Gần đây, khi đi qua đường Chùa Bộc, tôi bất ngờ gặp một phụ nữ chạy xe máy tay ga hiệu Honda Lead ở đoạn giao ngã tư, vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, rồi gào lên “Ôi mẹ ơi! Ôi mẹ ơi!”. Trông cô vừa bất lực, vừa thảm thương, nửa muốn cầu cứu tất cả, nửa chẳng thiết gì nữa.
Rất nhiều người ngạc nhiên trước cảnh ấy, trong đó có tôi. Ngỡ rằng cô ấy đang đi trên đường thì nghe tin mẹ mất chăng?
Nhưng hỏi ra, thì mới biết cô vừa bị giật mất chiếc túi xách treo trên xe. Lúc đó tôi mới nhớ ra tiếng rồ ga khủng khiếp song song với mình, hóa ra kẻ thủ ác đã đeo bám “con mồi” rất lâu trước khi quyết định ra tay ở địa điểm phù hợp. Có lẽ, trong túi có những tài sản rất giá trị mà gã đã nhắm trước rồi…
Câu chuyện này được tôi chia sẻ với nhiều bạn bè, đồng nghiệp để cảnh báo mọi người cẩn thận trong quãng thời gian được cho là “tháng củ mật” rất cần cẩn trọng này.
Thế nhưng, lạ một điều, phản ứng phổ biến mà tôi nhận được không phải là sự thông cảm, xót xa cho nạn nhân nữ bất lực kia, mà lại là sự chỉ trích, đổ lỗi rất mạnh mẽ.
“Xe Lead có cốp rộng thế mà tại sao không biết nhét vào?”
“Hớ hênh cơ! Chắc là cái loại đoảng. Chứ giờ ra đường mà ngây thơ thế thì chết!”
…
Muôn vàn lời kiểu như vậy.
Điều ấy làm cho tôi giật mình: Dường như “đổ lỗi” đang trở thành một phản ứng dễ dàng và nhanh chóng của nhiều người đối với những sự việc đáng căm phẫn trong xã hội.
Một vụ án giết người dã man vừa xảy ra? Đã tìm ra kẻ thủ ác ư? Vậy là… yên tâm rồi, hắn sẽ phải nhận án tử hình xứng đáng thôi. Mọi thứ rồi sẽ sớm trôi vào quên lãng, vì đã tìm ra “kẻ bị đổ lỗi”, bất chấp những hệ lụy xung quanh khác cần quan tâm tới đâu chăng nữa.
Còn một vụ cướp giật như đã nói ở trên? Thủ phạm chưa bị bắt, thì tất cả những lời đổ lỗi dồn cả lên đầu… nạn nhân, hoặc bất kỳ ai có thể đổ lỗi được.
Dường như chỉ cần tìm ra người đổ lỗi, là một bộ phận dư luận yên tâm rằng vậy là đã thỏa mãn. Nhưng chắc chắn đây chỉ là một sự tự mãn vô trách nhiệm, và trong nhiều trường hợp, còn rất… vô tình nữa.
Sở dĩ tác giả nêu ra vấn đề trên, vì gần đây trên mạng internet xuất hiện những lời cầu cứu của các nữ sinh viên ở một khu ký túc xá trên địa bàn Hà Nội. Họ kể rằng vào buổi tối, họ đã bị sàm sỡ, quấy rối tình dục ra sao, và tinh thần hoang mang thế nào khi tình trạng này chưa chấm dứt.
Vậy mà, thay vì cùng lên tiếng để tạo sức ép dư luận giải quyết tình trạng đó, một bộ phận không nhỏ “cư dân mạng” lại đổ lỗi quyết liệt cho các nạn nhân. Kiểu như: Ai bảo đi chơi tối? Ai dạy ăn mặc hở hang để rồi bị sờ soạng?...
Thật kỳ lạ!
Trong bối cảnh xã hội phát triển không ngừng này, mà những tâm lý, tư duy ích kỷ và phi lý đó vẫn tồn tại phổ biến đến như vậy. Nếu họ không đổ lỗi cho nạn nhân, không tìm ra ai phải chịu lỗi thì họ không cam lòng hay sao?
Đã nhiều lần, tác giả đặt ra vấn đề xây dựng một môi trường đáng sống như tiêu chí không thể thiếu cho cuộc sống văn minh.
Thế nên, đáng sống kiểu gì mà một người không được cầm túi tiền đầy khi bước chân ra đường, mà phải giấu diếm như thể kẻ bất minh, để khỏi bị cướp giật, móc túi, chiếm đoạt?
Đáng sống kiểu gì mà mặc một bộ cánh thời trang yêu thích nhưng nếu bị sàm sỡ thì bộ cánh đó lập tức trở thành nguyên nhân của mọi tội lỗi?
Bởi thế, tôi tin rằng những người tử tế muốn xây dựng một môi trường đáng sống sẽ không bao giờ coi đổ lỗi là cách thức giải quyết nhanh nhất cho mọi vấn đề. Và đáng sợ hơn, là đổ lỗi cho chính nạn nhân, khi chưa tìm ra ai thích hợp hơn để… đổ lỗi!
Bút Lãng
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả