Ba chị em gái “vui vẻ, lạc quan và luôn yêu thương”
Theo báo điện tử VnExpress, ở xã Lý Thành (Yên Thành, Nghệ An) có ba chị em ruột gồm các cụ Lê Thị Thoại (103 tuổi), Lê Thị Mưu (101 tuổi) và Lê Thị Cơ (100 tuổi). Ba cụ sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, đến nay 4 người đã qua đời.
Hàng ngày, cụ bà Lê Thị Thoại thường dùng chiếc gậy đi lại quanh nhà, trò chuyện cùng mọi người. Cụ kể, sáng ra thường ngủ dậy sau con cháu một lúc, sau khi rửa mặt và ăn sáng thì quét nhà, quét sân, tự múc nước ở giếng để giặt quần áo cho mình.
“Quét sân thì đơn giản, múc nước giặt quần áo hơi mệt. Con cháu thường khuyên không phải làm việc nhưng tôi thích lao động để khỏe thêm chứ nằm một chỗ sẽ mệt người. Lao động cũng phần nào phụ giúp con cháu đỡ vất vả”, cụ bà da nhăn nheo, nhưng đôi mắt vẫn sáng nói.
Cụ Thoại có 3 người con, 15 người cháu, 31 người chắt và 2 chút. Hiện cụ sống với con trai cả. Hàng ngày cụ hay ra vườn gom nhặt gốc cây mang vào xếp ở góc sân để làm nhiên liệu sưởi ấm mỗi khi trời rét. Có lúc con cháu ngăn cản vì đã sắm đầy đủ máy sưởi và chăn ấm thì cụ lại bảo "thích sưởi bếp than".
“Khẩu phần ăn thì không có gì đặc biệt, hàng ngày con cháu ăn thứ gì tôi ăn thứ đó. Thời trẻ đói khổ, cơm không đủ ăn, có ngày chỉ ăn rau trừ bữa và đi ở thuê cho địa chủ”, cụ kể.
Cách nhà cụ Thoại vài trăm mét là nhà cụ Lê Thị Mưu (bà mẹ Việt Nam anh hùng). Chồng cụ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai đầu hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Hiện không được minh mẫn nhưng cụ vẫn còn nhớ những năm gian khổ. “Có lúc một mình gồng gánh nuôi các con nhưng không đủ miếng ăn, cái mặc nên lại phải mang con gửi người thân để đi mót khoai, làm thuê kiếm tiền gửi về quê nuôi con", cụ rưng rưng nhớ lại.
Ông Lê Anh Đào (con trai thứ ba của cụ Mưu) cho hay, mẹ mình có 4 người con, 10 cháu, 20 chắt và 2 chút. Tuổi cao nhưng hiếm khi cụ Mưu bị ốm đau phải đi viện hay uống thuốc. Hàng ngày thấy con cháu đi làm trở về căng thẳng thì cụ lại hỏi thăm hoặc hát tặng vài bài dân ca Nghệ Tĩnh để tạo không khí vui nhộn.
Trong ba người thì cụ Lê Thị Cơ ít tuổi nhất, hiện có 10 người cháu và 13 người chắt. Cụ Cơ đang sống với con trai, kinh tế gia đình khó khăn nên hàng ngày phải phụ giúp thái rau cho lợn, bê thức ăn cho trâu.
Vài năm trước, thi thoảng cụ vẫn thường chống gậy tới thăm hai chị gái ở cùng xã. Gần đây do đi lại có phần khó khăn nên mỗi năm chỉ vài lần cụ được các con cháu chở tới thăm hai chị.
Ông Lê Doãn Lộc, Phó chủ tịch xã Lý Thành cho hay, trường hợp cả ba chị em cụ Lê Thị Thoại cùng trường thọ là hiếm gặp ở địa phương. Gia đình các cụ là mẫu mực về gia đình văn hóa để bà con học tập.
Cặp vợ chồng “vui vẻ, hòa hợp và chăm tập thể dục”
Theo báo Nghệ An, thống kê của sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh này cho hay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 1.035 cụ trên 100 tuổi, 466 cụ tròn 100 tuổi.
Trong đó huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Quế Phong cùng có 179 cụ và Yên Thành có 143 cụ từ 100 tuổi trở lên.
Thông tin thêm về số người hiện sống thọ trên 100 tuổi đạt cao nhất tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - Trình Văn Nhã cho biết: “ Hiện trên địa bàn huyện có tới 126 cụ thọ trên 100 tuổi. Các xã Thanh Tiên, Ngọc Sơn, Võ Liệt, Cát Văn là những xã có nhiều cụ thọ từ 100 tuổi trở lên. Các cụ hiện vẫn còn sống vui, khỏe cùng con cháu. Đặc biệt các cấp chính quyền từ huyện đến xã rất quan tâm đến đời sống của các cụ cao niên ở đây, trong các ngày lễ, Tết đều đến tận gia đình để thăm hỏi, động viên, tặng quà; chi trả đúng lịch tiền trợ cấp hàng tháng".
Diễn Châu là huyện có số cụ sống thọ trên 100 tuổi cao thứ hai cả tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Sánh thông tin: Trong 119 cụ sống thọ trên 100 tuổi trên địa bàn huyện, có 27 cụ ông và 92 cụ bà; có 2 cặp vợ chồng cùng trên 100 tuổi, đó là cụ Cao Viễn 109 tuổi và cụ bà Vũ Thị Hai 104 tuổi ở xóm 2 - Diễn Hoa; cụ ông Nguyễn Thư 101 tuổi và cụ bà Cao Thị Thịnh 100 tuổi – xóm 5 - Diễn Trung.
Ngoài ra trên địa bàn xã Diễn Tháp có cụ Trương Thị Em năm nay đã 116 tuổi và cụ Võ Thị Năm 115 tuổi ở Diễn Trung đang sống khỏe mạnh, minh mẫn cùng con cháu.
Hàng tháng theo quy định, các cụ từ 100 tuổi trở lên sẽ được nhận 270.000 đồng trợ cấp của Chính phủ.
Hàng năm các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên sẽ được nhận quà, Thiệp chúc thọ của Chủ tịch nước; các cấp chính quyền cũng có những phần quà chúc thọ, động viên các cụ.
Cũng theo báo Nghệ An, từ khi lập gia đình đến nay, hai cụ Phạm Văn Hoạnh và Thái Thị Tỉu có tất cả 9 người con, gồm 5 trai, 4 gái, trong đó người con trai thứ là liệt sỹ Phạm Văn Sanh - sinh năm 1947 đã hy sinh tại chiến trường phía Nam trong kháng chiến chống Mỹ). Hai cụ hiện có 26 cháu nội, ngoại, người lớn nhất đã 54 tuổi, nhỏ nhất 24 tuổi.
Hai cụ có tất cả 49 chắt. Chắt lớn của hai cụ hiện tại đã 26 tuổi và nhỏ nhất là 3 tháng tuổi, 15 cháu có trình độ đại học và cao đẳng. Hai cụ dù đã bước qua tuổi 100 nhưng vẫn minh mẫn ngồi trò chuyện cùng mọi người.
Hai cụ chia sẻ, chính lao động tay chân đã khiến sức khỏe dẻo dai hơn. Còn bí quyết để hai cụ sống hạnh phúc bên nhau đến “đầu bạc răng long” chính là sự chia sẻ, quan tâm lẫn nhau.
Cụ Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch hội Người cao tuổi huyện Tân Kỳ cho biết: Trên thế giới và Việt Nam, các cặp vợ chồng cùng sống lâu trên 100 tuổi như lời chúc phúc “bách niên giai lão”, “trăm năm hạnh phúc” hay “sống bên nhau đến đầu bạc răng long” là rất hiếm gặp. Cuộc sống giản dị của vợ chồng cụ Hoạnh thật hạnh phúc và đáng trân trọng.
H.Y (tổng hợp)