Không ai trả lời
Mỗi ngày, bộ Thống nhất Hàn Quốc cử các quan chức đến làng biên giới Bàn Môn Điếm để liên lạc với Triều Tiên từ 9h sáng cho đến 4h chiều mỗi ngày.
Song song với các hành động leo thang của Triều Tiên về vũ khí hạt nhân và tên lửa, bộ Thống nhất Hàn Quốc – cơ quan đặc biệt phụ trách cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng và thống nhất hai miền Triều Tiên cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng.
Chỉ cách đây vài năm, bộ Thống nhất Hàn Quốc được coi là một trong những cơ quan đặc biệt nhất của Seoul, khi đóng vai trò trung tâm trong hai Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên và triển khai các dự án kinh tế chung trong những năm 2000.
Nhưng sau gần một thập kỷ tồn tại giữa những sóng gió chính trị trong nước và sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng, vai trò của bộ Thống nhất Hàn Quốc đang đặt ra những dấu hỏi về tính hiệu quả.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã sớm vượt qua khuôn khổ khu vực và trở thành vấn đề mang tính toàn cầu.
Đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa bay qua Nhật Bản, cùng lời đe dọa nhắm mục tiêu vào nước Mỹ cũng như các đồng minh châu Á.
Tại Hàn Quốc, các quyết định quan trọng giờ đây chỉ xuất phát từ Văn phòng của Tổng thống, bộ Quốc phòng và bộ Ngoại giao.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc hiện đã lui lại phía sau hậu trường với công việc chính chỉ là soạn các thông cáo báo chí về các vụ thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng.
Thắng lợi của cuộc bầu cử Hàn Quốc hồi tháng Năm, kết thúc 9 năm nắm quyền của Chính phủ bảo thủ đã dấy lên những hy vọng lớn.
Bình Nhưỡng vẫn bác bỏ đề nghị từ bộ Thống nhất Hàn Quốc về các cuộc gặp gỡ liên Triều.
Vai trò của bộ Thống nhất Hàn Quốc
Bộ Thống nhất Hàn Quốc có khởi nguồn là Hội đồng Thống nhất Quốc gia và đi vào hoạt động từ năm 1969 dưới thời Tổng thống Park Chung-hee.
Sau thời gian dài chủ yếu là phục vụ nghiên cứu, cơ quan này trở nên nổi bật hơn dưới thời Tổng thống Roh Tae-woo.
Tổng thống Roh muốn tìm cách cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Ông nâng quyền lực của Hội đồng Thống nhất Quốc gia ngang hàng với văn phòng Phó Thủ tướng.
Từ sự sắp xếp của Hội đồng Thống nhất Quốc gia, hai miền Triều Tiên có cuộc hội đàm Thủ tướng đầu tiên trong năm 1990 và cả hai cùng tham gia Liên Hợp Quốc một năm sau đó.
Hai nhà lãnh đạo tự do sau này là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã có các cuộc gặp quan trọng với cố lãnh đạo Kim Jong-il của Triều Tiên vào năm 2000 và 2007.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong-un lại cho thấy, ông không quan tâm nhiều đến ý muốn từ Seoul khi tiến hành 4 trong 6 vụ thử hạt nhân kể từ khi nắm quyền.
Trong khi đó, Chính phủ bảo thủ của Hàn Quốc trong giai đoạn 2008-2017 cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn về kế hoạch hạt nhân của Bình Nhưỡng và dần xóa bỏ những nỗ lực hòa giải trong quá khứ.
5 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Lee Myung-bak, người nhậm chức vào đầu năm 2008, đánh dấu bởi thái độ đối đầu với Triều Tiên, trong đó cả hai từng có giai đoạn căng thẳng sau vụ đắm tàu gây tranh cãi vào năm 2010.
Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ Thống nhất gần như mất tất cả công việc khi chức năng của nó được chuyển về bộ Ngoại giao.
Người kế nhiệm ông Lee - bà Park Geun-hye thậm chí còn thể hiện sự cứng rắn hơn, khi cảnh báo về khả năng sụp đổ tiềm tàng của Bình Nhưỡng.
Chính phủ của bà kéo các công ty Hàn Quốc rời khỏi một khu công nghiệp ở Kaesong của Triều Tiên hồi tháng 2/2016, biểu tượng lớn cuối cùng trong sự hợp tác hai nước.
Một trong những Bộ trưởng Thống nhất dưới thời Park bày tỏ thất vọng khi nói rằng, công việc của ông thời điểm đó ai cũng có thể làm được vì chẳng thể làm nên được sự khác biệt.
Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng, cơ quan này vẫn đóng vai trò quan trọng.
“Bộ vẫn có thể giữ liên lạc với Bình Nhưỡng qua các cuộc đàm phán về hội Chữ thập đỏ và quân sự”, Jeong Se-hyun, người từng là Bộ trưởng Thống nhất dưới thời Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun cho biết.
Tổng thống Hàn Quốc hiện tại Moon Jae-in được cho là sẽ tiếp tục trọng dụng cơ quan này trong chương trình chính sách của mình.
Ông Moon đã lựa chọn Cho Myoung-gyun trong vai trò Bộ trưởng Thống nhất mới và đánh giá cao kinh nghiệm của nhân vật dưới thời Roh Moo-hyun từng tham gia cuộc gặp Thượng đỉnh năm 2007 với nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Ông bày tỏ hy vọng, việc nối lại các cuộc đàm phán liên Triều sẽ giúp tình hình sớm trở lại yên bình.
“Muốn vỗ tay bạn cần phải dùng cả hai bàn tay, nhưng Triều Tiên không muốn đáp ứng điều đó”, Baik Tae-hyun, người phát ngôn của bộ Thống nhất Hàn Quốc nói.
"Tình trạng này sẽ không kéo dài mãi mãi. Có khi phải mất một thời gian dài, một hoặc hai năm, mối quan hệ mới có thể lắng xuống sau thời gian dài thù địch”, ông Baik hy vọng.