Thưa ông, để được thông qua luật Thủ đô, trong kỳ họp này, là một bí thư Thành ủy, ông có lo lắng gì trước khi được thông qua?.
Trước khi có Luật Thủ đô, công việc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải giải quyết hàng ngày vốn dĩ cũng đã hết sức to lớn, khó khăn. Sau khi có Luật Thủ đô cũng có những thuận lợi mới, vì đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô những trách nhiệm mới.
Tôi cho rằng những mong muốn mà lâu nay mọi người yêu cầu Thủ đô phải xứng đáng với lòng mong đợi của cả nước thì bây giờ điều mong đợi ấy có lẽ còn lớn hơn nữa, nên thuận lợi tốt hơn nhưng trách nhiệm cũng nặng hơn.
Sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất xây dựng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: tienphong)
Nhiều đại biểu lo ngại chính sách nhập cư có thể làm nảy sinh tiêu cực, có thể không quản lý được. Quan điểm của ông thế nào?
Nếu chúng ta làm không tốt, thì bất cứ một chính sách nào cũng đều có thể bị lợi dụng, kể cả trước đây ở thời bao cấp, khi mọi người còn sống dựa vào hộ khẩu, tem phiếu…, việc nhập cư cực khó nhưng cũng có thể vẫn có tiêu cực. Cho nên tiêu cực phụ thuộc vào ý thức, tinh thần trách nhiệm thực thi chính sách chứ không phải phụ thuộc vào việc quy định như thế nào.
Nhiều đại biểu vẫn chưa thực sự đồng tình với các quy định của Luật thủ đô, xin ông cho biết một vài nỗi băn khoăn của các đại biểu này.
Tôi nghĩ rằng số đại biểu Quốc hội chừng nào đó cũng phản ánh tình cảm và mong muốn chung của các tầng lớp nhân dân khác. Nếu nói một cách nào đó, những người mong muốn sự dễ dàng về điều kiện nhập cư cũng đều là những người yêu quý Thủ đô và cũng đều là những người muốn chung tay góp sức xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, xét dưới góc độ quản lý đô thị, chúng ta phải tìm ra được lời giải tốt nhất và trong cái tốt nhất đó cũng có thể có điểm chưa phù hợp với mong muốn của một số người. Nhưng chúng ta phải vì cái chung.
Chính sách nào sẽ được coi là điểm đột phá để từ Luật này, Thủ đô có thể làm dược những việc mà ông và cả nước trông đợi?
Đi vào từng cơ chế, chính sách đặc thù, trong mỗi lĩnh vực, ít nhiều đều có, như giáo dục, văn hóa, đầu tư, ngân sách… Nhưng tổng hợp lại, các cơ chế, chính sách này tạo ra vị thế cho Thủ đô của đất nước, khẳng định vị trí và tầm quan trọng nơi đây là Thủ đô của nước ta, là nơi đặt trụ sở của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, nơi đặt các cơ quan ngoại giao và là nơi diễn ra các sự kiện lớn trong nước và quốc tế. Cái đó một lần nữa khẳng định vị thế của Thủ đô là một vị thế riêng, không phải tỉnh thành nào cũng có, cái đó là cái lớn, chung nhất.
Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Thủ đô, ông sẽ tập trung vào làm việc gì?
Với suy nghĩ của tôi, sau khi Quốc hội thông qua Luật thủ đô, tôi sẽ phải nghĩ tới những việc cần phải làm chứ không phải say sưa với niềm vui luật được thông qua. Trước khi có luật, nhân dân cả nước cũng luôn mong đợi và yêu cầu Hà Nội phải làm thật tốt để xây dựng được một thủ đô xứng đáng với đất nước ta. Giờ có Luật Thủ đô, có thêm những điều kiện thuận lợi mới, đòi hỏi và yêu cầu đó càng cao hơn. Những suy nghĩ của chúng tôi, của lãnh đạo, Đảng bộ, nhân dân Hà Nội là phải làm sao để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đó, như vấn đề về quy hoạch, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… đều phải tốt hơn.
Ông có hình dung diện mạo Thủ đô sẽ thay đổi như thế nào sau khi có Luật thủ đô và trong khoảng thời gian bao lâu?
Tôi nghĩ Luật thủ đô không phải là đem lại cho Hà Nội một đôi đũa thần, vung lên cái là ngày mai “vừng ơi, mở cửa ra”, mà nó phải là một quá trình. Bản thân luật này cũng mất hơn 3 năm mới được Quốc hội thông qua thì việc chuyển biến trong thực tế cũng cần có thời gian.
Tôi lấy ví dụ về quy định hạn chế nhập cư, dựa vào số liệu sau khi Hà Nội mở rộng và hợp nhất, nếu với phương án đã được chấp thuận, mỗi năm Hà Nội sẽ giảm được ít nhất là vài trăm nghìn người nhập cư so với khi chưa có luật, như vậy trong vòng khoảng 4-5 năm có thể giảm bớt khoảng 1 triệu người nhập cư, như vậy cũng là lớn lắm chứ. Việc lo cho 1 triệu người có nơi ở, học hành, chữa bệnh, đi lại, đảm bảo an ninh trật tự… là vấn đề không hề nhỏ.
Thưa ông, Hà Nội có thể cam kết, hứa hẹn gì với người dân cả nước khi có luật này?
Cam kết lớn nhất là Hà Nội đón nhận Luật thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để làm sao động viên được tất cả mọi người, ở Hà Nội cũng như ở các nơi khác, ngoài tình cảm với Thủ đô, đều có thể góp sức, góp phần xây dựng Thủ đô thực sự văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguyên An ghi