Mẹ chồng đòi giữ hết tiền, vàng hồi môn
Cả hai vợ chồng đều là con cả nên ngày cưới chị P. Loan (Đại Mỗ, Từ Liêm) được hai bên nội ngoại tặng khá nhiều vàng và trang sức. Đang hí hửng tính toán nên xử lý thế nào với số vàng này thì ngay đêm tân hôn, mẹ chồng đã gõ cửa phòng đòi giữ tiền, vàng cho con dâu.
Sẽ không có gì ấm ức nếu mẹ chồng chỉ “giữ hộ”, đằng này, khi chị cần dùng đến, hỏi mẹ chồng thì bà lại tra hỏi cần dùng số tiền, vàng đó vào việc gì, rồi lần lữa mãi không chịu đưa.Chị kể: “Bố mẹ đẻ cho mình 5 chỉ làm của hồi môn, họ hàng hai bên mỗi người tặng 1-2 chỉ, tổng cộng cũng được hơn cây vàng. Mình đang định để lại 1,2 món thỉnh thoảng đeo, số còn lại thì bán lấy tiền gửi ngân hàng tiết kiệm. Nhưng ngay đêm tân hôn, hai vợ chồng đang hí hửng đếm lại tiền mừng thì mẹ chồng gõ cửa hỏi được bao nhiêu thì đưa mẹ giữ hộ vì phòng mình không có két. Mẹ còn bảo hai đứa còn trẻ, chưa biết tính toán chi tiêu nên lĩnh lương về cứ đưa mẹ giữ vì trước giờ mẹ vẫn giữ tiền cho chồng mình”.
“Lương hai vợ chồng chỉ để lại mỗi người 2 triệu tiêu vặt, còn lại đưa hết cho mẹ. Mẹ bảo trích ra một phần chi tiêu sinh hoạt chung, phần kia thì tiết kiệm cho hai đứa, nhưng mình cũng chẳng biết là đã được bao nhiêu. Giờ mình có việc riêng cần dùng đến tiền, hỏi thì mẹ cứ tra là việc gì mà cần dùng nhiều tiền thế, rồi bảo tiền mẹ gửi ngân hàng hết rồi, chưa đến kỳ hạn rút, rồi im ỉm luôn chả đưa cho mình xu nào, ngại hỏi nên đành phải về xin mẹ đẻ”, chị ấm ức kể.
Chị bảo, sống chung với gia đình chồng nên chị đã lường trước các mâu thuẫn, cố gắng sao cho quan hệ mẹ chồng – nàng dâu suôn sẻ. Thế nhưng, mẹ chồng đòi giữ tài chính của hai vợ chồng khiến chị khó chịu, chị lại không dám cãi lời vì sợ mất lòng mẹ.
“Tiền của mình mà cứ như đi xin ấy, mỗi lần chi tiêu việc gì lại phải mở miệng ra xin. Mình muốn giữ riêng cũng không được vì mẹ chồng đã quán triệt tư tưởng ngay từ đầu là đưa hết tiền cho mẹ giữ”, chị nói.
Ngay đêm tân hôn, mẹ chồng đã gõ cửa đòi giữ tiền, vàng của con dâu
Gửi mẹ chồng: vào thì dễ, lấy ra thì khó!
Ba năm sau đám cưới, chị Thu Trang (Hoàng Quốc Việt, HN) vẫn thấy mình “dại” vì đưa hết tiền vàng cho mẹ chồng giữ hộ. “Hồi mới cưới lơ nga lơ ngơ, có bao nhiêu vàng và tiền mừng đưa hết cho mẹ chồng giữ vì nghĩ hai vợ chồng chưa tiêu đến, để trong phòng thì không an toàn. Bình thường chả dám hỏi vì ngại, đến khi sinh bé cần tiền, hỏi bà thì bà bảo đưa cho anh chồng mượn mua nhà hết rồi. Mình cứng họng, chả biết nói gì. Từ bấy đến giờ cũng chả thấy bà hay anh chồng đả động gì đến chuyện đưa lại, mà những 12 chỉ vàng và 20 triệu tiền mừng đấy”.
Chuyện mẹ chồng giữ hộ của hồi môn cho con dâu sẽ không có gì đáng bàn nếu chỉ đơn thuần là giữ hộ. Thế nhưng, theo tổng kết của không ít nàng dâu thì tiền vàng cưới mà gửi mẹ chồng là coi như mất trắng bởi chiếc hòm của mẹ chồng chỉ có cửa vào chứ không có cửa ra.
“Tiền của mình tốt nhất là mình tự giữ, chứ đưa cho mẹ chồng thì xác định không có ngày lấy lại. Gửi thì dễ, lấy ra thì khó. Vợ chồng tôi là một điển hình. Ngày cưới cũng được tặng hơn cây vàng, chưa hết tiệc mẹ chồng đã mon men ra bảo cầm hộ vì sợ mình làm rơi. Lúc đấy chả nghĩ gì nhiều cũng đưa tất. Cứ tưởng sau rồi mẹ đưa lại, ai ngờ sau này có việc cần dùng đến, hỏi thì bà bảo bà bán lấy tiền lo đám cưới hết rồi. Đành thôi, coi như chưa được tặng”, chị Ánh (Tây Hồ, HN) chia sẻ.
Khi Thùy và Đông (Hà Đông, Hà Nội) còn đang yêu nhau, bố mẹ Thùy có úp mở chuyện ông bà có một mảnh đất, ít nữa sẽ cho Thùy một nửa làm của hồi môn. Đông nghe thế thì vui lắm. Còn Thùy thì nặng trĩu lòng.
Cô biết, đó là tích góp của cả đời bố mẹ, đáng lẽ phải để ông bà dưỡng già. Nhà cô chỉ có 2 chị em gái, mà con gái đi lấy chồng sẽ chẳng có điều kiện để chăm sóc cho bố mẹ được nhiều.
Lúc cưới, bố mẹ Thùy cũng chẳng có gì cho cô cả. Thấy bố mẹ áy náy, Thùy rơm rớm nước mắt. Đông thì chắc mẩm được nửa mảnh đất rồi, nên có mấy chỉ vàng anh cũng sảng khoái cho qua.
Ấy thế nhưng người tính không bằng trời tính. Bố mẹ Thùy vừa bán được đất, định cho mỗi chị em Thùy một phần thì bố cô ngã bệnh. Bao tiền của lại phải đổ vào chữa bệnh cho ông. Khoản của hồi môn cho Thùy cũng đành lỡ hẹn.
Vì không có của hồi môn nên Thùy bị gia đình chồng coi như tội đồ
Cay đắng chuyện của hồi môn của dâu về nhà chồng
Trong thời gian bố Thùy nằm viện, Đông chỉ đến thăm được đúng 1 lần. Thậm chí đến được dăm ba phút đã cáo từ ra về. Thái độ và cách cư xử của Đông với Thùy cũng thay đổi 180 độ. Anh coi thường và khinh ghét cô ra mặt. Thi thoảng anh còn cười mỉa mai: “Nhà em toàn lôi đất, lôi tiền ra để nhử rồi lừa con rể thế à? Chắc em rể tương lai của em cũng được một phen ngã ngửa ra ấy nhỉ?”.
Thùy nghe những lời nói ấy mà nghẹn đắng lòng. Bố cô còn đang nằm viện chưa khỏi mà chồng mình nỡ lòng nói thế? Hơn nữa, bố mẹ cô là thực lòng muốn cho các con, để con gái về nhà chồng không thua thiệt hơn người ta.
Rồi mọi chuyện cũng qua, bố cô đã khỏe lại và xuất viện. Đông hằn học và khó chịu một thời gian rồi cũng nguôi, thi thoảng anh tức lên mới đem ra cạnh khóe cô. Những lúc ấy cô lại im lặng cho yên nhà.
Đùng cái, Đông muốn tự kinh doanh riêng nhưng lại thiếu vốn. Mỗi khi về nhà, anh lúc nào rên rẩm, ca thán về tiền bạc như cố ý để Thùy nghe thấy. Thùy biết mình chẳng giúp được gì cho chồng nên chỉ im lặng. Bởi đã có lần, cô thử bàn bạc vay ngân hàng thì bị Đông gạt đi: “Vay thì tiền đâu mà trả lãi. Mấy thằng bạn anh sướng thế không biết, thằng nào cũng được nhờ nhà vợ!”.
Mấy hôm sau, đích thân mẹ chồng gọi cô vào nói chuyện: “Mẹ nói này, con cũng biết như những nhà khác con gái đi lấy chồng bao giờ cũng có khoản hồi môn. Con lúc cưới đã không có, mẹ cũng chẳng trách móc lời nào, coi như mẹ cho nhà bên ấy ‘khất’. Giờ chồng con cần tiền đấy, con xem xoay sở thế nào cho nó làm ăn chứ. Đàn bà là phải phụ giúp sự nghiệp cho chồng!”.
Cô đào đâu ra tiền bây giờ? Còn bố mẹ cô đã đủ khổ lắm rồi, cô chưa phụng dưỡng được ông bà ngày nào, sao nỡ lòng về đòi hỏi nữa chứ? Vì thế, mặc dù không muốn nhưng cô vẫn phải tiếp tục diễn bài im lặng.
Nhưng ngày nào cô còn chưa mang tiền về thì ngày đó Đông còn đá thúng đụng nia, còn khó chịu với cô. Cô nhẹ nhàng hỏi han thì anh quát lên: “Không có tiền chứ còn sao nữa!”. Mẹ chồng thì mỗi bữa cơm đều ca bài: “Nhìn láng giềng mà xem kìa. Có đứa nào về làm dâu mà đi tay không đâu. Nhà này có thằng con trai duy nhất nhưng không biết chọn vợ để bây giờ khốn khổ thế này.”.
Thùy và vội bát cơm, cố không thể nước mắt trào ra. Ngày xưa yêu Đông, có lẽ nằm mơ cô cũng chẳng nghĩ đến có ngày này, vì cô không có của hồi môn mà bị cả nhà coi như tội đồ…
Hoa (Gia Lâm, Hà Nội) cũng phải khốn khổ cũng chỉ vì không của của hồi môn khi về nhà chồng.
Trước khi cưới, Hoa và chồng - Tuấn Anh đã có một mối tình đẹp kéo dài 5 năm. Nhà Hoa nghèo, ai cũng biết và Tuấn Anh cũng chẳng lạ gì. Nhưng anh vẫn quyết tâm yêu và lấy Hoa mặc cho mẹ anh ngăn cản hết lời: “Lấy vợ nghèo thì cả đời đừng có mong hòng nhờ vả được gì con ạ!”.
Trong khi mẹ Tuấn Anh vẫn chưa chấp thuận thì Hoa có bầu. Của đáng tội, cô không hề cố ý. Tuấn Anh cũng đề cập đến chuyện đám cưới ngay chứ không hề trì hoãn. Mẹ anh cực chẳng đã phải cho cưới.
Bố mẹ Hoa biết chẳng có gì cho con gái nên lúc cưới, ông bà không hề đòi một đồng tiền dẫn cưới nào từ nhà trai. Nhưng đón dâu về được vài ngày, không thấy con dâu có của hồi môn mang về, mẹ chồng Hoa chỉ thẳng tay vào cô xỉa xói: “Cô tưởng mình cao giá lắm sao? Con trai tôi cưới cho là may đấy! Thế mà dám lấy luôn cái thai làm của hồi môn. Cô giỏi thật đấy!”. Hoa biết mình đuối lý nên đành im lặng
Những ngày sau đó, Hoa có làm gì bà cũng không vừa lòng, thậm chí còn liên tục bắt bẻ, mắng mỏ cô. Mỗi khi … thích lên, bà lại mang vấn đề của hồi môn ra nhai đi nhai lại. Cô đang mang thai nhưng mọi việc trong nhà một tay cô vẫn phải làm tất. Mẹ chồng đã nghỉ hưu, ở nhà rảnh rang nhưng đến mớ rau cũng đừng hòng nhặt giúp con dâu.
Tuấn Anh cũng thương cô nhưng một lên là mẹ, một bên là vợ, anh chỉ biết khuyên vợ: “Thôi nhịn mẹ một tí em ạ!”, chứ sao dám khuyên mẹ nhường nhịn vợ mình.
Cũng vì không có của hồi môn nên Hoa không có chút tiếng nói nào trong nhà. Từ việc bé nhất đến những việc to, thấy Hoa có ý định tham gia bàn chuyện là mẹ chồng chặn họng ngay: “Không đem được gì về nhà này, không có tư cách lên tiếng ở đây!”.
Rồi em trai Tuấn Anh cưới vợ. Đó là quãng thời gian Hoa bị đay nghiến và chì chiết kinh khủng nhất. Tất cả cũng chỉ bởi em dâu có của hồi môn mang về nhà chồng, chứ không như cô, tay trắng đi làm dâu.
Mẹ chồng được thể ngày đêm so sánh 2 cô con dâu. Trời đánh tránh miếng ăn, nhưng đến bữa ăn cơm bà cũng không để Hoa được yên. Kèm với sự so sánh bao giờ chả là những cái bĩu môi, lườm nguýt và khinh bỉ.
Không những thế, đi đâu bà cũng hết lời khen ngợi con dâu thứ, mặc dù của hồi môn con dâu mang về thì cũng vợ chồng em ấy hưởng chứ bà có được đồng nào đâu. Đã thế, em dâu còn đòi ra riêng, chẳng ở chung với ông bà ngày nào, trong khi vợ chồng Hoa ở cùng bà, chăm lo cho bà từ bữa ăn tới giấc ngủ. Mỗi lần bà ốm đau cũng một tay Hoa chăm sóc nhưng bà chẳng cần biết những điều đó.
Quá đáng hơn nữa là, vào những ngày nghỉ, khi nhà em chồng về chơi, Hoa như trở thành ô sin, có địa vị thấp nhất trong nhà. Hình như chỉ có em dâu mới là con dâu bà. Mẹ chồng ân cần, thân thiết hỏi han em dâu, xuýt xoa khi em có bầu, nhưng khi nhìn sang Hoa thì lạnh lùng, khinh khỉnh. Em dâu thấy thế cũng được thể vênh váo, nghiễm nhiên coi Hoa là ôsin phục vụ, sai bảo đủ thứ.
Hoa biết, cô mà phản kháng là mẹ chồng sẽ được thể “nhảy dựng” lên và bao nhiêu tội lỗi kinh khủng nhất cứ thế đổ lên đầu cô. Cô cũng chẳng muốn chồng lo lắng, gia đình ẫm ĩ, rồi đến tai bố mẹ cô lại khiến ông bà buồn phiền. Vì thế, Hoa chỉ còn biết cắn răng chịu đựng…
Theo Gioitre.com