Đơn giản là vì, từ khi nó ra đời, nạn rượu chè đã giảm hẳn, nhất là nạn uống rượu trong giờ làm việc. Bây giờ về Hà Tĩnh, bất kể là khách to hay nhỏ, khách ta hay khách Tây đều không được tiếp rượu trong các bữa ăn sáng và trưa.
Rất nhiều người, nhất là phụ nữ, gọi điện cho lãnh đạo Tỉnh ủy nói cảm ơn chỉ thị cấm rượu của Tỉnh ủy. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh kể: Trong một số lần về các huyện công tác, ông lặng lẽ đến một số xã và đã nhiều lần bắt gặp cảnh dân chờ cán bộ đến dài cổ mà vẫn chưa xin được chữ ký.
Một hôm, chừng 3 giờ chiều, ông bất ngờ rẽ vào trụ sở một xã. Thấy một bà cụ ngồi nép mình ở góc tường ủy ban, ông hỏi: Cụ ngồi làm gì ở đây ạ. Bà cụ nhận ra ông, thẳng thắn nói: "Bác Bí thư vào mà xem kìa. Bí thư thì ngủ ở bàn, chủ tịch thì nằm ở ghế, dân đợi cả buổi mà chưa đóng được dấu. Vào xin, họ còn nạt nộ nữa…" - Hôm ở xã khác, ông gặp một giám đốc doanh nghiệp, cũng chờ xin chữ ký mà đã hai - ba ngày rồi chưa được. Vị giám đốc nói với ông, bữa thì cán bộ đi đám cưới, bữa lại đám giỗ, cứ hẹn mãi… Chỉ thị cấm rượu ra đời từ thực tế tệ hại đó.
Bây giờ đi công tác ở địa phương, nhất là miền núi, ai cũng sợ bị "tra tấn" bằng rượu. "Chào buổi sáng", ít nhất cũng phải một chai, còn buổi trưa, buổi chiều thì cứ như là hội thi uống rượu giỏi vậy. Uống thế thì còn đâu sức khỏe, còn đâu tỉnh táo để làm việc, để phục vụ dân nhân dân hằng ngày. Đó là chưa kể, rượu vào lời ra, ứng xử có khi rất tệ với dân. Giá như ở đâu cũng làm được như Hà Tĩnh.
Thế mới hiểu, tại sao bà con ở Hà Tĩnh thi nhau gọi điện thoại cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy. Hãy cứ gần dân, ắt có chủ trương đúng. Hãy ra chủ trương đúng, sẽ được dân đón nhận, ghi tâm!
Theo Lao động