Bánh chưng là món ăn rất giàu chất béo, giàu giá trị dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Mỗi 100 gam bánh chưng sẽ cung cấp năng lượng là 181kcal; 4,3 gam chất đạm; 4,2 gam chất béo; 31,6 gam chất bột đường; 0,6 gam chất xơ; 26 gam can xi; 0,94 gam sắt; 1,4 gam kẽm. Không quá khó hiểu món bánh chưng khiến nhiều người ăn có cảm giác no lâu, tích năng lượng lớn.
Tuy nhiên, chỉ vài mẹo nhỏ khi ăn uống, bạn có thể yên tâm ăn bánh chưng Tết mà không lo ngại chuyện sẽ mất dáng.
Hạn chế ăn bánh chưng rán
Bản thân bánh chưng đã chứa nhiều chất béo, khi rán bằng dầu mỡ thì lượng chất béo sẽ còn tăng cao hơn. Không chỉ gây tăng cân, lượng chất béo hấp thụ từ bánh chưng rán vào cơ thể còn đặc biệt không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận.
Không ăn bánh chưng vào ban đêm
Ăn bánh chưng vào buổi tối sẽ khiến bụng đầy hơi, khó tiêu, khó ngủ. Vì vậy, nếu thích món này, chỉ nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa. Lượng bánh chưng nạp vào cơ thể tốt nhất chỉ nên khoảng 100 gam bánh, tức 1/10 cái bánh chưng.
Không ăn quá nhiều dưa muối kèm bánh chưng
Dưa hành muối ăn kèm sẽ giúp tiêu hóa bánh chưng nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, bánh chưng khá mặn, khi ăn kèm với dưa muối sẽ chứa hàm lượng muối cao, có thể gây tăng tiết acid dịch vị nếu ăn nhiều. Chính vì vậy, những người thừa cân, cao huyết áp, có bệnh lý về dạ dày, đái tháo đường…không nên dùng nhiều bánh chưng và dưa muối. Ngoài ra, đối với người mắc bệnh cao huyết áp và tim mạch thì không nên ăn bánh chưng kèm dưa hành muối vì không tốt cho sức khỏe do dưa hành muối có nhiều muối.
Khi ăn bánh chưng, tốt nhất ăn cùng rau, quả. Những người mắc bệnh mãn tính nên có phần kiêng kỵ khi ăn bánh chưng, ví dụ như bệnh tiểu đường không nên ăn bánh chưng ngọt, người bị chứng nhiễm mỡ máu không nên ăn bánh chưng mặn, người chức năng tỳ vị không tốt không nên ăn bánh chưng nguội.
Nguyên Anh (Tổng hợp)