Thế nhưng hôm nay Thọ ăn cơm hơi lâu nên Tú phải gọi điện nhắc Thọ ăn nhanh lên. Sau một hồi lâu, Thọ mới đến công ty. Thay vì xin lỗi, Thọ sấn tới nói anh Tú bằng những lời nói khó nghe. Cơn giận trong người sôi lên, anh Tú cho Thọ mấy cái tát vào mặt.
Năm xung, tháng hạn
Ở tuổi 49, thấy nhiều người bảo năm 2012 sẽ gặp nhiều vận hạn lớn, Nguyễn Văn Thọ (SN 1964, trú tại thôn Đồng Dành, xã Đồng Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hết sức cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói và chuyện đi lại. Nhưng tối hôm ấy thì khác, bất ngờ bị chú em họ Tú (SN 1967) tát mấy cái làm nổ đom đóm mắt, sẵn có hơi men rượu trong người, Thọ chạy nhanh ra chỗ để xe máy của mình, mở yên xe lấy một con lưỡi lê dài 31cm cầm chắc trong tay phải. Cùng lúc đó, Tú lao đến. Theo quán tính, Thọ vung tay phải đâm một nhát trúng ngực trái Tú. Vết đâm trúng tim khiến Tú hồn lìa khỏi xác.
Sau hơn 1 năm gây án, sáng 30/5/2013, bị cáo Nguyễn Văn Thọ phải ra hầu tòa, chịu sự phán xét của pháp luật về tội giết người. Vừa bước vào phòng xét xử, Thọ nhận ra ngay mẹ đẻ và vợ con ai nấy mắt đều rớm lệ nhìn mình bằng con mắt cảm thương. Bất chợt cảm giác tủi thân ùa đến, bị cáo Thọ đưa tay lên mặt lau những giọt nước mắt buồn tủi của mình.
Trong lòng con người này đang có sự giằng xé dữ dội, trách số phận thì ít mà tự trách mình thì nhiều. Dòng suy nghĩ của Nguyễn Văn Thọ bị ngắt quãng bởi câu hỏi của vị chủ toạ phiên toà: "Bị cáo có xích mích với ai không mà phải mang lưỡi lê giấu dưới yên xe máy?”. Bị cáo đáp: "Bị cáo không có mâu thuẫu với ai. Bị cáo thường mang lưỡi lê theo người để phòng thân". "Phòng thân là khi có va chạm với ai thì sẽ dùng lê đâm người đó phải không?", tiếng HĐXX vang lên. Nghe giọng nói đanh thép của vị chủ toạ, bị cáo Thọ toát mồ hôi, đáp: "Bị cáo rút lê ra chỉ với mục đích hăm doạ anh Tú". Vị chủ toạ tiếp lời: "Hăm doạ kiểu gì mà lại đâm trúng ngực trái của người ta?", bị cáo Thọ nại lý do: "Tay phải bị cáo đang cầm lê giơ lên thì anh Tú lao vào làm lưỡi lê đâm trúng ngực. Nghe cách trả lời quanh co chối tội của bị cáo, HĐXX lớn tiếng: "Bị cáo có đâm chết anh Tú không?". "Có", Thọ đáp, giọng khô khốc.
Bị cáo Nguyễn Văn Thọ tại phiên tòa. Ảnh: Bảo Lâm.
Toà hỏi tiếp: "Anh Tú là người cùng làng, em họ của bị cáo, lại là đồng nghiệp trong công ty, có cần thiết phải dùng lưỡi lê ra doạ người ta không?". Đến lúc này, người bị cáo Thọ như bị dồn vào chân tường, người lả đi, mồ hôi vã ra khắp mặt, giọng đầy hối hận: "Bị cáo trong lúc tức giận, không còn biết đúng sai, tốt xấu, chỉ nghĩ trút giận lên kẻ đã đánh mình. Bị cáo biết lỗi của mình rồi...".
Trả giá bằng cả cuộc đời
Bên lề phiên toà, bị cáo Nguyễn Văn Thọ trần tình với PV Báo điện tử Người đưa tin về cuộc sống của mình trước khi gây án. Theo đó, nhà bị cáo có 5 chị em, Thọ là con thứ hai. Nhà đông con cái, sống ở vùng quê nghèo Sóc Sơn, vì nhiều lý do, Thọ nghỉ học từ năm lớp 7, ở nhà cấy cày giúp gia đình. Đến tuổi trưởng thành, Thọ đi bộ đội. Vốn bản tính hiền lành, lại chịu thương chịu khó, hết thời hạn đi nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Nguyễn Văn Thọ thành nhân tố tích cực trong các hoạt động của thôn xã và được bầu làm bí thư chi bộ thôn. Sau đó Thọ lấy vợ và sinh liền 3 đứa con (2 trai, một gái) trong niềm hạnh phúc của hai gia đình nội ngoại. 7 năm làm bảo vệ tại công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Đông Thành, Thọ không để xảy ra điều tiếng gì liên quan đến chuyện đánh nhau, hay mất mát tài sản.
"Cuộc sống êm đẹp của gia đình tôi bỗng dưng tan tành vì lỗi lầm tôi gây ra. Gần 1 năm trong nhà giam, tôi không được gặp mẹ, vợ và 3 con. Hai đứa con đầu đã tốt nghiệp cấp ba, còn đứa nhỏ sinh năm 2003, không biết ai đưa đón cháu đến trường", bị cáo Thọ trải lòng.
Thọ tâm sự, từ ngày gây án, bị bắt giam, đêm nào cũng thức trắng. Những lúc đó, anh thấy đêm dài kinh khủng, nỗi ám ảnh tội lỗi giết người luôn thường trực trong đầu. Hai từ giá như được Thọ lặp lại không biết bao nhiêu lần trong suy nghĩ... Giá như hôm ấy mình không uống rượu, giá như em Tú đừng tát anh, giá như mình nén giận không mở yên xe máy lấy lưỡi lê để phòng thân thì mọi chuyện đâu đến nỗi thê thảm như thế này..., Thọ tự độc thoại với chính mình. Và người đàn ông 50 tuổi này không thể nghĩ rằng về già mình lại có kết cục buồn thảm như vậy. Lời dạy của người cha đã khuất núi "một điều nhịn, chín điều lành", bây giờ Thọ thấy thấm thía quá. "Trong giấc mơ, tôi thường gặp cha và mẹ. Mẹ tôi dạo này gầy quá, gặp nhau lần nào, bà cũng khóc. Còn bố, chỉ nhìn tôi mà không nói lời gì. Bố tôi, đã qua đời vì một cơn đau tim dữ dội vào năm 2010”. Nguyễn Văn Thọ vừa nói, vừa lấy tay lau nước mắt. Trước mắt tôi, người đàn ông 50 tuổi này khóc như một đứa trẻ.
Giờ tuyên án đã đến, bị cáo Nguyễn Văn Thọ choáng váng khi nhận mức án tù chung thân. Nhìn cảnh vợ con, mẹ già khóc lóc chạy theo mình ra xe thùng, lòng Thọ như có ai xát muối...
Thiên Long
(Tên bị hại đã được thay đổi)