Lực lượng Houthi tuần hành phản đối cuộc xung đột do Israel phát động ở Dải Gaza.
Theo tờ New York Times, lực lượng Houthi từng thành công trong việc vũ khí hóa radar thương mại có thể dễ dàng mua ở các cửa hàng tàu biển và gắn lên tàu thuyền quân sự. Phương pháp mới này của Houthi khiến lính thủy đánh bộ Mỹ đặc biệt quan tâm. Tháng 9/2022, lính thủy đánh bộ Mỹ hoạt động ở Biển Baltic cũng áp dụng hệ thống radar di động tương tự như của Houthi.
Lực lượng Houthi được cho là có cơ sở sản xuất và lắp ráp vũ khí ngầm dưới lòng đất từ trước khi cuộc nội chiến ở Yemen nổ ra vào năm 2014. Cùng năm đó, sau khi kiểm soát thủ đô Sanaa, Houthi nắm trong tay kho vũ khí của quân đội Yemen.
Kể từ đó Houthi đã không ngừng cải thiện năng lực quân sự, sở hữu loạt tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV) tự sát.
"Kho vũ khí Houthi đa đạng đến kinh ngạc", Fabian Hinz, chuyên gia am hiểu về tên lửa và UAV tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London (Anh), nói.
Lực lượng Hezbollah cũng giúp huấn luyện các chiến binh Houthi, giúp Houthi vận dụng hiệu quả các yếu tố địa hình trong cuộc xung đột với Ả Rập Saudi và đồng minh.
Theo New York Times, việc Houthi "làm chủ" chiến trường ở Yemen khiến Mỹ và phương Tây chỉ có ba lựa chọn khả thi. Đó là tìm cách tịch thu vũ khí Iran vận chuyển cho Houthi qua đường biển, tìm kiếm nơi Houthi cất giữ vũ khí để phá hủy và chủ động phá hủy các xe phóng tên lửa ngay trước khi Houthi khai hỏa.
Lựa chọn thứ ba là khó nhất. Houthi được cho là che giấu các bệ phóng tên lửa cơ động ở nhiều địa điểm khác nhau. Chỉ mất một thời gian ngắn từ khi di chuyển đến khi khai hỏa.
Khả năng cơ động giúp lực lượng Houthi đối phó hiệu quả các cuộc tấn công từ Ả Rập Saudi đến mức lính thủy đánh bộ Mỹ cũng tìm cách sao chép vũ khí và chiến thuật, theo New York Times.
Houthi đã phát triển radar cơ động giống Simrad Halo24 - mẫu radar được bày bán rộng rãi ở các cửa hàng thương mại với giá chỉ 3.000 USD. Radar này chỉ mất 5 phút để thiết lập và có thể dễ dàng lắp đặt trên các tàu, thuyền cỡ nhỏ. Giống như Houthi, lính thủy đánh bộ Mỹ muốn có các radar cơ động để chủ động thu thập dữ liệu về các hoạt động trên biển.
Trung tướng Frank Donovan, hiện là phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt Mỹ, đã nhận thấy những gì Houthi làm với hệ thống radar khi ông chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Hạm đội 5 phụ trách khu vực phía nam Biển Đỏ.
Khi tìm hiểu cách Houthi phát hiện mục tiêu trên biển như thế, trung tướng Donovan nhận ra Houthi còn lắp radar lên các phương tiện trên bờ và liên tục di chuyển chúng.
Tướng Donovan sau đó đã chỉ đạo tiểu đoàn trinh sát thiết giáp hạng nhẹ số 2 phát triển hệ thống radar tương tự.
Đăng Nguyễn - New York Times