“Vua voi” Ama Kông là một huyền thoại sống ở buôn Đôn, với những chiến công săn voi, thuần dưỡng voi từ ngày ông còn trai trẻ.
Chân dung “Vua voi” Ama Kông
Cả cuộc đời, ông săn và thuần dưỡng được gần 300 con voi, từng là người giàu nhất buôn, nói tiếng Pháp như gió, cưỡi xe Jeep, lấy nhiều vợ, và đến 80 tuổi vẫn cưới cô vợ mới chỉ 25 tuổi, sinh một đứa con khỏe mạnh, tìm ra bài thuốc duy trì sinh lực từ núi rừng…Với tất cả những tính cách đó, Ama Kông được ví như người đặc biệt nhất ở buôn Đôn.
“Người đặc biệt” ở buôn Đôn |
Ama Kông tên thật là Y Prong Êban, là con trai của một trong số những người đầu tiên lập nên buôn Đôn. Thời trẻ, Ama Kông sớm bộc lộ tư chất một dũng sĩ săn voi. Danh bậc cao quý trong nghề săn voi là Gru (bắt được 30 con) ông đạt được khi còn thanh niên. Tiếng tăm của Ama Kông vang xa đến nỗi, mỗi khi du ngoạn lên Tây Nguyên, vua Bảo Đại thường tìm gặp ông. Ông là một trong số ít Gru ở buôn Đôn bắt được voi trắng tặng vua Bảo Đại, thuần dưỡng được voi dữ một ngà.
Tài năng, dũng cảm, nổi tiếng… chính vì thế, Ama Kông đã trở thành niềm khao khát của biết bao thiếu nữ. Người vợ đầu của ông tên H’Nu qua đời vì bạo bệnh. Theo tục lệ của người M’ Nông, chị mất thì em thay. Cô em vợ H’Nốt khi đó kém Ama Kông tới 15 tuổi, đã sinh cho ông tới 6 người con. Nhưng cái máu đào hoa khiến Ama Kông không dừng lại ở đó. 62 tuổi, ông bỏ lại của cải và ngôi nhà, ra đi theo tiếng gọi tình yêu với một phụ nữ tên H’Biai. Người phụ nữ này sau mắc chứng nghiện rượu rồi qua đời trong một cơn say.
Những tưởng, ở cái tuổi “gần đất xa trời” Ama Kông chả còn tha thiết yêu đương, chăn gối. Nhưng 80 tuổi, ông tuyên bố lấy vợ. Không thể hiểu nổi, một ông già 80 tuổi có “chiêu” gì “độc” mà cưới được cô gái mới 25 xuân mơn mởn. Cuộc đời của ông già Ama Kông đầy những điều thú vị, bất ngờ đến khó tin như thế. Nhưng chuyện khó tin hơn cả, đó chính là “khả năng đàn ông” của ông.
Bằng chứng, ông lấy bà vợ thứ 4, sinh được một cô con gái xinh xắn, má lúm đồng tiền. Dường như ông là người duy nhất ở Việt Nam sinh con ở tuổi ngoài 80. Nếu có ai đó bảo Ama Kông là già, ông cãi “sức tao vẫn như hồi 18”. Rồi ông đưa ra tuyên ngôn về tình yêu “không được để phụ nữ thất vọng về mình, ai yêu mình là mình phải cưới người ta về làm vợ”… Rốt cuộc, bí quyết riêng của ông cũng bị “bại lộ”.
Hóa ra, trong những lần đi rừng, theo dấu của voi, ông tìm thấy bài thuốc dành cho phái mạnh. Từ đó, phương thuốc bí truyền mang tên ông ra đời. Chính cuộc đời và những lần lấy vợ “vô tiền khoáng hậu” của Ama Kông đã là lời quảng cáo tích cực nhất cho “thần dược” kia. Một đồn mười, mười đồn trăm. Tiếng tăm của Ama Kông lan qua 9 núi, 10 sông. Và giờ, những bài thuốc đó được bày bán tràn lan, khắp nơi từ Buôn Ma Thuột sang tới Pleiku, Kon Tum…
Giờ thì Ama Kông đã quá già, 103 tuổi. Ông sống trong một ngôi nhà gỗ gần 200 năm tuổi. Muốn vào được nhà ông, phải mua vé, giá 8.000 đồng. Cô bán vé giao hẹn, đây chỉ là phí tham quan, còn có gặp được chủ nhân hay không là còn tùy. Ngôi nhà dành hẳn một gian để trưng bày các vật dụng săn bắt voi, những tấm ảnh thời hoàng kim của ông, phần còn lại, bày bán những thang thuốc “đàn ông uống, đàn bà khen”. Thời gian gần đây, ông về lại ngôi nhà cũ của mình.
Người dân buôn Đôn kể, ông về nhà cũ ở với con gái lớn do không chịu nổi bà vợ thứ 4. Bà mắc chứng nghiện rượu, cứ say là vác dao rượt đuổi ông lão. Có người lại nói, ông đã quá già, thuốc quý đến mấy cũng không thể khôi phục lại “sinh lực thời trai trẻ”, trong khi bà tư còn hừng hực xuân xanh thế kia. Khi chúng tôi tới, nhà ông Ama Kông khá vắng vẻ, chỉ có mỗi cô cháu ngoại ở nhà. Đề nghị của chúng tôi là muốn được gặp ông bị từ chối, với lý do ông sốt mấy ngày qua. Hỏi chuyện cô cháu gái, về lý do ông không ở với vợ, mặt lạnh như tiền, cô này buông thõng một câu: “Bà chết”.
Đi chợ thuốc tăng lực
Đến Đắk Lắk tìm mua thuốc Ama Kông còn dễ hơn mua mớ rau. Thuốc có mặt khắp các khách sạn, cửa hàng lưu niệm, các điểm du lịch. Huyện buôn Đôn, nơi ra đời bài thuốc quý của “Vua voi” hình thành cả chợ thuốc. Thuốc bày nhan nhản dọc 2 bên đường, đủ chủng loại mẫu mã, có loại bìa màu đỏ, in hình Ama Kông đang thổi tù và, có loại in hình ông đeo kính, nheo mắt cười. Lại cũng có loại thuốc không ảnh, không hướng dẫn sử dụng, không thành phần, không có nơi xuất xứ, số điện thoại và không cả tên người sản xuất.
Quầy thuốc trong nhà Ama Kông. |
Nhìn qua, các loại thuốc đều na ná giống nhau với thân cây, rễ cây, lá khô băm nhỏ. Giá thuốc thôi thì đủ các loại. Trong ngôi nhà cổ nhất buôn, cháu ngoại Ama Kông bán một gói là 250 nghìn đồng, có loại lên tới 500 nghìn đồng, thì ngoài “chợ thuốc” giá cao nhất chỉ có 100 nghìn đồng/ gói. Thậm chí khách trả 60 nghìn đồng mà mua với số lượng lớn thì chủ cũng gật. Trong nhà giá cao, ngoài cửa giá chưa đến nửa khiến nhiều người bỗng hoang mang, nghĩ mình bị lừa. Cô gái bán thuốc ở buôn Đôn tên H’Miêng bảo: “Các vị thuốc giống nhau cả đấy. Nhà đó (chỉ nhà ông Ama Kông) đắt là do thương hiệu thôi... Cứ yên tâm mà uống!”.
Ông Trương Bi - phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, giờ “Vua voi” đã già, truyền lại bài thuốc cho con trai là Y sĩ Khăm Phết Lào. Các thành phần của thuốc cũng đã được Hội Đông y tỉnh nghiên cứu và bước đầu xác nhận, những vị thuốc này có tác dụng tăng lực, tăng sức bền vận động, tăng nồng độ testosterone trong máu… Bài thuốc có 3 loại cây chính là Tom NgLeng (lá của một loài Micromelum thuộc họ cam), Nam Dong (thân rễ một loài Smilax thuộc họ kim cang), Tom Trơng Nenso (thân một loài Urceola thuộc họ trúc đào).
Thầy thuốc Khăm Phết Lào từng cho biết, để cho ra mỗi thang thuốc Ama Kông có giá trị thực sự, phải trải qua quá trình bào chế rất công phu, chứ không phải kiểu “nhổ bừa, chặt khúc, phơi khô”. Việc đi lấy cây thuốc phải tính theo thời điểm, từ việc lấy trong mùa nhiều sương hay mùa khô cạn, vị nào cần non, vị nào cần già… cho đến cách thức phơi, sấy, bào chế, ngâm tẩm sao cho dược tính hiệu nghiệm nhất rồi tổ hợp các vị thuốc lại, vị nào đi với vị nào, tỉ lệ thành phần ra sao để có thể phát huy tối đa tác dụng của bài thuốc đối với từng chứng bệnh. Nếu quy trình không được thực hiện đúng bài bản sẽ gây hại cho người sử dụng.
Các loại cây này trước đây có nhiều ở vùng York Đôn nhưng giờ đã bị khai thác cạn kiệt, muốn thu hái nhiều phải tốn công sức đi tìm tận những khu rừng sâu, hẻo lánh, sát biên giới Campuchia. Nhiều người dân hám lợi đã độn thân, rễ các cây thuốc khác vào để bán. Vì thế “thuốc quý” mà nhiều hơn rau dại, bán tràn lan khắp các đường phố Buôn Ma Thuột với giá rẻ không ngờ.
Theo An ninh Thủ đô