Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là một trong những triệu chứng của hậu Covid-19. Nhiều phụ nữ sau khi âm tính với SARS-CoV-2 cho biết có những bất thường ở chu kỳ kinh nguyệt.
Chị P.V.H. (26 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) mắc Covid-19 từ cuối tháng 12/2021. Nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sau khoảng 1 tuần điều trị, chị H. dần bắt nhịp trở lại cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, 3 tháng sau khi khỏi bệnh, chị bắt đầu cảm nhận được vấn đề bất thường trong cơ thể.
Tháng đầu tiên kể từ thời điểm nhận kết quả âm tính, thông qua ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt trên điện thoại, chị H. cho biết bị chậm kinh 4 ngày. Tuy nhiên, chị không quá lo lắng bởi từng có vài lần gặp phải tình trạng này.
Nhưng bước sang tháng 2, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi chị H. bị chậm kinh tới 2 tuần. Băn khoăn, chị quyết định mua que thử thai về kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả thử tới lần thứ 3 vẫn cho thấy chị không mang bầu.
Tới tháng 3, chị H. ngạc nhiên khi chu kỳ lần này lại đến sớm hơn gần 1 tuần so với lịch. Lần này, chị quyết định đi khám do nghi ngờ đây là di chứng của hậu Covid-19.
Thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra, SARS-CoV-2 ít gây nguy hiểm hơn trên nữ giới so với nam giới, song phụ nữ có nguy cao hơn gặp phải hội chứng Covid kéo dài sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít nghiên cứu được thực hiện về vấn đề ảnh hưởng của Covid-19 đối với chu kỳ kinh nguyệt.
Có thể bản thân tình trạng nhiễm trùng khiến bệnh nhân căng thẳng hoặc rối loạn nội tiết tố, dẫn đến những biến đổi trong thời kỳ kinh nguyệt.
Gần đây, một nghiên cứu ghi nhận những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt ở 45 trong số 177 người (25%) người tham gia. Trong số 45 người này, 36 người có kinh ngắn hơn đáng kể trong khi 9 người còn lại kỳ kinh dài hơn. Những bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng thì nhiều khả năng chu kỳ kinh nguyệt dài hơn 37 ngày.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 34% những người bị bệnh nặng có chu kỳ dài so với 19% những người bị bệnh nhẹ. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu thông báo rằng, 84% và 99% người tham gia có lượng kinh nguyệt và độ dài chu kỳ trở lại bình thường từ 1 đến 2 tháng sau khi khi khỏi Covid-19.
Lý giải cho hiện tượng trên, một số giả thuyết đã được đưa ra. Đầu tiên, quá trình mắc bệnh gây mất cân bằng nồng độ của các nội tiết tố sinh dục như estrogen và progesterone, điều này dẫn đến những biến đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Thứ hai, tình trạng rối loạn đông máu sau khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ gây một số bất thường về máu kinh như cục máu đông.
Cuối cùng, ảnh hưởng về tâm lý và những áp lực bên ngoài trong và sau thời kỳ Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, một số bệnh nhân có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường khi điều trị có dùng một số loại thuốc cũng sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Trung tâm Can thiệp Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, còn cho rằng tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể không hoàn toàn xuất phát từ cơ quan sinh dục. SARS-CoV-2 cũng có khả năng gây tổn thương não. Đây là nơi điều khiển trục dưới đồi tuyến yên - bộ phận tác động trực tiếp tới chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
Nếu gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19, bệnh nhân có thể không cần sử dụng thuốc, chỉ phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt.
Theo đó, trao đổi với VTC, bác sĩ Đặng Xuân Thắng đã đưa ra một số gợi ý đơn giản để cải thiện các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt có thể thực hiện tại nhà, bao gồm:
Cải thiện chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc phù hợp
Bệnh nhân cần xây dựng cho mình một thời gian biểu khoa học, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với khung giờ, bên cạnh đó cố gắng bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên, đôi khi cũng chỉ cần một vài các động tác nhỏ mỗi sáng từ 15 - 30 phút sẽ đẩy lùi được các triệu chứng về rối loạn kinh nguyệt
Giữ tâm lý thật thoải mái
Cố gắng làm việc và sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, trong lành và ít căng thẳng nhất có thể. Có thể tập nghĩ đến những điều vui vẻ, tích cực, nghe nhạc hoặc trò chuyện với bạn bè nhiều hơn để thư giãn đầu óc.
Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác
Việc sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá không những ảnh hưởng đến nội tiết, gây rối loạn kinh nguyệt mà còn ảnh hưởng đến làn da và sắc đẹp. Trong trường hợp kinh kéo dài, ra máu nhiều, thay băng vệ sinh sau khoảng 4–6 giờ để tránh viêm nhiễm đường sinh dục
Trong trường hợp tình trạng rối loạn kinh nguyệt kéo dài và mức độ ngày càng nghiêm trọng, bệnh nhân cần đến khám với bác sĩ sản phụ khoa để được hỗ trợ tốt nhất. Tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm về sau.
“Việc khám hậu Covid-19 có thể phát hiện các khối u, viêm nhiễm, chỉ số xét nghiệm rối loạn trầm trọng, cần điều trị. Trên thực tế, gần như toàn bộ bệnh nhân gặp vấn đề này đều có thể cải thiện được tình hình khi phát hiện sớm”, bác sĩ Sim cũng lưu ý thêm.
Minh Hoa (t/h)