Bão Thúc Nha dâng kế nếu muốn thắng được Lỗ thì phải sang mượn quân Tống để cùng nhau hợp sức thì mới xong. Tề Hoàn công bèn sắm lễ vật hậu hĩnh sang Tống để thương thuyết, Tống Mẫn công bằng lòng và cử Nam Cung Trường Vạn làm Chánh tướng, Mạnh Hoạch làm Phó tướng mang quân đến Lang Thành đánh Lỗ.
Nói về Nam Cung Trường Vạn, đây là một tướng dũng mãnh sức vóc hơn người, cao to lực lưỡng, một mình có thể đánh bại hàng trăm quân lính. Nghe tin dữ đó, công tử Yên khuyên Lỗ Trang công hạn chế dùng sức mà dùng mưu đánh lại. Nhân đêm tối, công tử Yên cho người dùng 100 bộ da hổ trùm lên mình ngựa rồi đánh thẳng vào doanh trại quân Tống. Quân Tống bị tấn công bất ngờ lại thấy dưới ánh đuốc lập lòe là hàng trăm mãnh hổ ào ạt tiến đến thì kinh hãi bỏ chạy tán loạn.
Nam Cung Trường Vạn không thể chống lại và làm chủ trận đánh nên đành chạy theo quân lính. Quân nước Lỗ thừa thắng đuổi mãi đến đất Thặng Khâu. Thấy quân Lỗ không chịu buông tha, Nam Cung Trường Vạn và Mạnh Hoạch liều mạng chống lại. Mạnh Hoạch giao đấu với công tử Yển. Nam Cung Trường Vạn tiếp chiêu dũng tướng Chuyên Tôn Sinh của Lỗ. Lỗ Trang công đứng ngoài quan sát thấy Sinh khó mà thắng được, nên sai lấy một mũi tên vàng và bắn trúng ngay vai Nam Cung Trường Vạn.
Trong lúc loay hoay nhổ mũi tên Trường Vạn đã bị Chuyên Tôn Sinh đâm một kích vào người và ngã ngựa. Quân Lỗ xông đến bắt sống trói lại giải về. Quân Tề thấy quân Tống bị thua trong khi quân Lỗ đang hừng hực khí thế nên sợ rút quân về nước.
Nam Cung Trường Vạn tuy bị trọng thương nhưng vẫn đứng thẳng người, không hề tỏ ra đau đớn chút nào nên vua nước Lỗ lấy làm thán phục mà đối xử tử tế. Một thời gian sau hai nước Tề - Lỗ bỏ hết chuyện cũ cùng nhau giao hiếu. Năm ấy nước Tống bị thiên tai lũ lụt, Lỗ Trang công bỏ qua chuyện cũ sai người sang thăm hỏi và cứu giúp. Vua nước Tống là Tống Mẫn công cảm tình sai sứ giả qua tạ ơn và xin lại Nam Cung Trường Vạn.
Lúc Nam Cung Trường Vạn về nước Tống Mẫn công đùa một câu: "Trước kia ta rất coi trọng ngươi nhưng nay đã là tù nhân thì ta không coi trọng nữa" khiến Trường Vạn đỏ mặt, tía tai hết sức hổ thẹn. Lúc đó Đại phu Cừu Mục liền nhắc nhở vua Tống là không nên đùa giỡn mà sinh ra lòng khinh nhờn rồi dẫn đến sự phản nghịch, nhưng Tống Mẫn công không nghe và cứ tiếp tục đùa cợt.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Một ngày nọ, Tống Mẫn tổ chức yến tiệc và sai Trường Vạn múa kích để mua vui và hàng trăm cung nhân, quần thần đã vỗ tay khen ngợi tài năng của Vạn nên Tống Mẫn công có ý ganh tài nên sai sắp cờ đánh với Nam Cung Trường Vạn, nếu ai thua thì bị phạt một chén rượu lớn. Thua liền năm ván và uống liền năm chén rượu nên Vạn hơi say và xin đánh một ván cuối để gỡ lại. Tống Mẫn công lại đùa: "Tù nhân chẳng bao giờ thắng được vua, có đánh trăm ván nữa cũng vậy thôi".
Nam Cung Trường Vạn lại bị xúc phạm rất tức giận nhưng đành giữ trong lòng. Vừa lúc đó, sứ giả đến báo tin Trang vương nhà Chu băng hà nên Tống Mẫn công sai người sang triều kiến. Trường Vạn lại nói rằng: "Nghe đồn kinh đô nhà Chu rất đẹp mà tôi chưa tận mắt thấy, xin chúa công cho làm sứ giả". Tống Mẫn công cười cợt: "Khi nào nước Tống không còn có người thì mới đến lượt tù nhân đi sứ".
Cung nhân và quần thần cười theo khiến Vạn rất xấu hổ. Giận quá mất khôn Nam Cung Trường Vạn hét lớn: "Ngươi đừng tưởng tù nhân thì không biết giết người". Tống Mẫn công mắng lớn bảo đã là tù nhân mà dám vô lễ và toan cầm kích xông đến đánh. Lúc này, Trường Vạn vừa bị sỉ nhục, cơn tức đã lên đến đỉnh điểm nên đã cầm bàn cờ đánh Tống Mẫn công té xuống đất rồi bồi thêm mấy đấm chết ngay tại chỗ. Chưa hết cơn giận, Vạn cầm kích đi ra cửa và gặp Đại phu Cừu Mục nên thông báo đã giết chết vua. Cừu Mục tức giận xông vào đánh Vạn bị Vạn đánh mấy đòn chết ngay tại chỗ, đầu vỡ thành trăm mảnh. Nam Cung Trường Vạn phò công tử Du lên nối ngôi nhưng Du bị giết ngay sau đó. Trường Vạn chạy về nhà đưa mẹ già lên xe rồi một tay đẩy, một tay cầm kích phá cửa thành trốn sang nước Trần.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Luật nay: Trường Vạn khó thoát tội giết người
Trong xã hội phong kiến, vua được xem là đấng tối cao là con trời có quyền lực vô biên cai quản cả đất nước. Tất cả quần thần và dân chúng đều đặt dưới sự cai trị của vua và răm rắp nghe theo không được trái lệnh nếu trái lời sẽ bị nghiêm trị theo phép nước. Hành động giết vua của Nam Cung Trường Vạn bị coi là hành động bạo nghịch, xúc phạm thánh thượng, trái với phép nước và đạo lý vua tôi và sẽ bị xử lý theo quy định lúc bấy giờ.
Trong xã hội hiện đại, hành vi giết người sẽ bị xử phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự mà cao nhất là hình phạt tử hình. Xét hành vi của Nam Cung Trường Vạn, lúc đó Vạn giết chết vua Tống trong lúc người đã có hơi men không làm chủ được hành vi của mình. Bên cạnh đó, việc Tống Mẫn công đã sỉ nhục Vạn nhiều lần là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi đó. Trước mặt đông đảo quần thần Nam Cung Trường Vạn bị nhà vua hạ thấp, xem thường dẫn đến mất uy tín nên bị kích động về mặt tinh thần. Đó là chưa kể việc Tống Mẫn công toan cầm kích lao vào đánh Trường Vạn và Trường Vạn đã nhanh tay hạ thủ trước. Việc giết vua của Vạn được xem là hành động giết người trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh.
Theo khoa học luật hình sự, tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng, tâm lý không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi của mình. Ý thức bị hạn chế ở mức độ cao do không chế ngự được tình cảm dẫn đến sự hạn chế đáng kể khả năng kiểm soát và điều khiển hành vi. Tâm lý bị ức chế ở mức độ cao dẫn đến nhận thức bị hạn chế làm giảm đáng kể khả năng điều khiển hành vi, nhưng vẫn còn khả năng điều khiển hành vi của mình. Ở đây, Tống Mẫn đã nhiều lần sỉ Trường Vạn dẫn đến sự ức chế cao độ về mặt tâm lý, người bị ức chế không làm chủ ý thức, điều khiển được hành vi của mình nên đã phạm tội.
Cũng theo khoa học luật hình sự, nguyên nhân dẫn đến trạng thái tinh thần bị kích động là hành vi trái pháp luật của nạn nhân hoặc của người khác. Tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân là một căn cứ để xem tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không. Khi xem xét tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của người bị nạn, cần đánh giá toàn diện về cả cường độ lẫn số lượng của hành vi. Có trường hợp hành vi có cường độ mạnh nhưng chỉ xảy ra một lần cũng đủ dẫn đến kích động mạnh. Hoặc có trường hợp, hành vi dù cường độ thấp nhưng xảy ra nhiều lần cũng có thể dẫn đến tinh thần bị kích động mạnh. Rõ ràng trong vụ án này đã có nhiều hành vi vi phạm của nạn nhân nên đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đó. Cụ thể từ câu nói không coi trọng nữa vì là tù nhân đến chuyện tù nhân đánh cờ thắng vua sao được đến hết người mới cho tù nhân đi sứ, sự xúc phạm ấy cứ tích tụ, tăng dần, tăng dần rồi lên đến đỉnh điểm khi Tống Mẫn công vác kích đánh người.
Điều 95 BLHS Việt Nam quy định về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như sau: Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Xét hành vi của Trường Vạn, vừa giết vua xong thì giết luôn Đại phu Cừu Mục nên sẽ bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
Vụ án trên khép lại, đau xót cho Tống Mẫn công không chịu nghe lời can gián của trung thần, lại luôn miệng xúc phạm cấp dưới một cách quá đáng và phải trả giá bằng chính tính mạng mình. Còn Nam Cung Trường Vạn, sau những tháng ngày lênh đênh chạy trốn rồi cũng bị bắt và chết thảm. Đó là bài học sâu sắc cho hậu thế về lối sống và cách ứng xử.
S.T