Nghe tin Hùng sắp về, bà Ngô Thị Ngoan (mẹ Hùng) đứng ngồi không yên. Rồi không thể kiên nhẫn thêm, ngay từ trưa 6/1, bà ra tận con đê đầu làng, đợi hàng mấy tiếng đồng hồ để đón đứa con của mình trở về. Gặp lại Hùng, bà Ngoan ôm chặt vào lòng, khóc nức nở: "Với mẹ, con như đã chết sống lại đấy, con à. Mẹ vui và hạnh phúc lắm". Ngày 6/1/2012, niềm vui không chỉ tràn ngập trong ngôi nhà của đại gia đình bà Ngô Thị Ngoan mà còn của hết thảy người dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), sau khi thủy thủ Hùng, người sống sót duy nhất trên chuyến tàu định mệnh Vinalines Qeen đã trở về với gia đình.
Được đón như người hùng
Ngày 4/1, nghe tin thủy thủy Đậu Ngọc Hùng đã về tới Hà Nội, người dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu ai cũng vui vẻ phấn khởi. Ngay từ sáng ngày 5/1, nhà bà Ngoan được bà con hàng xóm đến dựng cho cái rạp, rồi nhạc được bật lên, cứ như có đám cưới vậy. Hàng trăm người đến uống nước, chia sẻ niềm vui với gia đình bà Ngoan và quan trọng là mong được chứng kiến giây phút Hùng đoàn tụ với người thân.
Một ngày trôi qua, nhận bao nhiêu lời hỏi thăm, nhưng bà Ngoan vẫn chưa được trông thấy đứa con trai của mình. Bồn chồn, lo lắng dù biết rằng, Hùng đã về tới Hà Nội và đang muốn giải quyết thật nhanh mọi công việc liên quan để trở về đoàn tụ bên gia đình.
Sáng ngày 6/1, nghe tin Hùng và vợ đã lên xe về Nghệ An, xóm nhỏ bỗng rộn ràng cả lên. Trưa cùng ngày, khi hay tin Hùng sắp đến nơi, hàng trăm người đã ra tận đầu thôn để đón anh trở về. Thấy Hùng xuất hiện, dù sức yếu nhưng bà Ngoan vẫn chạy thật nhanh đến ôm lấy đứa con vào lòng, hôn lấy hôn để rồi tự nhiên nước mắt lăn dài trên má của cả hai người.
Cảnh hai mẹ con Hùng gặp lại nhau khiến tất cả đều cảm động. Dòng người bỗng chốc ùn ùn kéo đến nhà thủy thủ Hùng, nghe anh kể về phút giây sinh tử, chưa bao giờ dân làng nơi đây lại thấy vui và phấn khởi như vậy. Việc chiến thắng biển cả để trở về của thủy thủ Hùng khiến người dân nơi đây rất lấy làm tự hào, họ xem anh như người hùng khi mang lại niềm vui cho thôn xóm.
Thủy thủ Hùng đoàn tụ bên gia đình.
Hôm 6/1, trùng ngày giỗ ông nội của Hùng, việc anh trở về càng trở nên ý nghĩa hơn với gia đình. Bà Ngoan hạnh phúc và cảm động vì một ngày diễn ra bao nhiêu sự kiện quan trọng của gia đình. Bà cũng không quên dặn dò Hùng lúc gặp lại rằng: "Giờ thì ở nhà đấy, không nước ngoài gì nữa đâu nhé, giàu mấy cũng không được đi nữa". Dứt câu nói của bà Ngoan, tức thì hàng chục tiếng cười vang lên, nhưng họ hiểu sau những biến cố như vừa xảy ra, cái bà Ngoan cảm nhận sâu sắc nhất là sự hiện hữu của những người thân mình.
Từng là người bơi giỏi nhất làng chài
Trong câu chuyện vui ngày về của Hùng, rất nhiều người bình bán về lý do vì sao, trong hoàn cảnh như vậy, trong 23 tuyển thủ, chỉ duy nhất Hùng sống sót. Ngại giải thích về điều đó vì nó khơi dậy nỗi đau nơi anh Hùng khi nghĩ về 22 thủ thủy còn lại, nhưng người thân của Hùng tự tin rằng, Hùng sống được nhờ bơi rất giỏi. Họ tiết lộ bí thông tin rằng, hồi còn học sinh, Hùng là người bơi giỏi nhất làng.
Lãnh đạo địa phương đến chúc mừng thủ thủy Hùng.
Tốt nghiệp cấp 3, Hùng thi vào trường Trung cấp Hàng Hải để thỏa ước mơ chinh phục biển cả. Sau 2 năm vất vả với rất nhiều bài học trên biển, Hùng cũng được nhận tấm bằng tốt nghiệp để từ đây vươn tới những ước mơ chinh phục biển cả. Anh vào Nam làm việc cho một con tàu lớn chuyên đánh cá.
Nhiều năm lênh đênh trên biển, kinh nghiệm đầy mình và Hùng rất tự tin với nghề nghiệp của mình. Thế nhưng, bởi sự ngặt nghèo về thu nhập và luôn phải sống xa gia đình nên năm 2006, Hùng đã xin nghỉ để trở về quê tìm công việc mới. Một ngư dân có mặt trong ngôi nhà của Hùng cho biết: Nhờ làm quen với sóng gió ở biển nhiều nên Hùng có những cảm nhận rất tinh tế và có thể đó là lý do, Hùng thắng được biển cả để trở về.
Tiếp về câu chuyện cuộc đời của Hùng, ngày ấy tạm gác lại những dự định ngoài biển khơi, Hùng tìm hiểu và sau đó xây dựng gia đình với chị Thắm. Lấy nhau được một thời gian, họ sinh đứa con gái đầu lòng và kinh tế đè nặng, Hùng phải tiếp tục quay lại với nghề đi biển để làm tròn vai trò trụ cột trong gia đình. Nhưng ở quê nhà, đánh bắt thô sơ, không mấy hiệu quả và cảm thấy phí những năm tháng học hành của mình, Hùng đã bàn với vợ rồi ra Hà Nội xin làm cho Vinalines. Sau nhiều cơ duyên và Hùng được trở thành thủy thủ trên các chuyến tàu của tập đoàn này.
Trước đó, Hùng cũng đã có một chuyến đi kéo dài 3 tháng và người nhà anh Hùng cho biết, trong thời gian Hùng làm ở Vinalines, thu nhập khá ổn định, khoảng 8 triệu đồng /tháng.
Nghề biển phải đi biền biệt nhưng bởi là bản thân là trụ cột, ngoài nuôi vợ nuôi con còn phải có trách nhiệm với bố mẹ già, nên Hùng đành phải chấp nhận để hàng tháng gửi tiền về cho gia đình. Nhưng đời có ai học được chữ ngờ, khi mọi thứ đang êm đềm trôi qua như vậy, thì chuyện xảy ra. Hùng sống sót trở về một cách kỳ diệu, ai cũng mừng, nhưng rồi đây, nếu Hùng không đi biển nữa, gia đình không biết trông vào cái gì. Hùng cho biết, anh chưa quyết định có làm thủy thủ tiếp hay không, trước mắt anh chỉ muốn ở nhà với gia đình và chờ mong tin tức các thủy thủy còn lại. Có thể hiểu được nỗi lòng của Hùng, anh đang muốn dành tất cả cho người thân sau những gì họ đã phải chịu đựng.
Trở về với căn nhà ấm cùng, bên người mẹ già và vợ con, nhưng ký ức về những ngày kinh hoàng trên trên biển vấn còn nguyên trong ký ức anh Hùng. Anh có một nguyện vọng là được góp phần tích cực vào việc tìm kiếm các thủy thủy còn lại.
Kim Anh - Lê Giáp