Nghèo vẫn... hoàn nghèo
Đó là anh Lê Văn Hưng, một người thợ thêu tranh xuất sắc của làng nghề Bình Lăng, Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội. Như bao đứa trẻ khác của làng nghề, ngay từ nhỏ, Hưng đã có niềm đam mê "bất tận" với tranh thêu. Ngoài thời gian đi học, thời gian còn lại, Hưng tíu tít bên cha mẹ và những người thợ thêu chỉ để ngắm những bức tranh thêu sắc nét, tuyệt đẹp. 7 tuổi, Hưng đã thành thạo các kỹ năng, kỹ thuật của một người thợ thêu. "Có lẽ được tiếp xúc với nghề thêu từ nhỏ nên tôi luôn ước mơ trở thành người thợ thêu giỏi. Khi cầm kim thành thạo, tôi nhờ bố mình làm cho một cái khung để học thêu. Dù làm bằng những mẩu tre xấu xí nhưng tôi thích lắm, lúc nào rảnh là mang khung ra thêu tranh".
Đam mê với nghề thêu, chỉ một thời gian ngắn sau, Hưng đã tự thêu được những bức tranh sắc nét chẳng kém gì những người thợ lành nghề trong làng. Nhìn tác phẩm của Hưng, ai cũng bảo sau này cậu sẽ là một người thợ giỏi bởi ít người ở tuổi cậu làm được những bức tranh "có hồn" như thế.
Anh Hưng bên những bức tranh thêu của mình
Nhớ lại tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả, anh tâm sự: "Tuổi thơ tôi vô cùng vất vả. Ngoài thời gian học ở trường, về tới nhà là tôi lại phải thêu tranh cùng cha mẹ để lấy tiền đong gạo bởi nhà tôi không cấy chỉ nhận tranh về nhà thêu theo mẫu lấy công. Hết lớp 3, tôi phải bỏ học vì nhà quá nghèo. Cơm không đủ ăn lấy đâu tiền đi học. Nghỉ học một thời gian, những lúc nhàn rỗi không có việc, tôi lại ra đồng bắt tôm, bắt tép về bán lấy tiền. Nói ra chắc không ai tin, tưởng tôi nói đùa nhưng 7 tuổi, tôi đã biết kiếm tiền nuôi mình, học hết lớp 5 và đưa tiền cho bố mẹ để đong gạo". Thuở ấy, ở làng và cả xã của Hưng, vì nghèo đói nên bạn đồng lứa với anh rất ít người học hết được cấp 1. Thế nhưng nhờ công lao của vị hiệu trưởng trường làng, anh và nhiều người khác được học bổ túc lớp 4 và 5 vào buổi tối mà không phải đóng một đồng học phí nào.
Mỗi lần nhớ lại tuổi thơ là một lần anh nhớ đến tác phẩm đầu tay mang tên Rồng hạc dù đường kim mũi chỉ vẫn còn thô, cứng nhưng nó lại được đánh giá cao bởi sự cách tân, đổi mới. Được mọi người nhìn nhận khả năng, anh hăng say với nghiệp thêu tranh. Vài năm sau, khi mọi người tin tưởng, biết anh thêu giỏi, họ cho anh nhận mẫu về thêu. Những hôm phải trả hàng gấp, anh phải thức thâu đêm suốt sáng để kịp giờ giao hàng. Có thời điểm tranh thêu bị "thất bát", không có việc, anh lại khăn gói ra Hà Nội làm đủ các việc để kiếm sống. Từ rửa bát thuê đến cửu vạn bốc vác… nghề nào anh cũng trải qua cốt dành dụm vốn liếng để theo nghiệp tranh thêu. Có ít vốn trong tay, anh lại quay về làng mua tranh để mang đi khắp các nơi bán. Khắp phố phường Hà Nội, gần như con đường nào anh cũng có mặt để bán tranh thêu. Không chỉ bán ở Hà Nội, anh còn đem tranh đi khắp các tỉnh thành khác để bán: Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Dương… Chăm chỉ, chịu khó là vậy nhưng cái nghèo vẫn đeo bám anh từng ngày.
"Suốt ngày lao đầu vào làm nhưng chẳng thoát nổi cái nghèo. Có thể nói cái nghèo nó ám vào tôi tự lúc sinh ra đến khi trưởng thành. Làm ra đến đâu, tôi phải trả nợ cho gia đình đến đó. Nhà nghèo tới nỗi bước vào nhà chỉ có mấy cái khung thêu cũ kỹ còn lại là những khoảng trống. Còn nhớ khi tôi cưới vợ, trong nhà chẳng có cái gì đáng giá có thể bán lấy tiền mà trong túi tôi chỉ có vài trăm nghìn đồng, bố mẹ thì không có gì để cho. Chị gái tôi cho màn cưới, còn tiền cỗ bàn phải đi vay họ hàng toàn cộng với mua chịu ngoài chợ. Cưới hôm trước, hôm sau có người đến nhà đòi nợ vì sợ không biết đến khi nào đòi được. Nhà tôi thuộc diện nghèo nhất làng mà", anh mỉm cười nhớ lại.
Một tác phẩm sắc nét, công phu của anh
Hạnh phúc bắt đầu từ... con số 0
Nhìn ngôi nhà mái bằng khang trang với xưởng tranh rộng lớn bên cạnh cùng cửa hàng tranh thêu trên phố Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi phần nào cảm nhận được sự phấn đấu không ngừng nghỉ của anh suốt bao năm tháng qua. Nếu không có nghị lực phi thường, niềm đam mê bất tận với nghề cùng sự động viên của gia đình, chắc chắn anh không có được như ngày hôm nay.
Sau khi lấy vợ, anh trượt dài theo cờ bạc và rượu chè cùng bạn bè chỉ vì chán đời. Anh chán bởi trong thâm tâm anh luôn nghĩ rằng chỉ vì hoàn cảnh mà vợ anh mới đồng ý lấy anh. Lấy nhau rồi, vợ anh vẫn nhớ thương người yêu cũ.
Anh chị đến với nhau là do duyên phận. Ngày từ thuở nhỏ, mẹ của vợ anh đã rất yêu quý anh. Bà thường bảo với anh, "sau này làm con rể cô nhé" hoặc có gì ngon, bà đều mang sang cho anh. Bẵng đi một thời gian, bà đi buôn bán xa, anh cũng thoát ly gia đình nên ít gặp lại nhau, tuy nhiên, mối thâm giao giữa hai gia đình vẫn được giữ nguyên. Chẳng ai bảo ai, cả hai gia đình đều coi nhau là "thông gia". Vì thế, ngày anh đưa bạn gái về ra mắt, anh vấp phải sự phản đối kịch liệt từ bố mẹ. Mẹ anh nhất quyết không đồng ý bất kể cô gái nào ngoài Phúc, vợ anh sau này. Vâng lời bố mẹ, anh qua hỏi Phúc xem ý cô như thế nào (trước đó, anh đã giới thiệu Phúc với bạn bè của mình) thì nhận được câu trả lời là cô đã có người khác rồi. Một thời gian sau, Phúc lại đồng ý lấy anh. Đám cưới diễn ra trong sự hân hoan của hai gia đình và làng xóm.
Từ ngày cưới vợ cho đến khi cậu con trai lớn ra đời, cuộc sống vợ chồng của anh rơi vào bế tắc. Thay vì chăm chỉ làm ăn, anh chỉ biết say sưa với rượu chè và cờ bạc bởi sự "im lặng" đến "lạnh người" của vợ. Phúc như một cái bóng câm lặng trong gia đình. Chưa bao giờ cô hỏi han, chia sẻ hay động viên anh lấy một lời. Anh "thèm" được nghe những lời hỏi han rất đỗi bình thường: "Anh ăn cơm chưa?", "Hôm nay anh đi làm có mệt không?"… nhưng những lời ấy chưa một lần cô nói cho anh nghe.
Ngày cô sinh con trai đầu lòng, anh vô cùng hạnh phúc bởi vợ chồng anh đã có sợi dây gắn kết. Trái với suy nghĩ ấy, cô vẫn lặng lẽ, ít nói và không quan tâm đến anh như ngày mới về nhà chồng. Khi cậu con trai lớn được vài tháng tuổi, cô lại có thai. Nhà nghèo, con lại bé, cô quyết định phá bỏ. Nghe vợ nói ý định, anh "điếng" người. Bởi anh là người vô cùng yêu vợ, yêu con. Với anh, con cái chính là "của trời cho", cần phải nâng niu, trân trọng. Anh chỉ nói với cô: "Nếu nó không phải con tôi thì cô cứ phá, là con tôi thì phải giữ lại". Sau đó anh bỏ đi uống rượu. Với anh, chỉ có rượu mới khiến anh quên sự đời, quên đi nỗi đau giằng xé tâm can vì "vợ không yêu mình". Ngoài làm bạn với "tiên tửu" thâu đêm suốt sáng, anh còn làm bạn với cờ bạc đến nỗi đi đâu cũng có người đòi nợ, gia đình đói khát vì gánh nợ anh mang về…
"Cả một thời gian dài tôi sống trong nỗi đau dai dẳng vì ý nghĩ cô ấy vẫn yêu người yêu cũ nên buông xuôi bản thân. Nhưng điều đặc biệt khiến tôi thương yêu cô ấy nhiều hơn chính là cô ấy luôn biết cách làm vừa lòng mẹ chồng khó tính, vừa lòng họ hàng, làng xóm láng giềng. Riêng với tôi, là cô ấy không biết nói lời ngọt ngào, thể hiện sự quan tâm… Tuy nhiên, sau khi đứa con thứ hai ra đời cộng với sự góp ý của nhiều người, cô ấy bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến tôi hơn. Biết cô ấy yêu thương mình nhưng vì bản tính ít nói mà cô không thể hiện ra, tôi như có động lực để sống đúng nghĩa. Có thể nói, vợ tôi là một người phụ nữ chất phác, hiền lành biết chăm lo cho gia đình", anh mỉm cười chia sẻ. Nhìn nụ cười hạnh phúc của anh, chúng tôi phần nào hiểu được anh đã cố gắng gây dựng gia đình và sự nghiệp của mình như thế nào.
Không chỉ thành công trong công cuộc xây dựng gia đình hạnh phúc, anh còn khá thành công trong nghiệp thêu tranh. Mới ngoài 30 nhưng anh đã khẳng định được vị thế vững chắc của mình. Những tác phẩm tranh thêu do anh tạo ra rất được lòng khách hàng bởi sự tinh tế, sắc nét. Ngoài thời gian làm việc, thời gian rảnh anh còn dạy thêu miễn phí cho mọi người. Bất kể ai có nhu cầu học thêu, anh đều dạy vì anh muốn phát triển hơn nữa nghề thêu tranh truyền thống có tự bao đời nay. Hiện nay anh đang được Hiệp hội làng nghề Việt Nam đề xuất thành Nghệ nhân tranh thêu tay.
Hồng Mây - Bình Minh