Hàm lượng vàng xuất khẩu không đúng như đăng ký
Trước đó, vào đầu tháng 7/2013, hai công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (tại huyện Phú Ninh) và Cty TNHH khai thác vàng Phước Sơn (tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) bị cơ quan hải quan truy thu gần 250 tỉ đồng tiền thuế xuất khẩu vàng trong giai đoạn từ tháng 12/2007 đến tháng 12/2012.
Cụ thể, công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu bị truy thu 47 tỷ đồng, còn công ty vàng Phước Sơn bị truy thu 202,6 tỉ đồng.
Cơ quan chức năng cho biết, hai công ty này đã khai không đúng hàm lượng vàng xuất khẩu để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu là 0%.
Mặt khác, đơn vị giám định hàm lượng vàng cho công ty TNHH Phước Sơn không được cấp phép để giám định vàng nguyên liệu.
Tuy nhiên, đại diện phía công ty TNHH khai thác vàng Phước Sơn cho rằng vàng do Phước Sơn xuất khẩu đạt hàm lượng 99,99% theo các tiêu chuẩn Việt Nam về giám định hàm lượng vàng, nên phải được hưởng thuế nhập khẩu 0%.
Về vấn đề này, cơ quan Hải quan cho biết: đơn vị giám định hàm lượng vàng cho công ty TNHH Phước Sơn không được cấp phép để giám định vàng nguyên liệu.
Vàng xuất khẩu của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu. |
Theo cơ quan Hải quan, các đơn vị xuất khẩu vàng nguyên liệu có hàm lượng 99,99% cần có chứng thư giám định của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) để làm thủ tục xuất khẩu.
Bởi lẽ hiện chỉ có công ty này có máy móc thiết bị phân kim vàng 99,99% và kiểm định vàng. Các đơn vị xuất khẩu vàng nguyên liệu và vàng trang sức có hàm lượng dưới 99,99% thì cần căn cứ vào kết luận của các tổ chức có chức năng giám định về vàng hoặc trưng cầu giám định của SJC.
Được biết, Công ty TNHH Khai thác Vàng Phước Sơn hiện là liên doanh giữa Tập đoàn Vàng Besra (trước đây là Tập đoàn Olympus Pacific Minerals) của Canada với Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam.
Dự án có vốn đầu tư nước ngoài khai thác vàng theo quy mô công nghiệp ở Việt Nam này nhận được giấy phép đầu tư hồi tháng 10/2003.
Dự án có vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 10 triệu USD, hoạt động trong thời hạn 30 năm. Tỷ lệ vốn góp là 85% cho đối tác nước ngoài và 15% cho đối tác Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, bên Việt Nam được quyền mua lại phần vốn pháp định của bên nước ngoài để đạt ít nhất 30% vốn pháp định.
Công ty Vàng Bồng Miêu là "liên doanh tay ba" giữa Công ty Olympus Pacific Minerals (Canada) với hai đối tác Việt Nam là Công ty Phát triển khoáng sản và Công ty cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam, được cấp phép khai thác mỏ vàng Bồng Miêu trong 25 năm trên diện tích khoảng 32km vào tháng 3/1991.
"Dọa" Nhà nước sẽ đóng cửa nếu tăng thuế
Cũng liên quan đến chuyện đóng thuế khoáng sản của hai công ty khai thác vàng này, đầu tháng 8/2013 lãnh đạo hai công ty đã "dọa" đóng cửa ngừng khai thác nếu thuế suất tài nguyên của Việt Nam tăng từ 15% lên 25% vào đầu năm 2014.
Theo ông Lê Minh Kha, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (PSGC và BMGMC), nếu mức thuế suất này được áp dụng thì thuế suất tài nguyên được áp dụng tại Việt Nam được cho là cao nhất, cao gấp 5 lần so với mức trung bình trong khu vực, 5 lần so với Indonesia, 3 lần so với Lào, 15 lần so với Đông Malaysia.
Trước những áp lực về thuế như đã nêu trên, ông Kha cho biết hai công ty khai thác vàng lớn nhất Việt Nam sẽ lâm vào cảnh khó khăn và bị buộc phải cân nhắc tạm dừng sản xuất.
Khó khăn này sẽ đẩy hơn 1.600 lao động có nguy cơ mất việc làm, và hơn thế nữa, sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách, tình hình Kinh tế-Xã hội của tỉnh Quảng Nam khi công ty này cùng 5 công ty khai khoáng lớn khác lâm vào khó khăn.
Hai công ty khai thác vàng lớn nhất Việt Nam sẽ đóng cửa nếu Bộ Tài chính tăng thuế suất khai thác khoáng sản vào đầu năm 2014? |
“Công ty vàng Phước Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2003, mức thuế suất Tài nguyên vào thời điếm đó là 6%. Sau đó mức này tăng lên 9% vào năm 2009 và 15% vào tháng 1/2010. Nếu chính phủ tăng thuế tài nguyên lên 22%, cả PSGC và BMGMC có nguy cơ đóng cửa.
Khi đó, sẽ có khoảng 1.600 lao động địa phương đang làm việc cho chúng tôi sẽ mất việc làm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ không thể còn là đối tác tiềm năng của các nhà thầu, nhà cung cấp địa phương khi tổng chi phí mà chúng tôi trả cho nhà cung cấp và nhà thầu địa phương lên đến gần 3.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, chúng tôi khó có thể tiếp tục đóng góp vào ngân sách Nhà nước như đã thực hiện với số tiền hơn 730 tỷ đồng trong thời gian qua. Và quan trọng hơn nữa là không thể tiếp tục tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển cộng đồng cho Quảng Nam như đã và đang làm trong thời gian qua với số tiền hơn 45 tỷ đồng”, ông Kha nói.
Phía công ty mẹ của hai công ty khai thác vàng này cũng cho rằng: "Nếu bị buộc phải ngừng hoạt động, ngân sách sẽ thất thu, trong khi tập đoàn và các công ty con sẽ không thể tiếp tục cung cấp việc làm cho khoảng 1.800 lao động; không còn khả năng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển cộng đồng như hai công ty đã và đang làm; không thể chi trả các khoản vay hiện tại từ các ngân hàng...".
Đứng trước sự việc hai công ty khai thác vàng lớn nhất Việt Nam lên tiếng về mức thuế suất của Bộ Tài chính, ông Phạm Quang Tú, phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) cho rằng: Việc doanh nghiệp "kêu" có thể là do doanh nghiệp cứ kêu lên như vậy để hòng có lợi. Tức là khi đó họ thấy ảnh hưởng tới túi tiền, lợi nhuận không được cao như kỳ vọng nên doanh nghiệp cứ kêu lên như thế thôi. Thậm chí họ còn dọa nhà nước.
Ông Tú cho biết thêm: "Thông thường các doanh nghiệp vẫn thường phải bỏ ra những khoản chi phí bôi trơn nên đôi khi có những phản ứng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được".
Theo Đất Việt