng lại mấy năm để tâm tư lắng lại rồi mới viết.
Có nhuận bút kịch bản đổi bằng mấy bao tải lạc
Xin chị cho biết về sự gắn bó của nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ với các đoàn kịch cách đây gần 30 năm. Thời ấy, có giai thoại về một số đoàn kịch phải”cơm nắm muối vừng” chầu trực nhiều ngày để chờ đợi kịch bản của Lưu Quang Vũ?
Anh Vũ có một cá tính khá hay là rất hay vì nể. Thời ấy, đúng là có chuyện các đoàn kịch cứ đứng chầu trực, rình mò, từ 4-5h sáng ở khu nhà gia đình bố mẹ em. Sớm ra, cứ mở cửa là đã thấy 2-3 ông ngồi chờ ở cầu thang, ngồi trông khổ lắm. Anh Vũ bảo mình cứ cố gắng viết xong kịch bản này cho họ vì có kịch dựng thì họ sẽ nuôi sống được thêm bao nhiêu con người. Hôm mới rồi, em cùng Lưu Quang Định (em trai Lưu Quang Vũ) xuống xem Đoàn chèo Hải Phòng dựng lại vở kịch “Ông vua hóa hổ” của anh Vũ cách đây hơn 25 năm. Đoàn kịch cho biết, họ trân trọng và biết ơn anh Vũ lắm, vì cái thời bao cấp đói khổ ấy, đoàn chèo đã sống được là nhờ mấy vở của anh Vũ, đầu tiên là vở “Muối mặn đời em” sau đó là vở “Linh hồn của đá” đến vở “Ông vua hóa hổ”, coi như là xông xênh diễn một ngày hai ba buổi, đi về các địa phương lên cả vùng sâu vùng xa diễn mà bán vé rất là rẻ.
Trưởng đoàn chèo Hải Phòng ngày ấy là diễn viên kể lại: “Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ ngày giỗ anh Vũ, giỗ tôi chẳng có gì cả, tôi chỉ thắp hương và có một bàn thờ nhỏ nhỏ ở sau đoàn trong một cái phòng nho nhỏ, mua một gói thuốc lào và một cái điếu cày đặt lên bàn thờ, khi anh Vũ làm việc anh ấy chỉ có thuốc lào và điếu cày cho nên tôi rất nhớ! Khi mà tôi đang diễn vở “Ông vua hóa hổ” ở Thủy Nguyên thì nghe tin anh Vũ mất trên đường đi từ Hải Phòng về, thế là chúng tôi vừa ra diễn, kể cả những vai hề, ra sau sân khấu thì tất cả đều khóc. Khi diễn chúng tôi vẫn nhớ đến anh Vũ và tri ân lắm”. Có một chuyện kể ra cũng thật là khôi hài. Có hôm, một số người hàng xóm bên cạnh nhà bố mẹ em kháo nhau “ Anh Vũ viết kịch được nhiều tiền thật, có đoàn họ mang cả bao tải tiền lên nhà!”.
Đầu đuôi câu chuyện thế này, đoàn kịch Thanh Hóa lên gặp anh Vũ để đặt kịch bản, ông phó đoàn vác lên nhà một bao tải lạc, nói “Đoàn ở Thanh Hóa bị lũ bão, không có tiền, không có gì cả nhưng mà rất cần vở để diễn, nên chúng tôi mang bao tải lạc vỏ để biếu gia đình”. Sau đó, khi vở kịch dựng xong, đoàn kịch Thanh Hóa lại mang hai bao tải lạc vỏ lên cảm ơn, cả nhà em ngồi bóc lạc suốt đêm đến đau cả tay, mỗi bao tải bóc ra chỉ được khoảng 5kg lạc thôi, mẹ gọi em đến cho nửa bao, nhưng hồi đấy lạc cũng quý. Sau đó, hàng xóm mới biết chuyện kịch của anh Vũ được trả nhuận bút bằng lạc. Nhưng đấy cũng là chuyện hy hữu thôi, vì nhiều đoàn kịch “ăn nên làm ra” trả nhuận bút kịch bản cho anh Vũ thời điểm ấy cũng được 1-2 chỉ vàng một vở. Nếu vào thời điểm bây giờ mà viết kịch với tốc độ như anh Vũ ngày ấy thì chắc sẽ giàu to!
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Lưu Quang Vũ sau đêm diễn.
Thưa chị, có phải anh Vũ cho rằng mối quan tâm trăn trở nhất của cuộc đời anh ấy chính là thi ca ngay cả khi những vở kịch thành công thời đổi mới đã đưa anh ấy lên hàng kịch tác gia đương đại nổi tiếng nhất?
Vâng đúng như vậy, thơ luôn luôn là điều anh ấy tâm niệm từ lúc trẻ đến khi mất. Anh Vũ nói phải viết kịch vì đấy là vì nhu cầu của xã hội, của công chúng sân khấu và cũng phải viết để sống nhưng mà được sống cho mình, khao khát cho mình nhất vẫn là thơ. Anh ấy nói công khai mà như một cái tuyên ngôn, rất là thương. Khi em thu thập các bản thảo của anh Vũ, thấy những kịch bản sân khấu viết bằng loại giấy rất là xấu, như là giấy nhặt ở đâu đấy, thậm chí là giấy lai cảo.
Chị Quỳnh biên tập thơ ở đâu đấy, thơ lai cảo của báo Văn Nghệ thì mặt sau bản thảo thơ bỏ đi thì anh Vũ viết kịch. Anh ấy có một thói quen trong sáng tác, khi nào viết kịch thấy mệt mỏi, căng thẳng quá thì anh chuyển sang làm thơ và viết thơ vào giữa những trang bản thảo kịch. Cho nên, lúc xử lý bản thảo, ai không biết sẽ tưởng bài thơ đó là viết cho vở kịch. Vì chỉ khi nào mang kịch bản đi đánh máy thì anh Vũ mới gạch bài thơ ấy đi. Ví dụ trong bản thảo vở kịch “Cô gái đội mũ nồi”, ở đoạn anh Vũ viết về ông kiến trúc sư đang vẽ thiết kế cho một ngôi nhà, bỗng dưng xuất hiện bài thơ “Mây trắng của đời tôi”. Đấy là trong lúc viết kịch bản, anh Vũ chợt nảy ra một ý thơ, một tứ thơ và lập tức anh ấy chuyển từ viết kịch sang làm thơ ngay. Nói thế để thấy, anh Vũ luôn coi thơ là miền đất sáng tạo văn học tâm đắc nhất của mình. Và rất nhiều lần anh Vũ nói với em, phải đến 2 năm trước khi mất, anh ấy tâm sự: “Sẽ phải dừng lại, không viết kịch nữa bởi vì nó cứ ào ào và kéo mình đi, nên phải lắng lại, dành thời gian cho thơ và những sáng tác khác”.
Bóng hồng cuối đời
Tình yêu của hai nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có điều gì đó giống như một huyền thoại, ngay cả khi phải ra đi họ “vẫn tay trong tay, ở bên nhau”đến phút cuối cùng. Chị Lưu Khánh Thơ có thể cho độc giả biết thêm về chuyện này, vì nghe nói trong 2 năm cuối đời, đã có “một bóng hồng” khác trong cuộc đời thi sĩ của Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh cũng mong manh biết chuyện ấy, sự thật ra sao khi trong một số bài thơ tình viết cuối đời, dường như Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh vẫn dành cho nhau sự thương yêu nồng nàn?
Anh Vũ em là một người rất tài hoa, đa tình và phải công nhận có nhiều cô gái phải lòng anh Vũ và anh ấy yêu cũng khá nhiều người. Sau này, khi em đọc thư của anh Vũ và chị Quỳnh, em mới biết, lần đầu khi anh Vũ (đang sống độc thân và có một con riêng) đến tỏ tình với chị Quỳnh (cũng đang sống độc thân và có một con riêng) là chị ấy từ chối ngay, không phải vì chị không yêu mà chị ấy biết là không lâu bền được. Lúc đó, chị Quỳnh bảo chị chẳng có gì cả, chị không tin là ông Vũ yêu chị ấy. Chị Quỳnh nghĩ anh Vũ thương hại chị vì thời gian rất ngắn sau mối tình đổ vỡ của chị Quỳnh với một ông nhà thơ khác.
Về sau này, chị Quỳnh có kể lại với em về mối tình đổ vỡ ấy, chị hận nhất là ông nhà thơ kia đã lừa dối, bảo chị bỏ chồng, rồi ông ấy sẽ bỏ vợ để hai người lấy nhau. Sau đó, chị Quỳnh bỏ chồng thật, còn ông nhà thơ kia chẳng chịu bỏ vợ, nên chị Quỳnh rất uất ức. Chị Quỳnh rất cực đoan, đã yêu là phải lấy, không có chuyện cặp bồ, cái thời đấy nó thế với cả cái tính chị ấy cũng thế. Rồi sau đó, chị Quỳnh yêu anh Vũ, một tình yêu thật đặc biệt. Khi biết chuyện anh Vũ, chị Quỳnh yêu nhau, mẹ em phản đối lắm. Lúc đó, một số người, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi (có thời là cấp trên của mẹ em ở NXB Tác phẩm mới) đến gặp mẹ em để thuyết phục, ông nói: “Chị ạ, hai người đều có tài, thôi chị ủng hộ đi”. Sau đó, mẹ em mới đồng ý cho anh Vũ lấy chị Quỳnh và hai người sống với nhau rất hạnh phúc trong 15 năm cuối đời.
Mẹ em sống với vợ chồng anh Vũ, chị Quỳnh với thằng cháu, còn em cứ đi đi về về thôi. Anh Vũ mà đi công tác là anh ấy lại gọi thì em lại về nhà ở với mẹ em. Chị Quỳnh hồi đấy hay bị ốm, những năm cuối đời thì chị ấy bị bệnh tim rất nặng, anh Vũ nói với em là bác sĩ bảo chị Quỳnh bị nặng lắm, phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Anh Vũ nói với mẹ em đừng tiết kiệm quá, mẹ em cũng là người quản lý sau khi chị Quỳnh đi nằm viện. Anh Vũ bảo: “Mẹ đừng tiết kiệm, con cũng kiếm được tiền”. Tam thất hồi đấy còn hiếm, cứ bảo em lên Lãn Ông mua về hấp với quả tim cắt ra để cho chị Quỳnh ăn. Bác sĩ bảo Quỳnh giỏi lắm cũng chỉ sống được 2-3 năm thôi. Chị Quỳnh không hề biết. Sau khi điều trị ở bệnh viện về thì chị thấy có đỡ hơn. Anh Vũ dặn mẹ với em, những lúc chị Quỳnh đi viện về thì chăm sóc nhưng giấu chị, chỉ nói là bị bệnh nhẹ thôi, và bảo chị đừng có tham công tiếc việc, đừng thức đêm thức hôm, phải nghỉ ngơi.
Trong mấy năm cuối đời, đúng là có “một bóng hồng” trong tình yêu của anh Vũ. Thật ra, chị Quỳnh có tính ghen khá mạnh mẽ. Trong chuyến đi nghỉ cuối cùng ở Hải Phòng, lúc bấy giờ dẫu anh Vũ có gàn không cho chị Quỳnh đi thì sợ chị lại nghĩ ngợi, nên anh Vũ cũng vì nể. Em nghĩ nó như định mệnh ấy. Hay là thơ của hai người cũng thế. Bài “Lại bắt đầu”-Xuân Quỳnh viết: “Tay trong tay tôi đã bên người/Tôi chẳng nói điều chi về vĩnh viễn/ Bởi sớm mai khi mặt trời hiển hiện/Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu”. Có một cái câu sau này mình đọc mình thấy sợ “Tay trong tay tôi đã bên người/Tôi chẳng nói điều chi về vĩnh viễn”.
Em nói thật, cái chết này với chị Quỳnh là một sự giải thoát bởi vì chị ấy yêu anh Vũ kinh khủng, chị là người vô cùng thông minh, chị Quỳnh ý thức được cái giới hạn của chị ấy. Trong con người của anh Vũ, cái phát triển về tài năng, về con người, về thể chất, chị Quỳnh rất biết và chị là người ghen tuông khủng khiếp. Cái năm sau, cái năm mà chị Quỳnh ốm đau thì chị ấy không ghen tuông nữa mà chị ấy rất đau đớn vì chị ấy ý thức được cái bất lực, cái giới hạn của mình. Trước hay sau thì anh Vũ cũng vẫn là người rất tình nghĩa, rất thương chị Quỳnh nhưng em biết anh ấy có chuyện nọ chuyện kia. Phải nói, chị Quỳnh là người rất có lòng tự trọng, chị ấy không thể nào sống giả vờ, nếu anh Vũ yêu người khác thì chị Quỳnh sẽ phải chia tay, chị ấy sẽ chủ động.
Chị Quỳnh là người quyết liệt lắm, chị ấy yêu là phải lấy. Khi mà chị Quỳnh cảm thấy sống không còn tình yêu nữa thì chị ấy sẽ không chịu giả vờ làm một “mô hình gia đình hạnh phúc” đâu, chị sẽ chủ động chia tay. Chị Quỳnh là người quyết liệt lắm, sống đến tận cùng với tất cả tình cảm. Chị rất yêu anh Vũ nhưng chị ấy không chấp nhận được anh Vũ có cô này cô nọ. Có thể là anh Vũ vẫn đưa tiền cho chị ấy, vẫn tử tế, tình nghĩa, thương và biết ơn nhưng tình yêu thì nó khác. Đàn ông ai chả thế. Chị ấy biết thế mà. Từ khi anh Vũ, chị Quỳnh mất em cũng thay đổi rất nhiều, em làm khổ ông Vũ cũng nhiều. Chị Quỳnh cứ kể mọi chuyện với em, còn em cứ gạt đi bảo chị đừng nghĩ anh Vũ tầm thường như thế, anh ấy là một người nghệ sĩ và anh ấy yêu chị.
Chị Quỳnh chua xót bảo: “Không! Thơ đừng nghĩ là chị coi thường anh ấy, chị không nghĩ đấy là xấu mà là con người anh ấy thế, bản năng con người nó là thế, đó là chuyện rất bình thường của con người!”. Và chị Quỳnh đau đớn chấp nhận cái điều ấy, chị không trách móc gì nữa nhưng chị ấy rất đau. Sau này em nghĩ: Nếu mà không chết chắc gì được bền, có khi lại chia tay mà đối với chị Quỳnh thì đó là điều sống rất què quặt, chị ấy không chịu nổi. Cho nên với chị Quỳnh đó là sự giải thoát, trước cái chết này. Chỉ có đau là anh Vũ, nếu như có định mệnh thì em cho là chị Quỳnh lôi đi đấy, chị ấy không thể chấp nhận anh Vũ vào tay ai. Chắc lúc đấy anh Vũ có yêu người khác, chị Quỳnh lại bệnh tật. Những câu thơ chị Quỳnh viết ngày ấy, đọc xong thấy đau đớn, gần như cái di chúc của chị ấy “Trái tim em nay mỗi phút mỗi giờ/Chỉ có đập cho mình em đau đớn/Trái tim nay chẳng còn có ích/Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè”. Chị Quỳnh rất cô đơn. Người bị bệnh tim như thế mà ôm một nỗi đau như thế thì không thể chịu đựng được. Đó là cái chết giải quyết mọi nỗi đau, có lẽ cũng toại nguyện với chị ấy.
Lúc đó anh Vũ yêu một cô diễn viên trẻ vừa cói tài vừa có sắc, chị Quỳnh biết chuyện. Khi anh Vũ mất khoảng 1 tuần hay 10 ngày thôi, em tìm gặp cô diễn viên ấy. Không gặp được cô ấy, em có để lại mấy chữ. Sau đó, cô ta đến cơ quan em, em mời ra quán café, em nói là: “Việc anh Vũ với chị Quỳnh mất như thế, Thơ biết là anh Vũ với em có tình cảm gắn bó”. Việc này chỉ có em với ông anh trai biết thôi, chính em cũng chưa nghĩ ra đâu, ông anh trai bảo phải gặp cô gái đó càng sớm càng tốt kẻo không nó đang hoang mang. Em nghĩ cô ấy còn trẻ thế, bây giờ may mà còn giữ được giọt máu của anh mình thì quý hóa quá.
Em bảo: “Thứ nhất là anh Vũ mất rồi thì mình thay mặt gia đình, nếu em còn giữ được giọt máu của anh Vũ thì mình sẽ thay mặt gia đình có trách nhiệm với em”. Cô ấy bật khóc, quán café thì vắng nên người ta cứ nhìn. Người nó cứ run bần bật lên, mình cũng khóc, vừa mừng vừa sợ, chắc là đúng rồi. Cô ấy khóc 5 phút xong thì bảo “Chị ơi, tiếc là không có, nếu mà có thì không cần gia đình, em cũng sẽ giữ gìn và nuôi nấng”. Chứng tỏ cô ấy cũng rất yêu anh Vũ. Năm đấy anh Vũ có làm một cái lịch. Anh Vũ rất có khiếu hội họa. Năm nào anh ấy cũng vẽ một cái tranh rồi dán lên cái lịch và ở dưới là cái lốc. Trên cái lịch năm ấy, trong bức tranh anh Vũ vẽ, có nét của cô gái này, nét vẽ rất siêu thực…
Nguyễn Việt Chiến