Để hạn chế ùn tắc giao thông, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM đầu tư ngân sách để xây 34 cổng thu phí xe ô tô vào khu vực trung tâm. Các cổng thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, quận 3 và giáp ranh quận 5, quận 10 với tổng mức kinh phí dự kiến là 250 tỷ đồng.
Xung quanh vấn đề này và các ý kiến trái chiều từ dư luận, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, sở GTVT TP.HCM.
Thưa ông, vì sao sở GTVT TP.HCM lại có đề xuất thu phí xe ô tô vào trung tâm thành phố?
Vài năm qua, kinh tế của cả nước ngày càng phát triển, đặc biệt là giá xe ô tô ngày càng rẻ. Vì thế, số lượng xe ô tô tại TP.HCM đã tăng 15% trong 6 tháng đầu năm 2019, trong khi xe máy chỉ tăng 6%. Đây là thách thức rất lớn, nếu không có biện pháp sẽ gia tăng điểm đen ùn tắc, khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Chính vì vậy, sở GTVT TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông. Dự án bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí.
Mục tiêu của dự án là kéo giảm ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn thu ngân sách để bảo trì đường bộ và phát triển giao thông công cộng của thành phố.
Theo quy hoạch, khu vực nào sẽ được xem là trung tâm thành phố nhằm triển khai thu phí?
Vành đai thu phí sẽ bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.
Từ đó, 34 trạm thu phí sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài thường xuyên kẹt xe. Tôi nhấn mạnh rằng, nếu được triển khai, việc thu phí chỉ áp dụng với xe ô tô đi vào, không thu phí với xe từ bên trong khu vực trung tâm đi ra bên ngoài.
Vừa qua, vào giữa tháng 6/2019, Hội đồng tư vấn về giao thông đô thị của TP.HCM đã ủng hộ chủ trương, thu phí xe ô tô chiều vào trung tâm và đề xuất triển khai thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công. Theo đó, UBND TP.HCM giao một đơn vị của thành phố làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định. Sau khi thực hiện xong, dự án sẽ tổ chức đấu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu sẽ nộp về ngân sách thành phố.
Công tác triển khai dự án này đang ở giai đoạn nào, thưa ông?
Sở GTVT TP.HCM mới trình báo cáo đề xuất với UBND TP. Nếu chủ trương được chấp thuận, dự án sẽ giao cho trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2021.
Khi đó, sở GTVT sẽ tiếp tục lấy ý kiến các sở ngành, UBND các quận có liên quan, trình ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM để hoàn thiện nghiên cứu dự án. Sau khi HĐND TP.HCM thông qua chủ trương, kế hoạch, dự án sẽ được chạy thử nghiệm, khảo sát trên mô hình rồi báo cáo UBND TP.HCM, trình HĐND TP.HCM phê duyệt, thống nhất cách triển khai, mức phí,...
Được biết, các nghiên cứu về dự án này đã có từ năm 2012, do công ty CP công nghệ Tiên Phong thực hiện. Với lần đề xuất này, sở GTVT TP.HCM cho rằng điểm mấu chốt để tăng tính khả thi là gì?
Đúng vậy, dự án đã được một đơn vị tư nhân nghiên cứu từ trước. Vì thế, sở GTVT TP.HCM đang kết hợp để tiếp nhận, nghiên cứu thêm. Lần nay, chúng tôi nhấn mạnh về công tác sử dụng công nghệ thu phí không dừng.
Thẻ E-tag thu phí không dừng đang được gắn miễn phí cho xe ô tô tại trạm đăng kiểm. Vì thế, chúng ta có thể tăng cường xử lý phạt nguội nếu phương tiện không dán thẻ E-tag, tài khoản không đủ tiền,...Nhưng việc này đòi hỏi phải có sự thống nhất quan điểm từ bộ GTVT bằng cách điều chỉnh các quy định pháp luật cần thiết.
Đồng thời, sở GTVT TP.HCM cũng đang nghiên cứu và thống nhất về khung giờ cao điểm để thu phí, điều chỉnh mức phí với các hộ gia đình, người dân trong phạm vi có trạm thu phí. Dự kiến, nếu dự án được triển khai đồng bộ cùng các giải pháp khác như phát triển giao thông công cộng, quy hoạch hệ thống đường bộ,... thì trung tâm thành phố có thể giảm ùn tắc khoảng 30 – 50%.
Cảm ông đã chia sẻ!