Với tay nghề khéo léo, đôi mắt tinh tế và trí tưởng tượng phong phú, anh Lăng đã sáng tạo nên những bức tranh truyền thần tuyệt mỹ trị giá tiền tỷ.
Tuyệt kỹ khảm tranh truyền thần
Ngày nay, bên dòng sông Nhuệ hiền hòa, tiếng "cò cưa" từ những ngôi nhà làm nghề chế tác khảm trai vẫn vọng từ thế hệ này qua đời khác, để giữ lửa cho làng nghề. Họ luôn hừng hực, khí thế, say mê trong từng nét chạm khắc để tạo nên những bức tranh có giá trị nghệ thuật cao cho đời. Chúng tôi đã may mắn gặp được anh Nguyễn Văn Lăng, một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ. Năm nay anh mới 33 tuổi, nhưng đã trở thành nghệ nhân nức tiếng khắp trong và ngoài nước. Với những tác phẩm có giá trị của mình, anh đã được phong nghệ nhân đặc cách năm 2010.
Nghệ nhân khảm truyền thần Nguyễn Văn Lăng.
Anh Lăng sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Chuôn Ngọ, nơi phát tích của nghề làm tranh khảm trai. Gia đình anh có truyền thống làm nghề đã 5-6 đời, nên bản thân được thừa hưởng rất nhiều kinh nghiệm do ông cha để lại. Tiếp xúc với nghề khảm trai từ khi còn rất nhỏ đã luyện cho đôi tay của chàng trai tài hoa này tinh xảo đến từng chi tiết. Lên 15-16 tuổi, anh đã chính thức bước vào nghề làm khảm trai chuyên nghiệp. Chặng đường gần 20 năm sống chết với nghề đã mang lại cho anh những kinh nghiệm quý báu. Anh Lăng cho rằng, để đào tạo được một thợ làm khảm trai thành thạo ít nhất phải mất 10-15 năm. Mặt khác, nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: Lòng đam mê, đức tính kiên trì, trí tưởng tượng phong phú, năng khiếu hội họa.
Để hoàn thành được một bức tranh khảm trai đẹp mắt, sống động, đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tay nghề của người nghệ nhân. Đầu tiên là việc chọn nguyên liệu phù hợp cho bức tranh. Để tìm được nền cho bức tranh, cần tìm được những loại gỗ cực đẹp, có đường vân đẹp thì mới tạo được bức tranh đẹp. Anh Lăng chủ yếu dùng gỗ sến, táu được nhập từ châu Phi, Lào... cho các tác phẩm nghệ thuật của mình. Một loại nguyên liệu thứ yếu nữa đó là vỏ trai, vỏ sò.
Để tạo nên giá trị bức tranh thì cần biết cách chọn loại nào cần thiết nhất, phù hợp với nội dung từng bức tranh. Có những bức tranh cần vỏ trai, sò già để có đường vân, màu sắc phù hợp với khung cảnh của bức tranh, nhưng cũng có những cảnh chỉ cần màu sắc đơn giản thì dùng chất liệu thô. Chính vì vậy, người thợ phải định hình gam màu sắc trước cho bức tranh để có thể tìm được nguyên liệu phù hợp cho bức tranh đó. Cũng là miếng vỏ trai, vỏ sò, nhưng cũng có miếng cắt nhỏ trị giá vài trăm nghìn nhưng có miếng trị giá hàng chục triệu đồng.
Bí quyết và lòng đam mê
Với những nguyên liệu sẵn có đó đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu hội họa, bằng cách sáng tác nên những bản vẽ, mài, cưa, đục mảnh trên một tấm gỗ. Kế tiếp, phải dùng keo để hạ mặt trai khảm trên nền gỗ thành những khung hình đã vẽ, đục trước đó. Và khâu cuối cùng là dùng những nét vẽ truyền thần, và đánh bóng bức tranh. Trong tất cả các khâu trên, thì khâu cuối cùng là đòi hỏi nhiều công sức và kỹ năng nhất của người thợ. Với một mảnh vỏ trai thô, người thợ chỉ có thể mài và lấy được khoảng 2, 3 miếng thành phẩm. Vỏ trai muốn thẳng phải được ngâm trong nước, sau đó hơ trên lửa nóng rồi nắn lại. Quá trình đục đòi hỏi sự tỉ mỉ, chọn thớ để đục mới không làm hư hỏng miếng khảm trai. Do những loại vỏ trai, vỏ ốc có độ dày, mỏng khác nhau nên chỉ mài thủ công bằng tay, mới mong có những sản phẩm chất lượng và được như ý muốn. Khâu đánh bóng khảm trai và tranh đóng vai trò khá quan trọng trong việc tạo nên một bức tranh khảm trai có giá trị. Thông thường, nghệ nhân thường đánh bóng tranh bằng lá cây ngải chấm với bột vôi.
Hiện nay, anh Lăng chủ yếu khảm những bức tranh truyền thần về các nhân vật nổi tiếng, phong cảnh trong các bức tranh dân gian, đặc biệt là những bức tranh khảm trai về chân dung Bác Hồ. Nghệ nhân tiết lộ: "Đỉnh cao của kỹ nghệ khảm tranh truyền thần chính là làm nổi được cái thần thái trong bức tranh. Ví dụ về một bức tranh chân dung nhân vật, người chế tác cần phải có sự hiểu biết rất nhiều về nhân vật đó để có thể biến những vật liệu vô tri vô giác thành bức chân dung lột tả được tính cách, phong cách, thần thái và chiều sâu suy nghĩ của nhân vật trong bức tranh”.
Một bức chân dung khảm truyền thần.
Những bức tranh truyền thần trị giá tiền tỷ
Anh Lăng cho biết, những bức tranh truyền thần là vô giá. Giá trị của mỗi bức tranh thể hiện ở nét thần thái ẩn bên trong nó. Ngoài ra nó còn thể hiện ở mức độ tinh xảo, chuẩn xác, tinh tế trong từng chi tiết. Cũng cùng một bức tranh nhưng mỗi người lại có cách cảm nhận khác nhau. Chính vì vậy, rất khó để định ra một giá trị nhất định cho mỗi tác phẩm. Tuy nhiên cũng chỉ ước tính theo giá trị tương đối bằng số tiền nguyên liệu, tiền công để thực hiện tác phẩm đó. Mỗi bức tranh có giá ít nhất là 10 triệu đồng, có bức trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí có bức tranh có giá hàng tỷ đồng. Nhưng nếu nói về giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật của mỗi bức tranh truyền thần thì không thể định giá được bằng tiền.
Anh Lăng cho hay: Bức tranh mang tên "Hội nghị Hồng Anh" vừa được trả giá trên 1 tỉ đồng nhưng anh vẫn không muốn bán bởi vì giá trị của bức tranh không thể định giá bằng giá trị tiền mặt mà nó đã đạt đến đỉnh cao của giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật. Anh Lăng cho biết, để hoàn thành được bức tranh này, anh phải mất 3 năm trời ròng rã. Từ khâu chọn nguyên liệu, cho tới các khâu hoàn chỉnh bức tranh. Đã có những thời điểm, anh cảm thấy đầu óc vô cùng căng thẳng, áp lực do phải tập trung cao độ vào các bức tranh khảm trai. Có lẽ chính sự đam mê, mới có thể giúp anh vượt qua được những thời điểm khó khăn khảm thành công bức tranh vô giá.
Anh Lăng nói: Trong mỗi bức tranh của làng nghề còn có giá trị văn hóa chung của dân tộc. Tương truyền, tổ sư của nghề khảm trai Chuôn Ngọ tên là Trương Công Thành, một vị tướng tài ba, lỗi lạc dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Ông đã có nhiều công lao to lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, thời nhà Lý. Trong một lần đi dẹp loạn quân xâm lược, khi dừng chân nghỉ ngơi bên bờ suối, vị tướng quân đã tình cờ nhặt được một mảnh vỏ trai, màu sắc óng ánh, trông rất đẹp mắt. Vốn là một người có năng khiếu về hội họa, ông đã nghĩ ngay đến việc dùng vỏ trai để khảm lên gỗ làm đồ trang trí. Sau khi dẹp loạn xong nạn giặc ngoại xâm, ông đã mang nghề khảm trai truyền dạy cho người dân làng Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội ngày nay).
Có lẽ cũng bởi lòng đam mê với nghề nên anh đã lao động không biết mệt để làm ra những bức tranh truyền thần trị giá cho đời, có những bức tranh được ghi danh vào sách kỉ lục Việt Nam.
Bức tranh truyền thần là báu vật của người An Nam xưa Làng nghề truyền thống khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội nằm ven ngoại thành Hà Nội, có truyền thống hơn 1.000 năm. Từ xa xưa, ngoài vàng bạc, châu báu, tranh gỗ khảm trai Chuôn Ngọ đã được xem như là một báu vật quý hiếm của người An Nam. Nhà sử học Lê Quý Đôn từng viết trong "Phủ biên tạp lục": “Tranh khảm trai thường được dùng để làm đồ cống tiến lên triều đình các nước bạn, như một lễ vật dùng để gắn kết bang giao". |
Thế Hoàng