Căn nguyêntrận chiến
Lịch sử ghi lại, đây là trận chiến của thiết giáp hạm với những khẩu pháo lớn, bao gồm 150mm, 203mm, 254mm và 305mm. Thời gian đó, Nhật Bản sở hữu những khẩu pháo có sức công phá lớn nên họ đã hạ thủy tàu Satsuma, được trang bị toàn trọng pháo nên chiếm ưu thế rất nhiều. Người ta nói rằng, trong thời kỳ này, bên nào có vũ khí to, tầm bắn xa thì phần thắng sẽ nghiêng về bên đó.
Thực sự, trận hải chiến Tsushima là kết quả của việc tranh giành phạm vi ảnh hưởng trên đống tro tàn của đế chế Trung Hoa giữa một siêu cường quốc cũ là Nga và cường quốc mới nổi là Nhật Bản. Trong trận chiến Trung - Nhật (1895-1896), Nhật Bản đã giành chiến thắng nhờ quân đội hiện đại, chiếm được cảng Arthur, tạo dựng được một chỗ đứng trong châu Á đại lục và nhận được một khoản tiền bồi thường lớn.
Trong khi đó, bằng sức mạnh ngoại giao của mình với các cường quốc phương Tây, Nga đã buộc Trung Quốc ký một hợp đồng cho thuê, buộc phía Trung Quốc bàn giao cảng Arthur lại cho Nga. Cảng Arthur vì thế trở thành "vật tranh chấp" giữa hai quốc gia này. Căng thẳng vẫn ở mức cao vào năm 1901, quá trình đàm phán giữa hai bên vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên, Hải quân nga đã đánh giá thấp một cách nghiêm trọng quyết tâm của người Nhật và khả năng chiến đấu của một nước mới lên.
Bức họa về đô đốc Togo.
Trận chiến khốc liệt
Không đi đến được kết quả nào, năm 1905, trận hải chiến Tsushima đã nổ ra. Trước khi bước vào cuộc chiến thực sự, người Nhật đã có những lợi thế mang tính quyết định như chiến trường gần "quê nhà", lực lượng gọn nhẹ với nhiều chiến hạm mới, đồng bộ về tốc độ và hỏa lực, thủy thủ được huấn luyện kỹ càng và có nhuệ khí rất cao.
Ngày 27/5, đô đốc Heihachiro Togo - chỉ huy hạm đội Nhật Bản nói với toàn hạm đội: "Vận mệnh của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào trận chiến này. Mọi người hãy chiến đấu bằng tất cả khả năng của mình". Còn hạm đội Nga đã khởi hành và có mặt tại eo biển Tsushima vào tối ngày 26/5, sẵn sàng cho trận hải chiến khốc liệt này. Đến chiều ngày 27/5, hai hạm đội giáp mặt nhau.
Hạm đội Nga có 45 chiếc chiến hạm, gồm 12 thiết giáp hạm (tàu chủ lực), 8 tuần dương hạm, các khu trục hạm và tàu hỗ trợ khác. Còn phía Nhật chỉ có bốn chiếc thiết giáp hạm và một số tuần dương hạm, khu trục hạm. Tuy nhiên, đô đốc Togo đã có một quyết định táo bạo là ra lệnh cho hạm đội của mình di chuyển chặn đầu hạm đội của Nga và tập trung hỏa lực vào chiếc kỳ hạm Knyaz Suvorov của hạm đội Baltic.
Cách đánh táo bạo này của Nhật đã khiến hạm đội Baltic hết sức bất ngờ nhưng với lợi thế tốc độ cùng đoàn thủy thủ thiện nghệ của Nhật, phía Nhật hoàn toàn có thể thực hiện chiến thuật đó. Kỳ hạm Knyaz Suvorov sau đó đã khai hỏa về phía hạm đội Nhật và Nhật cũng đáp trả chỉ sau 3 phút.
Nhịp bắn của quân Nhật rất ấn tượng, ước tính khoảng hơn 2.000 phát đạn hạng nặng trong 1 giờ. Hơn nữa, người Nhật sử dụng một loại chất nổ có công thức mới trong đạn của mình, bắn vào những cấu trúc phía trên của tàu Nga và làm bùng lên những đám cháy dữ dội trên bất cứ con tàu nào bị bắn trúng. Mức độ chính xác của hoả lực Nhật làm người Nga phải sững sờ.
Một sĩ quan Nga đã viết trong nhật ký: "Tôi chưa bao giờ chứng kiến hoả lực nào như thế trước đây. Tôi thậm chí không bao giờ dám tưởng tượng. Đạn dường như được rót xuống chúng tôi liên tục".
Trong 40 phút đầu tiên, người Nhật xối "mưa đạn" xuống hai chiếc thiết giáp hạm Nga là chiếc Knyaz Suvorov (tàu chỉ huy) và Oslyabya. Chiếc Oslyabya bị đánh đắm cùng với thuyền trưởng Vladimir Ber và phần lớn thủy thủ đoàn. Đô đốc Rozhestvensky bị thương nặng ở đầu, còn chiếc kỳ hạm của ông cũng bị hư hại nặng, hầu như không thể chỉ huy hạm đội được nữa.
Chỉ huy hai thiết giáp hạm Hoàng đế Alexander III và Borodino, cố gắng che chắn cho chiếc kỳ hạm và đưa hạm đội trở lại tuyến đường đến Vladivostok. Bỏ lại chiếc kỳ hạm Knyaz Suvorov đang bốc cháy, chiếc Borodino chạy về phía Nam nhưng Borodino cùng những chiếc khác lập tức bị quân Nhật chặn lại. Chiếc Borodino và Hoàng đế Alexander III bị đánh chìm ngay trước khi màn đêm buông xuống. Và gần như cùng lúc, kỳ hạm Knyaz Suvorov bắt đầu chìm vì bị ngư lôi Nhật đánh trúng.
Tối hôm đó, đô đốc Togo ra lệnh tạm ngừng bắn và cho những khu trục hạm áp sát và tấn công ở khoảng cách gần. Gần 30 khu trục hạm Nhật phóng ra 74 quả ngư lôi Whitehead và đã đánh chìm thêm một chiếc thiết giáp hạm và hai chiếc tuần dương hạm của Nga. Sáng hôm sau, năm chiếc thiết giáp hạm của Nga buộc phải đầu hàng.
Khi đó, chỉ có khoảng ba chiến hạm bị hư hỏng nặng của Nga, một tuần dương hạm hạng nhẹ và hai khu trục hạm là tới được cảng Vladivostok của Nga.
Đô đốc Zinovy Rozhestvensky - chỉ huy hạm đội Baltic ban đầu và bộ tham mưu sau đó bị quân Nhật bắt làm tù binh. Trận chiến kết thúc, phần thắng thuộc về người Nhật và tất nhiên, cảng Arthur cũng nghiễm nhiên thuộc về người Nhật. Hạm đội Baltic và hạm đội dự bị của Nga hầu như không còn tồn tại.
Hạm đội Nga phải hứng chịu "mưa đạn" của Nhật Bản.
Tầm ảnh hưởng của trận hải chiến Tsushima
Tờ New York Sun nhận xét rằng, thực sự, phía Nga thất bại không phải vì hải quân của họ yếu, họ thua trong trận hải chiến Tsushima bởi mỗi binh sĩ và thủy thủ Nhật có niềm tin vào chiến thắng. Người Nhật khi đó luôn tâm niệm vận mệnh dân tộc họ đang nằm trong tay họ và mỗi cố gắng của từng cá nhân có thể quyết định và thay đổi đại cục.
Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt chủ trì hội nghị hoà bình ở Portsmouth, New Hampshire, và một hiệp định đã được ký ngày 6/11/1905. Nước Nga rút khỏi Mãn Châu (Trung Quốc), công nhận eo biển Tsushima là "vùng ảnh hưởng" của Nhật, đồng ý cho Nhật thuê bán đảo Liêu Đông, cho Nhật quyền kiểm soát Tuyến đường sắt Nam Mãn Châu, từ bỏ chủ quyền của đảo Sakhalin cho Nhật quyền đánh bắt cá. Cũng trong hội nghị này, Tổng thống Roosevelt đã công nhận sự ra đời của một “con hổ mới” của phương Đông.
Về phản ứng của công chúng Nhật trước Hiệp định Portsmouth, họ coi đó là một sự phản bội. Lời giáo huấn về fukoken kyohei (một đất nước giàu có với một quân đội mạnh) và cơ sở cho những suy nghĩ của họ. Họ cảm thấy hiệp ước đã cướp đi những lợi ích chính đáng của họ, nước Nhật đã bị o ép. Họ cũng cho rằng chính quyền dân sự phải chịu trách nhiệm chính, còn giới quân sự là những anh hùng. Đó là nhân tố dẫn đến việc chính quyền Meiji cuối cùng bị phế truất và một chế độ độc tài quân sự được thiết lập và đã dẫn nước Nhật vào Thế chiến thứ hai.
Nước Nhật giờ đây đã có ưu thế trên biển. Trong khi đó, trong hơn ba thập niên tiếp theo, những nước phương Tây phải đối phó với chiến tranh thế giới thứ nhất, cách mạng Nga, sự tái sinh của nước Đức quốc xã và dần rời xa khu vực châu Á. Những bài học từ Tsushima, cảng Arthur đã trở thành triết lý quân sự của các vị chỉ huy hạm đội sau này. Những nền tảng quân sự, chính trị, kinh tế cho một trận chiến mới ở Thái Bình Dương vì thế sau đó đã được thiết lập.
Hồng Nhung (Theo Navy History)