Theo Pháp luật Việt Nam, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), sáng ngày 6/5 Trung tâm cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận nam bệnh nhân 46 tuổi, vào viện trong tình trạng: sốt, mu bàn tay trái chảy mủ, hoại tử, xám, sưng đau nóng đỏ ấn đau.
Theo thông tin ban đầu trước khi vào viện 7 ngày bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn, nhưng không đến viện điều trị mà tự đắp thuốc nam tại nhà. Đến hôm nay, bàn tay chảy mủ kèm theo sốt, tự uống 1 viên paracetamol tại nhà nhưng không đỡ nên bệnh nhân đã đến bệnh viện cấp cứu.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sỹ đã giảm đau, dùng kháng sinh, xử trí vết thương và chuyển khoa Hồi sức cấp cứu điều trị.
Trước đó vài ngày cũng có một trường hợp sau khi bị rắn hổ mang cắn vào tay, nam bệnh nhân tự ý đắp thuốc nam lên vết thương khiến ngón tay sưng phù, chảy dịch, hoại tử, phải tháo bỏ một ngón tay trái.
Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), bệnh nhân là N.V.M., 42 tuổi trú tại Thượng Yên Công, Thành phố Uông Bí nhập viện trong tình trạng ngón tay sưng phù, chảy dịch, hoại tử.
Khai thác tiền sử bệnh nhân, khoảng 5 ngày trước, bệnh nhân có bị rắn hổ mang cắn vào ngón tay khiến ngón tay sưng, đau. Tuy nhiên lại không đến bệnh viện mà đã đắp thuốc nam theo một số người mách. Sau đó, ngón tay không ngừng đau nhức và chảy dịch mới đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
Các bác sỹ Trung Tâm cấp cứu 115 cho biết trong những ngày gần đây đơn vị này liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do rắn hổ mang cắn. Đây là thời điểm mùa sinh sôi phát triển của rắn, vậy người dân hãy cẩn trọng khi làm việc và dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sạch sẽ để tránh tạo nên môi trường phát triển của rắn.
Hổ mang là loài rắn rất độc. Người bị rắn hổ mang cắn có thể bị hoại tử vùng bị thương, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các bác sỹ khuyến cáo về việc tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam chưa được kiểm chứng lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn. Người bệnh khi bị rắn cắn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo Vnexpress cách nhận biết bị rắn độc hay rắn lành cắn thường dựa vào dấu vết răng trên da. Rắn độc thường có hai răng độc lớn (gọi là móc độc), ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó vết thương thường có 1-2 dấu vết răng nanh. Trong khi đó, rắn lành cắn để lại vết của cả hai hàm răng với những chấm nhỏ hình vòng cung, không có vết răng nanh.
Khi bị rắn độc cắn, trong 15-30 phút, người bệnh bị đau sưng nhẹ và trầy xước tại chỗ. Sau đó vết thương sưng nề và bầm tím, đôi khi lan rộng lên khắp cánh tay hoặc chân, gây hoại tử da. Nọc độc rắn, tùy loại và tùy lượng độc tố, sẽ gây buồn nôn, khó thở và cảm giác cơ thể yếu dần đi hoặc khó nói, liệt toàn thân, suy hô hấp, ngưng thở.
Khi bị rắn độc cắn, cần nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Nên trấn an người bệnh, hạn chế cử động, tốt nhất là bất động vùng (tay chân) bị rắn cắn bằng nẹp để làm chậm sự lây lan của nọc độc.
Tuyệt đối không chích rạch vết thương, không băng ép chặt vị trí bị rắn cắn. Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý. Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn. Nếu được, cố gắng chụp lại hình ảnh hoặc nhớ hình dạng của rắn, cung cấp cho bác sĩ để nhanh chóng định danh được loại rắn và dùng huyết thanh phù hợp.
Trúc Chi (t/h)