Ngày 29/8, BS Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp nhập viện cấp cứu trong tình trạng nhiễm độc rất nặng.
Bệnh nhi là bé trai Đ.H (13 tuổi, ngụ tại Bình Phước) được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đại tiện ra máu, vết thương ở gót chân bên phải sưng và bầm tím, có nguy cơ hoại tử.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà bệnh nhi ghi nhận, trước khi nhập viện, cậu bé đi dọc bờ suối gần nhà và soi đèn pin bắt cua. Đang đi thì bé bị rắn cắn vào gót chân phải. Con rắn (không rõ loại) đã bị đánh chết và vứt xuống suối.
Gia đình của bệnh nhi nghi bé bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, thay vì nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế cấp cứu, gia đình lại lấy lá cây đắp vào vết thương để điều trị vì cho rằng lá cây xung quanh khu vực rắn sống có tác dụng kháng nọc độc.
Một ngày sau khi đắp lá, sức khỏe của bệnh nhi chẳng những không thuyên giảm mà càng diễn tiến xấu hơn. Vết thương ở chân bầm tím, có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, hoại tử. Lúc này gia đình mới vội đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận, xác định bệnh nhi bị nhiễm độc nặng, đang nguy kịch, các bác sĩ đã hội chẩn nhanh và quyết định sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn độc điều trị tích cực. Hiện nay, bệnh nhi đang được thay huyết thanh kháng nọc rắn và điều trị vết thương bị hoại tử.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM cũng tiếp nhận một bé trai 13 tuổi bị rắn cạp nia cắn nguy kịch. Khi phát hiện con bị rắn cắn, gia đình đã đưa bé đến gặp thầy lang. Tuy nhiên vết thương quá nặng, thầy lang cũng từ chối.
Gia đình đưa bệnh nhi qua 3 bệnh viện, đến Nhi đồng 1 Tp.HCM, trẻ bất động, đồng tử giãn 2 bên. Vì hết huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia đặc trị, các bác sĩ buộc phải sử dụng 5 lọ huyết thanh khác có tác dụng chậm hơn. Đó cũng là những lọ huyết thanh kháng độc rắn đa giá cuối cùng của Bệnh viện Nhi đồng 1.
Các bước sơ cứu đúng nhất khi bị rắn cắn
- Động viên bệnh nhân bình tĩnh để làm các động tác sơ cứu, tìm cơ sở y tế tốt nhất có thể đến cấp cứu kịp thời.
- Không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).
- Băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường).
- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động.
- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).
Các bác sĩ lưu ý, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Với phương châm “nhầm hơn bỏ sót” bởi nếu bị rắn độc cắn, đến bệnh viện trễ sau 12-24 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
Không nên mất thời gian đi tìm thuốc lá hoặc thầy lang làm kéo dài thời gian chờ đợi của bệnh nhân vì đến muộn sẽ mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện.
Trúc Chi (t/h Vietnamnet, Tiền Phong)