Thời gian gần đây ngày càng có nhiều người đồng giới công khai và sống thật với giới tính của mình. Tuy nhiên họ gặp phải nhiều vướng mắc trong cuộc sống do chưa nắm rõ quyền và trách nhiệm pháp luật. Đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm như quan hệ đồng giới, hôn nhân đồng giới hay mua bán dâm.
Cuốn sách My right do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và Trung tâm ICS- Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT phối hợp xuất bản đã giải đáp nhiều câu hỏi nóng liên quan đến những vấn đề trên.
Trong đó có một tình huống được người đồng giới đặt ra: "Tôi bị một người cùng giới hiếp dâm, giao cấu ngoài ý muốn thì người đó có thể bị truy tố hình sự không?
Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành không quy định rõ nạn nhân của hiếp dâm phải là nữ giới. Tuy vậy, do diễn giải hành vi “giao cấu” phải là giữa nam và nữ cho nên thực tế chưa có trường hợp nào nạn nhân của tội hiếp dâm là nam giới. Nếu người bị hiếp dâm dưới 13 tuổi chỉ có thể bị truy tố tội “dâm ô với trẻ em” . Đây là điểm bất cấp của quy định hiện hành.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện hành vi hiếp dâm, nạn nhân rất có hể bị xâm hại tới sức khoẻ, danh dự , nhân phẩm. Và những hành vi này có thể bị truy tố ở các tội khác nhau như tội cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác. Nạn nhân có thể tìm tới trung tâm tư vấn phù hợp hoặc viện iSEE, Trung tâm ICS để trao đổi cụ thể hơn
Cũng liên quan đến vấn đề trên, nếu người đồngtính/ chuyển giới và bị quấy rối tình dục phải làm thế nào? Hành vi đó có bị cho vi phạm pháp luật không?
My rights viết rõ: “Quấy rối tình dục là hành vi tạo áp lực thực hiện hành vi tình dục lên một người mà người đó không mong muốn bao gồm cả các hành vi như sờ mó cơ thể, sử dụng lời nói, cử chỉ hay các hình ảnh phương tiện khác về tình dục gây khó chịu tới người khác. Hành vi này không phân biệt yếu tố giới tính.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện tại chỉ quy định hành vi quấy rối tình dục trong khuôn khổ lao động và phạm vi doanh nghiệp, giúp việc gia đình. Các hành vi quấy rối tình dục khác có thể bị xử lý bằng các luật khác như Luật Dân sự, Hành chính hoặc Hình sự”.
Đặc biệt, một vấn đề đã được quan tâm từ lâu là việc mua bán dâm của người đồng tính. Câu chuyện về những chợ Dịch Vọng, hồ Thiền Quang... được nhắc đến như thiên đường “mua bán” của người đồng tính. Như vậy họ có phạm luật?
Về nguyên tắc thì Pháp luật Việt Nam hiện tại quy định hành vi mua dâm, bán dâm phaircps sự “giao cấu” và trả tiền hoặc lợi ích vật chất. Mà hành vi “giao cấu” đang được hiểu là giữa nam và nữ. Như vậy, hành vi mua dâm và bán dâm cùng giới không được quy định bởi pháp luật phòng chống mại dâm hiện hành.
Cũng theo đó, việc quan hệ tình dục giữa hai người cùng giới không hề vi phạm pháp luật. Miễn là họ tự nguyện và đã trên 16 tuổi.
Nếu người đồng tính tổ chức lễ cưới cũng không thể bị cho là vi phạm pháp luật. Bởi pháp luật chỉ cấm việc đăng ký kết hôn giữa những người đồng giới chứ không can thiệp vào những nghi thức này. Khi bị xử phạt hành chính, người đồng tính có thể viện dẫn họ không hề “kết hôn” mà chỉ tổ chức “đám tiệc”.
Hôm qua (17.5) tại Hà Nội, hàng trăm người đã tham gia lễ rước dâu và đám cưới tập thể của những người đồng tính. Họ hô to khẩu hiệu “Tôi đồng ý” để ủng hộ hôn nhân đồng giới.
Đây chỉ là hoạt động chào mừng ngày Quốc tế chống kì thị người đồng tính, song tính và chuyển giới (IDAHO). Cô dâu chú rể tham gia là thành viên chủ chốt nhóm tình nguyện viên ICS Hà Nội. Tuy nhiên, điều đó đủ thấy khát được công nhận và hoà nhập cộng đồng của họ lớn thế nào.
Hy vọng trong thời gian tới, Pháp luật Việt Nam sẽ có những điều chỉnh để người đồng tính, song tính và chuyển giới thuận lợi hơn trong quá trình hoà nhập và được sống là chính mình.
Vân Trà